Chị Như Bình (phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) có con trai học lớp 2 tại một trường dân lập ở quận Cầu Giấy, ngay sau khi biết được thông tin vụ việc trên, đã tỏ ra khá lo lắng về vấn đề đưa đón xe bus tuyến. Theo chị, vụ việc xảy ra mới khiến chị suy nghĩ về trình tự đưa đón, sự kiểm soát học sinh của các cô giáo quản lý việc đưa đón, cũng như nhân sự tham gia việc đưa đón học sinh.
“Con trai tôi sáng nào cũng phải dậy rất sớm để kịp lên xe tuyến, nhiều hôm cháu buồn ngủ gật gù, lên xe là nằm ngủ tiếp đến trường mới choàng tỉnh. Tình trạng xe đưa đón học sinh quá sớm và các con bị buồn ngủ trên xe là điều thường trực, tuy nhiên chúng tôi luôn yên tâm vì đã có sự kiểm soát của giáo viên đi theo xe. Nay vụ việc xảy ra, mới giật mình không biết là nhân viên đưa đón có phải là người của nhà trường hay là qua một đơn vị trung gian” - chị Bình chia sẻ.
Cùng quan điểm với chị Bình, nhiều phụ huynh trên các diễn đàn mạng và các nhóm trường, lớp có con đi xe tuyến tiểu học, đang bàn tán xôn xao về vấn đề này. Hầu hết các ý kiến chia sẻ rằng, họ quá bất ngờ và ám ảnh về cái chết thương tâm của cháu bé ở trường Gateway. Và điều mà họ lên án chính là thái độ làm việc tắc trách của nhà trường, khi mà học sinh không có mặt cũng không thấy giáo viên chủ nhiệm thông tin lại với gia đình về sự vắng mặt bất thường của học trò trong ngày.
Chị Thu Hương (Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đặt câu hỏi về trách nhiệm của cô giáo phụ trách lớp cháu bé học. Theo chị, lớp học ở các trường quốc tế, dân lập thường không quá đông, nhiều lắm chỉ khoảng 30 cháu chứ không phải lên đến 50 - 70 cháu như ở các trường công lập. Vì vậy, càng khó hiểu khi cô giáo không nắm được tình hình học tập của học sinh và điểm danh sĩ số.
“Vụ việc này phải làm đến cùng, để rõ ra trách nhiệm của nhà trường đến đâu. Nếu quả thực có việc giáo viên giám sinh ở xe quên cháu bé, và giáo viên chủ nhiệm không nắm luôn được sự vắng mặt hay có mặt của học sinh mỗi ngày, thì trường Gateway cần xem lại đội ngũ làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm của mình” - chị Hương thẳng thắn.
Một phụ huynh khác cũng tỏ ra lo lắng khi chia sẻ trong nhóm lớp thuộc một trường tiểu học dân lập trong quận Cầu Giấy, về việc nhân sự đưa đón các con đối với xe tuyến của trường, ngay sau khi vụ việc xảy ra.
Chị này cho biết, sau khi tìm hiểu, mới biết là người đưa đón không phải là người của trường, mà là thuê đơn vị riêng. “Tôi cũng thấy nhiều mẹ chia sẻ rằng, đại diện nhà trường đã hứa là sẽ tiến hành tập huấn kỹ lưỡng các cô giám sinh, để có thể thực hiện chặt chẽ các quy trình về đưa - đón học sinh của trường” - chị nói.
Các phụ huynh này nhắc nhau về việc lưu tâm đến giám sinh đi theo xe và tài xế lái xe, nhiều người cho biết sẽ trực tiếp nhắc nhở đội ngũ này khi đưa con đến điểm đón trả. Đặc biệt với những bé đang còn dở giấc và thường ngủ quên trên xe, việc nhắc nhở này càng phải thực hiện kỹ càng hơn.
Một số phụ huynh khác lại cho rằng, tạm thời cách yên tâm nhất vẫn là tự đưa đón con, tránh những sai sót đáng tiếc. Gần như một “làn sóng” của sự lo lắng, bất an nổi lên liên quan đến việc cho con đi học xe tuyến, ngay sau vụ việc rúng động tại trường Gateway.
* Trước đó, như đã đưa tin, chiều 6/8, cháu L.H.L, học sinh lớp 1 của Trường Gateway, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bị phát hiện ở trên xe buýt đưa đón học sinh của trường trong tình trạng tím tái. Nhà trường đã đưa cháu L. đến Bệnh viện E để cấp cứu, nhưng cháu L. đã không qua khỏi.
Theo bản tường trình của bà Trần Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Gateway, sáng 6/8, gia đình đã đưa cháu L. đến điểm đón xe buýt để tới trường. Giáo viên phụ trách xe buýt đã đưa cháu L. lên xe. Tuy nhiên, sau đó, cháu L. đã bị bỏ quên trên xe. Đến khoảng 16 giờ ngày 6/8, trong quá trình đưa học sinh đi xe buýt về, nhà trường đã phát hiện học sinh L.H.L. đang nằm bất tỉnh trên xe.
Vụ việc đang được dư luận rất quan tâm, lo lắng và muốn biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé.