Cổng trường THPT Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội) ngày 14/12 nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Sau ngày thi đầu với 3 môn Ngữ văn, tiếng Anh và Toán, nhiều học sinh nhanh chóng trao đổi đáp án, cách làm bài rất sôi nổi.
Nữ sinh Nam Anh (lớp 12A9) chia sẻ, môn tiếng Anh bỏ hẳn phần viết luận, chỉ trắc nghiệm đơn thuần nên em khá thoải mái làm bài. “Môn Toán cũng vậy, thi trắc nghiệm thấy đề khá dễ, không hóc búa như kiểu thi tự luận, không cần trình bày nhiều nên em thấy thích kiểu thi này hơn, dù tâm lý có hơi bỡ ngỡ”, Nam Anh kể.
Học sinh THPT Kim Liên sau buổi thi sáng 14/12 sôi nổi trao đổi nội dung đề thi. Ảnh: D.Hà. |
Theo nữ sinh này, để có thể cảm thấy “dễ thở” với cách làm bài thi mới môn Toán (phần do áp lực thi khối D), mỗi tuần em phải học thêm 4 buổi. Thời gian ở nhà cũng chủ động luyện đề suốt nên lúc thi đỡ lo lắng. Sau một học kỳ thay đổi cách học, Nam Anh đã quen và tâm lý dần ổn định để tập trung cho kỳ vượt vũ môn vào tháng 6 tới.
Trong khi đó, với Linh Linh, cách thi trắc nghiệm toán khiến em không hào hứng bằng kiểu thi tự luận trước đây. “40 câu trong 60 phút, em cảm thấy rất rối vì quá ít thời gian. Kiến thức lại trải rộng nên việc học rất vất vả”. Bạn của Linh là Minh Anh thì lại “phản bác”: “Thi trắc nghiệm toán thực tế là rất hay, học sinh không được học tủ, lúc thi mỗi người một đề nên rất tự giác làm bài. Em thích thi cách này, chỉ có điều là do phải xoay chuyển trong vòng một học kỳ nên chưa quen!”.
Nhiều trường THPT tại Hà Nội cũng áp dụng phương thức thi mới để học sinh làm quen. Theo Thu Hà (học sinh THPT Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), môn Toán khiến em cảm thấy lo lắng nhất trong tất cả các môn. “40 câu cho 60 phút, mỗi câu làm trong 1,8 phút, khá căng thẳng, tính toán kỹ thời gian. Kinh nghiệm sau khi thi của em là phải lướt kỹ câu hỏi rồi câu nào dễ ưu tiên làm trước, khó làm sau!”, Thu Hà chia sẻ.
Nhiều học sinh cho biết, vẫn khá bỡ ngỡ với cách thi trắc nghiệm nhiều môn thi. Ảnh: D.Hà. |
Con lo một, bố mẹ lo mười. Đây là tâm trạng của chị Đỗ Thị Hoa (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi thấy con gái ngày nào cũng “bò” ra học đến 1-2 giờ sáng. Chị khổ sở: “Mang đồ ăn vào cho con cũng bị con “đuổi” ra để tập trung làm bài. Biết con căng thẳng, lo lắng nhưng chỉ có thể động viên, bồi dưỡng để con yên tâm ôn thi”.
Còn với anh Đặng Hữu Thuần (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), mỗi tuần con trai “chạy sô” học thêm 6 ca gồm 4 ca Toán và 2 ca tiếng Anh. “Việc của tôi là tối nào cũng kiểm tra bình ắc quy xe đạp điện của con xem đầy hay yếu để còn sạc. Cháu lo nhất môn Toán, thầy dạy thêm trước đến nay lại chỉ quen dạy kiểu tự luận nên càng khó, đổi thầy thì sợ cháu ảnh hưởng tâm lý!”, anh bộc bạch.
Tháng 6/2017, học sinh cả nước sẽ tham gia thi THPT Quốc gia. Kỳ thi có nhiều đổi mới đáng chú ý, trong đó toàn bộ môn thi (trừ môn Ngữ văn) sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Có 2 tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) lần đầu được tổ chức thi. Trong đó, môn Giáo dục công dân cũng lần đầu tiên trong lịch sử được đưa vào cơ cấu môn thi. |