Các kỹ thuật xét nghiệm trong chẩn đoán xơ gan

Anh Dũng
03/03/2020 - 11:52
Các kỹ thuật xét nghiệm trong chẩn đoán xơ gan
Xơ hóa gan tiến triển rất nguy hiểm và là nguyên nhân chủ yếu đưa đến tử vong. Vì vậy chẩn đoán xơ gan sớm để có phương pháp điều trị thích hợp là vô cùng quan trọng.

Xơ gan là bệnh mạn tính khiến cho chức năng gan bị suy giảm. Khi gan bị xơ, các tế bào nhu mô gan sẽ bị tổn thương và dần hình thành các sẹo xơ. Điều này khiến cho gan không thực hiện được đầy đủ các chức năng như tổng hợp protid,, dự trữ năng lượng, đào thải độc tố, tham gia vào tổng hợp các yếu tố đông máu….

Do là một căn bệnh nguy hiểm nên bệnh nhân cần được chẩn đoán xơ gan sớm, nên khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc gan mật ít nhất 6 tháng/lần. Tầm soát các bệnh lý về gan mật là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, sớm phát hiện bệnh và các dấu hiệu gây bệnh để tiến hành điều trị xơ gan kịp thời.

1. Kiểm tra thể chất

Để chẩn đoán xơ gan, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh của bệnh nhân và gia đình. Sau đó, họ sẽ kiểm tra các dấu hiệu nguy cơ xơ gan như:

- Bụng trương phình.

- Kích thước gan to hơn bình thường.

- Mô vú phụ (xuất hiện ở nam).

- Vết xuất huyết trong lòng bàn tay.

- Da hoặc mắt có màu vàng.

- Các mạch máu nổi rõ dưới da.

2. Xét nghiệm chức năng gan

Xét nghiệm chức năng gan đo lường lượng men gan và protein mà gan tạo ra được dùng để chẩn đoán xơ gan. Trong đó, bác sĩ sẽ xem xét các chỉ số sau:

- Enzyme alanine transaminase (ALT) và aspartate transaminase (AST): đây là các enzyme giúp phân hủy protein và axit amin. Nếu nồng độ ALT và AST tăng cao nghĩa là gan đang chịu tổn thương do xơ gan hoặc một bệnh lý khác.

- Albumin: là một loại protein do gan tạo thành. Khi gan tổn thương, mức độ albumin trong máu sẽ giảm xuống.

- Bilirubin: là sắc tố vàng còn tồn tại trong máu sau khi các tế bào máu chết đi. Gan sẽ loại bỏ bilirubin trong máu và thải ra ngoài cơ thể qua phân. Nếu gan hoạt động không bình thường, bilirubin sẽ bị tích tụ trong máu, khiến cho da và mắt có màu vàng.

- Creatinin: là sản phẩm được tạo ra từ các hoạt động cơ bắp và thận sẽ lọc nó ra khỏi cơ thể. Nồng độ creatinin cao là dấu hiệu của tổn thương thận, có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của bệnh xơ gan.

- Xét nghiệm đông máu (thời gian prothrombine và chỉ số bình thường hóa quốc tế): bởi vì gan giúp tạo ra các yếu tố đông máu nên xét nghiệm này giúp đánh giá thời gian tạo thành cục máu đông. Nếu thời gian đông máu lâu, bác sĩ có thể chẩn đoán xơ gan.

Một số các xét nghiệm máu khác mà bạn có thể phải làm để có thể chẩn đoán xơ gan bao gồm:

- Công thức máu toàn phần (CBC): kiểm tra số lượng các tế bào hồng cầu và bạch cầu

- Xét nghiệm máu viêm gan: tìm kiếm các virus gây viêm gan A, B, và C do viêm gan là một căn bệnh nguy hiểm và có thể dẫn đến xơ gan.

- Xét nghiệm máu ngoại vi: bệnh nhân xơ gan thường có thiếu máu, nếu có xuất huyết tiêu hoá thiếu máu nhược sắc - huyết sắc tố giảm, số lượng tiểu cầu thường giảm.

3. Siêu âm để chẩn đoán xơ gan

Đây là xét nghiệm không xâm lấn dùng sóng âm để tạo ra hình ảnh của nhiều nội tạng gồm có gan. Siêu âm không gây đau và thường chỉ mất chưa đến 30 phút. Trong khi bệnh nhân nằm trên giường hoặc trên bàn khám, một đầu dò siêu âm sẽ được đặt lên người. Nó phát ra sóng âm được phản hồi từ gan và chuyển thành hình ảnh trên máy tính giúp bác sĩ chẩn đoán xơ gan.

Kết quả siêu âm ở bệnh nhân xơ gan thường là:

- Gan to và sáng, cường độ siêu âm bị giảm theo độ sâu, tia siêu âm yếu nhanh do sự thoái hoá mỡ của tổ chức gan.

- Bờ gan không đều do có nhân xơ trên mặt gan, bờ gan. Thuỳ đuôi to ra, tỷ lệ chiều dày thuỳ đuôi khi cắt ngang qua thuỳ đuôi và gan phải ở người bình thường không vượt quá 2/3. Nếu tỷ lệ này cao là dấu hiệu đặc trưng của xơ gan.

4. Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Xét nghiệm này dùng tia X để tạo ra các hình ảnh cắt ngang qua cơ thể. Bệnh nhân có thể uống thuốc phản quang trước khi chụp để bác sĩ nhìn rõ hình ảnh của gan hơn, từ đó có thể chẩn đoán xơ gan chính xác.

5. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Thay vì sử dụng tia X, phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI tạo ra hình ảnh bằng sóng vô tuyến và từ trường. Ðôi khi, thuốc cản quang cũng được dùng trong phương pháp này để chẩn đoán xơ gan.

Chụp cộng hưởng từ MRI có thể mất từ 15 phút tới 1 tiếng. Đôi khi bệnh nhân sẽ thấy MRI bất tiện hơn nhiều so với CT. Vì họ sẽ bị nhốt kín trong một ống hẹp và khi hoạt động máy sẽ gây ra tiếng ồn lớn khiến một số người khó chịu.

6. Nội soi

Phương pháp nội soi chẩn đoán xơ gan sử dụng một ống nhỏ có đèn và máy chụp ảnh ở một đầu luồn vào trong cơ thể. Qua đó, bác sĩ có thể thấy được các mạch máu bất thường ở gan.

Nếu bệnh nhân bị xơ gan, các tĩnh mạch gan sẽ phình to do các vết sẹo ở gan ngăn chặn máu chảy từ tĩnh mạch cửa vào gan. Theo thời gian, áp lực được tạo thành trong các tĩnh mạch này và máu sẽ đổ ngược vào dạ dày, ruột hay thực quản.

7. Đo độ đàn hồi cộng hưởng từ (MRE) và đo độ đàn hồi thoáng qua (TE)

Đây là các phương pháp mới dùng để chẩn đoán xơ gan bằng cách kiểm tra độ đàn hồi của gan, từ đó phát hiện các vết sẹo do tổn thương gan gây ra. Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm này thay vì sinh thiết gan vì chúng ít xâm lấn hơn. Tuy nhiên, phương pháp này hiện nay vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam.

7. Sinh thiết gan

Để sinh thiết gan, đầu tiên bác sĩ sẽ làm tê vùng bụng của bệnh nhân. Sau đó, sử dụng một cây kim nhỏ đâm xuyên qua ổ bụng vào đến gan và lấy ra một mảnh mô nhỏ. Để điều khiển mũi kim, bác sĩ có thể sử dụng quét cắt lớp (CT), siêu âm hoặc phương pháp hình ảnh khác.

Bác sĩ sẽ quan sát mẫu mô được lấy dưới kính hiển vi để tìm các dấu hiệu tổn thương. Sinh thiết gan là một phương pháp giúp các bác sĩ chẩn đoán xơ gan cũng như tìm hiểu được nguyên nhân gây tổn thương gan hiệu quả. Tuy nhiên, đây là 1 kỹ thuật xâm lấn, khó thực hiện với vài khuyết điểm nên chỉ định thật cân nhắc.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm