Các tỉnh có gian lận thi năm trước chuẩn bị thi THPT Quốc gia 2019 ra sao?

24/06/2019 - 14:17
Sau vụ gian lận thi cử chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, các địa phương này đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để quyết tâm thực hiện kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Mời công an, viện kiểm sát thẩm định nhân thân cán bộ tham gia công tác thi, đặc biệt chú trọng việc phổ biến quy chế và siết an ninh thi cử, mời Bộ Giáo dục và Đào hỗ trợ về nghiệp vụ khi nhân sự thiếu cả về số lượng và nhân sự… Đó là những giải pháp được các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang áp dụng trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, sau gian lận thi cử gây chấn động cả nước năm 2018, với 222 học sinh và hàng trăm bài thi được can thiệp nâng điểm.

 

tinh_ha_giang.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ (bìa trái) kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Hà Giang. (Ảnh: PV/Vietnam )

 

Thẩm định nhân thân cán bộ làm thi

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Hà Giang là tỉnh đầu tiên bị phát hiện gian lận thi cử. Đây cũng là địa phương có số lượng thí sinh và bài thi bị can thiệp nâng điểm nhiều nhất với 114 thí sinh và hơn 300 bài thi.

Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, Hà Giang có trên 5.000 thí sinh đăng ký dự thi tại 20 điểm thi với 224 phòng thi và 590 cán bộ địa phương làm công tác quản lý, coi thi, giám sát, phục vụ kỳ thi.

Chia sẻ với đoàn thanh tra của Bộ, ông Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, để tránh tình trạng cán bộ làm thi móc nối với nhau thực hiện gian lận như năm 2018, đơn vị này đã thực hiện rất thận trọng việc lựa chọn và bố trí nhân sự làm thi.

“Quá trình này có sự phối hợp liên ngành, thẩm tra của Công an tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Qua nhiều vòng lựa chọn từ cấp trường đến cấp Sở, Viện kiểm sát, Công an, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, sau đó lại mời đại diện các ngành chức năng liên quan lên thẩm tra lần cuối mới quyết định lựa chọn, bố trí nhân sự vào các vị trí”, ông Bình cho hay.

Cũng theo ông Bình, lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Giang còn thành lập và trực tiếp tham gia hai đoàn đến kiểm tra tại các huyện, thành phố để nắm bắt thực tế công tác chuẩn bị cho kỳ thi; tổ chức hội nghị điểm trưởng, điểm phó các điểm thi để “lên dây cót tinh thần” cho các thầy cô làm tốt nhất nhiệm vụ được giao.

so_thi_sinh_gian_lan_diem.jpg
Số thí sinh được can thiệp nâng điểm bị phát hiện trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018

 

Ông Lục Thế Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang, cho biết Công an Hà Giang đã tăng cường lực lượng cán bộ tham gia các ban của hội đồng thi lớn hơn năm ngoái với khoảng 200 cán bộ. Trong đó, có cả lực lượng kỹ thuật, an ninh điều tra, để đảm bảo nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiếp nhận và giải quyết ngay theo đúng quy trình công tác điều tra.

“Chúng tôi có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ công an tham gia làm thi. Đến nay, mọi công tác từ đảm bảo an ninh, an toàn các khâu của kỳ thi, phòng chống cháy nổ, giao thông vận tải… ngành công an chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019,” ông Hưng nói.

Thẩm định nhân thân cán bộ làm thi cũng là giải pháp được Hội đồng thi tỉnh Sơn La áp dụng với quyết tâm tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, Phó ban Thường trực thi tỉnh Sơn La, tất cả cán bộ tham gia làm thi của địa phương này đều phải qua vòng thẩm định nhân thân của công an. Những ai đảm bảo được các yêu cầu về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn… mới được lựa chọn.

Giải bài toán thiếu nhân sự

Sau khi hàng loạt cán bộ của sở giáo dục và đào tạo địa phương bị nhúng chàm, bị bắt và kỷ luật do liên quan đến gian lận thi cử, việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 của các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La gặp khó khăn cả về số lượng lẫn chất lượng nhân sự làm thi khi nhân sự mới thiếu kinh nghiệm về vấn đề này.

Ví dụ, tại Sơn La, trong số 7 cán bộ bị bắt do liên quan đến gian lận thi cử thì có tới 5 cán bộ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, Phó ban Thường trực thi tỉnh Sơn La, chỉ mới vừa được bổ nhiệm từ giữa tháng Năm vừa qua, từ vị trí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Yên Châu.

 

tinh_son_la.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ (phải) kiểm tra công tác chuẩn bị thi Trung học phổ thông quốc gia tại điểm thi trường Trung học phổ thông Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: PV/Vietnam )

 

Để khắc phục tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã đề nghị các trường đại học, cao đẳng phối hợp, cử người tham gia các Ban của Hội đồng thi. Đến thời điểm hiện tại, các điều kiện về nhân sự của Sơn La đã hoàn tất. Tỉnh đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng về điều kiện về cơ sở vật chất, phương án đảm bảo an toàn, an ninh cho kỳ thi, hỗ trợ thí sinh dự thi, hỗ trợ cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng ở những điểm thi khó khăn.

Tại Hòa Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã mời Cục Quản lý chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp hỗ trợ công tác nghiệp vụ kỹ thuật tổ chức kỳ thi cho lãnh đạo và chuyên viên của Sở.

Hòa Bình cũng nhận được sự hỗ trợ tổ chức thi của bốn trường đại học, học viện trực tiếp tham gia vào Ban Chỉ đạo thi và chấm thi tại do Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công, gồm Đại học Hà Nội, Học viện Phụ nữ, Học viện Hậu cần, Học viện Chính sách và Phát triển.

Theo Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Bằng, ngoài việc giao cho các trường đại học có kinh nghiệm phối hợp tổ chức kỳ thi, để hỗ trợ các địa phương này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có kế hoạch cử đoàn thanh tra trực tiếp làm việc tại chỗ để giúp các tỉnh làm đúng quy chế, tránh xảy ra sai sót.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm