Các điều luật kỳ khôi, 'khó đỡ'

01/01/2010 - 00:00
Đã bao giờ bạn nghe nói đến những luật kỳ quái “điều chỉnh” từ việc một cặp uyên ương hôn nhau, “mây mưa” với nhau..., đến quyền sở hữu đối với “hậu quả” của một chú cẩu thải ra ngoài đường?
Thủ tướng Đức từ năm 1871-1888 Otto von Bismarck từng nói: “Ai biết các đạo luật và xúc xích được làm như thế nào, người đó sẽ không ngủ yên được nữa!”. Ý câu nói nôm na là “khuất mắt trông coi!”. Thực tế, có không ít điều luật kỳ khôi đến mức ít người tin được.
 
Trước kia, luật pháp cho phép khách hàng kiện... thầy bói vì “dự báo không trở thành hiện thực”, hoặc cho phép vợ chồng du khách kiện công ty du lịch là họ “không mây mưa được với nhau một cách hài hòa” vì giường ngủ trong khách sạn quá nhỏ! Luật giao thông Đức hiện nay vẫn ghi rõ: “Cấm một đoàn người khi đi qua cầu bước đều chân”.
Luật quy định thời gian cho một nụ hôn

 

Thuế mèo và thuế chim sẻ
Tư pháp Đức tỏ ra đặc biệt “sáng tạo” trong lĩnh vực thuế. Trong thế kỷ 18, mỗi công dân Hannover hằng năm phải nộp một số lượng... chim sẻ tối thiểu, vì thành phố này khi đó thiếu... mèo để đuổi chim bảo vệ các kho thóc! Ai không nộp đủ chim phải đóng một khoản “thuế chim sẻ”! 100 năm sau, vùng Pfalz giáp biên giới Pháp lại có quá nhiều mèo, nên chính quyền quyết định thu một khoản thuế gọi là “thuế mèo”!
 
Sinh viên luật ở Đức hay nhắc đến những “ví dụ tình huống” khá kỳ quặc do các giáo sư đưa ra, như: Khi một người đóng một cái đinh lên đầu một người khác, thì cái đinh đó thuộc quyền sở hữu của ai?
 
Chết không có nghĩa là mất khả năng hành nghề
Mỗi năm, cả nước Đức sản xuất trung bình 150 luật và nghị định, trong đó luôn xuất hiện những quy định “không giống ai”. Ví như chính quyền đảo Helgoland ở biển Bắc cấm người dân đi xe đạp trên đảo từ năm 1970, để hạn chế tai nạn giao thông do xe đạp gây ra trên những đường phố chật hẹp ở đây. Trên hòn đảo có hơn 1000 dân này chỉ cảnh sát, bác sĩ và lính cứu hỏa được đi xe đạp khi thực thi công vụ!
 
Còn Bộ Tài chính liên bang thì tuyên bố, chết hoàn toàn không phải là tình trạng “mất khả năng hành nghề lâu dài”. Quy định kỳ khôi này được đưa ra nhằm tránh tình trạng người ta lợi dụng cái chết để chiếm lợi thế về thuế.
 
Cấm... chết!
Về khía cạnh quan liêu khi làm luật thì các nước khác cũng không thua kém Đức là mấy. Pháp có điều luật cấm người ta hôn nhau ở chỗ chắn tàu. Lý do là đã có không ít cặp uyên ương bị tầu hỏa đâm phải khi họ đang hôn nhau trên đường ray. Tháng 9/2000, thị trấn Le Lavandou thậm chí còn cấm công dân của thị trấn này... chết, nếu trước đó không đặt sẵn một chỗ trong nghĩa trang! Lý do thật đơn giản: Nghĩa trang thị trấn bị quá tải.
 
Vì một con tem có thể mắc tội phản quốc
Anh là một đất nước rất có ý thức về truyền thống. Tại đây, đến nay luật pháp vẫn cấm người ta dán ngược tem thư có in hình Nữ hoàng Anh. Ai vi phạm sẽ bị buộc tội phản quốc!
 
Ai sơ ý dán ngược tem có hình Nữ hoàng Anh sẽ bị buộc tội phản quốc

 

Một điều khác cũng rất thú vị: Vì lâu đài Westminster, trụ sở của Quốc hội Anh trước kia từng là lâu đài của vua, nên ai chết ở đó nghiễm nhiên được hưởng nghi lễ an táng cấp nhà nước. Điều đó dẫn đến việc là pháp luật nghiêm cấm người Anh chết trong lâu đài này. Ai vi phạm sẽ bị đưa ra ngoài lâu đài, trước khi giấy chứng tử được cấp.
 
Tuy nhiên, vô địch thế giới về những quy định pháp luật kỳ quặc là Mỹ. Nhiều tinh hoa tư pháp của đất nước này ra đời vào thế kỷ 17, khi những người theo đạo Thanh giáo từ Anh đến “Tân thế giới” sinh sống và đã áp đặt nhận thức đạo đức hà khắc của họ lên nền văn hóa và lập pháp Mỹ. Ngày nay ở Cleverland, vẫn còn một điều luật cấm phụ nữ đi giày có lớp sơn bóng. Lý do là đàn ông có thể lợi dụng hình ảnh phản chiếu từ đôi giày bóng loáng của phụ nữ để... nhìn vào bên trong váy của họ! Hay như ở Florida, trẻ em chỉ được đọc “Harry Potter”, nếu có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ.
 
Án chung thân cho ai lỡ... trung tiện
Những quy định liên quan đến việc đi nhà thờ ở Mỹ là rất khắt khe. Bang Alabama cấm những ai có một bộ ria mép “không giống ai” đến nhà thờ, vì có thể làm các con chiên khác cười! Ở St. Louis, ai trung tiện trong nhà thờ có thể bị phạt tù tới chung thân. Tại Maine, đến nay, người đi lễ nhà thờ vẫn phải có nghĩa vụ mang theo súng để đề phòng bị người da đỏ tấn công, quấy rối buổi kinh.
 
Bà thị trưởng thị trấn Inglis là người rất kiên quyết trong vấn đề tôn giáo. Vì ngày càng có nhiều trẻ em cải trang thành “quỷ Satăng” trong lễ hội Halloween, nên bà ta nhận định là quỷ dữ đang gia tăng áp lực lên thị trấn của bà. Bởi vậy, bà đã ban hành lệnh “cấm Satăng xâm nhập khu vực thị trấn Inglis”. Bản sao của lệnh cấm được nhét vào các thanh gỗ rỗng cắm trước các lối vào thị trấn, nhằm làm cho quỷ Satăng sợ hãi!
 
Hiện nay, mỗi năm, Italia cho ra đời khoảng 500 luật mới, ở Mỹ chỉ riêng bang California gấp đôi thế, còn Thụy Sĩ thậm chí mỗi năm cho ra đời khoảng 5.500 quy định pháp luật mới. Giá mà thế giới pháp luật rút ra được những bài học từ lịch sử pháp luật thì số lượng những điều luật kỳ quái phải giảm đi nhiều.
 

- Theo phán xử của một tòa án Đức thì khi một cặp vợ chồng mây mưa với nhau chỉ được phép thở to hổn hển từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Ngoài giờ đó ra, tiếng hổn hển sẽ quấy rầy hàng xóm và hàng xóm có thể báo ngay cảnh sát.
- Thị trấn Monroe (Mỹ) quy định hai người khiêu vũ với nhau phải giữ một khoảng trống giữa họ sao cho ánh sáng mặt trời chiếu qua được.
- Công dân bang Iowa (Mỹ) không được phép hôn nhau quá 5 phút, trong khi đó ở Tulsa (bang Rohde Island), một nụ hôn dài hơn 3 phút là phạm pháp. Còn ở Halethorpe (bang Maryland), người ta thậm chí hôn quá 1 giây đồng hồ là đã phải ra hầu tòa.
- Từ năm 1909, một sắc thuế diêm được ban hành ở Đức. Thuế này được đánh kèm với thuế thuốc lá và sau này được áp dụng cả với bật lửa và đá lửa!
- Một điều luật của bang Alabama (Mỹ) cấm công dân bang này bịt mắt khi... lái xe!
- Bạn chớ dại tiến hành thử hạt nhân ở thành phố Chigo (bang California/Mỹ), vì nếu bạn lỡ tay phá hủy Chigo thì theo một điều luật của thành phố này bạn sẽ bị phạt... 500 USD, đúng bằng số tiền bang Mississippi phạt tội “ăn cơm trước kẻng”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm