pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các nước xử lý vụ học sinh bạo lực giáo viên thế nào?
Nữ giáo viên Hàn Quốc bị học sinh bạo lực. Ảnh: SBS
Trung Quốc: Giáo viên bị tạm dừng đứng lớp
Tháng 4/2023, truyền thông Trung Quốc dậy sóng vụ 2 nam sinh THCS ở Quảng Tây (Trung Quốc) tát cô giáo. Đầu giờ giáo viên nhắc nhở 2 học sinh không mặc đúng đồng phục và đi dép lê đến trường. Phớt lờ lời nói, từ phía sau 2 nam sinh bật dậy tát cô giáo đang viết bảng. Sau khi có hành vi bạo lực giáo viên, 2 học sinh buông ra lời quát mắng, xúc phạm.
Trước sự việc trên, nữ giáo viên không phản kháng, chỉ dừng việc giảng dạy 1 lúc. Trong khi đó, thái độ của cả lớp lại thờ ơ, không quan tâm đến sự việc. Sau 2 ngày xảy ra sự việc, Phòng Giáo dục tỉnh Quảng Tây đưa ra biện pháp xử lý đối với ban giám hiệu, giáo viên và học sinh:
Một, phê bình và cảnh cáo phó hiệu trưởng phụ trách giáo dục và đạo đức.
Hai, tạm dừng việc đứng lớp đối với giáo viên bị học sinh đánh. Trong thời gian không đến trường, cô giáo tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao khả năng kiểm soát lớp học.
Ba, học sinh đánh giáo viên phải tham gia các buổi tư vấn tâm lý, áp dụng biện pháp quản chế hành chính 5 ngày và đình chỉ học 1 thời gian.
Công văn xử lý vụ việc của phòng giáo dục khiến nhiều người phẫn nộ. Họ cho rằng giáo viên không có lỗi. Trả lời vấn đề, đại diện phòng giáo dục địa phương cho biết, để xảy ra tình trạng này, không chỉ là vấn đề đạo đức của học sinh, còn liên quan đến khả năng quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm về lớp học của giáo viên.
Phản bác cách xử lý của phòng giáo dục, nhiều giáo viên Trung Quốc lên án cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do việc bênh vực học sinh và không bảo vệ quyền lợi cho giáo viên ngày càng được ủng hộ.
Mỹ: Học sinh phải đối mặt với pháp luật
Tờ New York Post đưa tin cuối tháng 9/2023, cô giáo vì can học sinh đánh nhau, vô tình trở thành nạn nhân vụ bạo lực học đường . Sự việc xảy ra tại Trường Trung học Flint Southwestern Academy, bang Michigan (Mỹ). Ngăn 2 học sinh dừng đánh nhau, cô giáo bất ngờ bị 1 nữ sinh cầm ghế kim loại ném thẳng vào đầu.
Ngay sau đó, nữ giáo viên ngất xỉu tại chỗ. Mặc cho giáo viên bị ngã, 2 nữ sinh vẫn tiếp tục đánh nhau, còn cả lớp đứng xem. Sau 3 ngày xảy ra sự việc, ông Kevelin Jones - hiệu trưởng nhà trường, khẳng định, sẽ xem xét vấn đề nghiêm túc và làm mọi thứ để duy trì môi trường an toàn cho học sinh và giáo viên.
Ông Kevelin Jones cho biết, học sinh ném ghế vào giáo viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Nhà trường sẽ mở cuộc điều tra vụ việc để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp với học sinh.
Tháng 2/2023, CCTV đưa tin giáo viên Trường Trung học Matanzas ở Florida (Mỹ) bị tấn công vì yêu cầu học sinh ngừng chơi game. Vì tức giận, nên Brendan Depa đẩy ngã, sau đó có hành vi hành hung nữ giáo viên.
Bị học sinh tấn công, cô Joan Naydich gãy 5 xương sườn, 1 tai mất thính giác và ảnh hưởng đến thần kinh, phải nhập viện điều trị nửa năm. Sau đó, nam sinh bị giam giữ. Hiện tại, Brendan Depa đủ tuổi 18, có khả năng đối mặt với 30 năm tù vì tội tấn công người khác cấp độ 1.
Tháng 8/2023, cô Joan Naydich đi làm lại, vài ngày sau trường thông báo cho nghỉ việc không lương. Theo hãng tin Flagler Live , nữ giáo viên không tha thứ và từ chối giảm nhẹ hình phạt cho học sinh.
Hàn Quốc: Chỉnh sửa Luật Giáo dục bảo vệ giáo viên
Theo Korea Herald đưa tin tháng 6/2023, một giáo viên ở Seoul (Hàn Quốc) bị học sinh lớp 6 tấn công, phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân do học sinh này phải học lớp giáo dục đặc biệt hàng tuần vì không kiểm soát được cảm xúc.
Biết học sinh không muốn học, cô giáo cố gắng thuyết phục, nhưng nữ sinh không nghe, bắt đầu có hành vi hung hăng. Nữ giáo viên nói rằng, nếu học sinh không nghe lời sẽ bị đánh. Vừa dứt lời, cô giáo bị nữ sinh đẩy ngã, liên tục đấm và đánh.
Sau khi bị học sinh tấn công, nữ giáo viên mắc chứng rối loạn căng thẳng phải điều trị tâm lý 3 lần/tuần. Gia đình cô giáo yêu cầu phụ huynh phải chịu trách nhiệm vấn đề này. Về phía bản thân, nữ giáo viên đã nộp đơn khởi kiện học sinh và phụ huynh.
Để bảo vệ quyền lợi cho đồng nghiệp, hơn 1.800 giáo viên cùng ký vào đơn kiến nghị Bộ Giáo dục Hàn Quốc, cho rằng học sinh vi phạm nghiêm trọng quyền giảng dạy của cô giáo. Hãng thông tấn Yonhap cho biết do không được bảo vệ quyền lợi, nên ngày càng xảy ra nhiều vụ giáo viên bị học sinh và phụ huynh tấn công bằng lời nói và thể xác.
Hàn Quốc từng thực hiện khảo sát 9.000 giáo viên, trong đó, khoảng 61,3% người bị học sinh bắt nạt hoặc tấn công. Năm 2022, Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc thống kê, trong năm 2021 có 347 giáo viên bị học sinh tấn công, cao gấp 2 lần so với năm 2018, Global Times đưa tin.
Trước hàng loạt vụ phụ huynh, học sinh lăng mạ, đe dọa và hành hung giáo viên khiến họ bị tổn thương thể chất và tinh thần. Thậm chí, nhiều giáo viên trẻ tự kết liễu cuộc đời vì áp lực. Giải quyết tình trạng này, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thay đổi một số điều trong Luật Giáo dục nhằm bảo vệ quyền lợi của giáo viên.
Anh: Chi 304 tỷ để "cải thiện hành vi của học sinh"
Tờ Global Times đưa tin, theo thống kê của Hiệp hội Giáo viên quốc gia, năm 2022, 13% giáo viên bị học sinh tấn công và 28% bị phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh bạo hành bằng lời nói. Giáo viên báo cáo thường bị học sinh đấm, đá, đánh và tát. Một số học sinh thậm chí vén váy giáo viên dọa sẽ cưỡng hiếp.
Một giáo viên khác tiết lộ bị học sinh ném ghế vào người và đe dọa giết cả gia đình. Có giáo viên bị học sinh lăng mạ, xô đẩy hoặc xịt chất không rõ nguồn gốc vào mặt. Chia sẻ với phóng viên, có người bị 2 nam sinh lớp 11 nhốt trong phòng.
Còn cô Wendy Eccleston coi việc bị học sinh đánh bầm tím mặt như một phần công việc. Nữ giáo viên nhiều lần kêu gọi nhà trường có trách nhiệm quản lý hành vi bạo lực của học sinh: "Nếu nhà trường cho phép học sinh thô lỗ với giáo viên, tương lai các em khó thiết lập mối quan hệ lành mạnh trong xã hội?".
Trước tình vấn đề trên, phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh cho biết: "Chính phủ đang hành động để cải thiện hành vi của học sinh nhằm đảm bảo cho giáo viên được an toàn và tôn trọng ở mọi nơi". Theo đó, từ năm 2021-2024, chính phủ nước này chi ra 10 triệu bảng Anh (304 tỷ đồng) để giúp 700 trường học 'cải thiện hành vi của học sinh'.