Chia sẻ về tình trạng trầm cảm ở học sinh, sinh viên hiện nay, PGS. TS Nguyễn Phương Hoa, chuyên viên trị liệu tâm lý, đồng thời là cố vấn của diễn đàn Beautiful Mind Việt Nam (Diễn đàn Một tâm hồn đẹp) đã đặt câu hỏi: "4 giờ sáng, con điện về báo hiện giờ con đã leo lên sân thượng rồi và con đang chuẩn bị nhảy xuống... Khi đó, chúng ta nên làm gì?"
PGS. TS Nguyễn Phương Hoa cho biết: Năm 1999-2000 chúng tôi có làm một nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội về tình trạng rối nhiễu tâm lý của học sinh THPT. Lúc đó, chúng tôi đã nhìn thấy một con số rất báo động, cứ 3 em thì có 1 em có dấu hiệu rối nhiễu tâm lý (chiếm khoảng 30%), mà nó lặp đi lặp lại và rất đáng quan tâm; trong đó, 10% trong số này rất đáng được quan tâm thăm khám, chữa trị. Lúc chúng tôi bảo vệ đề tài nghiên cứu cấp quận đó thì chỉ được khá thôi vì có ý kiến cho rằng số liệu này quá cao, cần xem xét lại. Tuy nhiên, hiện tại thì con số thống kê này còn cao hơn nữa.
Trẻ em không chỉ trầm cảm mà còn có dấu hiệu lưỡng cực, rối loạn hành vi, nhân cách... Về nguyên nhân trầm cảm, có thể là do những trục trặc của não bộ, nó chỉ chờ có cơ hội bùng phát, không hẳn chỉ là do áp lực học hành, thi cử. Các em thường phát bệnh ở trước các kỳ thi, phát bệnh ở trước các mốc cuộc sống. Có thể các em đã được sinh ra với 1 hệ thần kinh trục trặc và cần được chăm sóc. Khi các em không có sự chia sẻ của xã hội, nhà trường, gia đình... nên điều đó tạo sự cố phát triển bệnh và gây khó khăn trong điều trị.
Các em có các biểu hiện bệnh khác nhau nhưng 90% các em sẽ bị rối loạn giấc ngủ. Ngủ rất ít, thiếu ngủ hoặc ngủ rất nhiều nhưng ác mộng và tỉnh dậy sẽ rất mệt mỏi. Và rối loạn về ăn uống, ăn rất nhiều hoặc chán ăn, mệt mỏi, sợ xã hội, rút luôn khỏi các mối quan hệ xã hội. Các em trầm cảm đặc biệt dễ tổn thương, có khi chỉ là một ánh mắt nhìn thôi cũng làm các em lo sợ. Tâm trạng xung quanh cực kỳ dễ ảnh hưởng đến các em. Từ đó, các em thường có những đánh giá bản thân rất là kém, các em sẽ tự ti, thấy mình vô tích sự và có suy nghĩ là bản thân không nên sinh ra trên trái đất này, lâu dần nó dẫn đến các hành vi cực đoan như tự tử.
Theo PGS. TS Nguyễn Phương Hoa, để ngăn chặn những hành động tiêu cực của con, cha mẹ cần chịu khó lắng nghe con, để hiểu, để chia sẻ với con, để biết con đang có những căng thẳng, biết được tiếng kêu cứu hoặc phản ứng hơi quá của con. Khi lắng nghe con thì bản thân cha mẹ cũng phải tự mình vượt qua khó khăn của mình.
“Tôi nghĩ rằng bố mẹ cũng là những người cần được chăm sóc, mặc dù dịch vụ tâm lý ở Việt Nam còn hơi ít. Nhưng nếu trong gia đình có người trầm cảm và bản thân cũng có những cơn trầm cảm nhẹ thì điều đầu tiên cha mẹ cần làm ngay lập tức là nên đến gặp các chuyên gia. Trầm cảm là một căn bệnh, nó không tự khỏi và chúng ta phải được chăm sóc y tế một cách tốt nhất”.
Để giúp con vượt qua trầm cảm, theo PGS.TS Nguyễn Phương Hoa, đầu tiên, cha mẹ cần đưa con đi thăm khám bác sĩ để biết chính xác là con mình bị bệnh gì, có cần phải dùng thuốc hay không và phải dùng như thế nào. Thứ 2, cha mẹ cần kiên trì bên cạnh con, đồng hành cùng con. Điều khá cần thiết là bố mẹ cần chăm sóc chính bản thân mình. Bố mẹ không khỏe không thể chăm sóc con được. Bố mẹ phải đủ bản lĩnh, vững vàng để con có thể bám vào vì người bị trầm cảm phải nỗ lực gấp 100 lần người bình thường, chính vì thế bố mẹ của bạn ấy phải rất dũng cảm, rất bản lĩnh mới cùng con vượt qua.
Trong cuốn sách “Khi mây đen kéo tới” mới ra mắt, PGS. TS Nguyễn Phương Hoa đã cung cấp những kỹ năng giúp bố mẹ đang cùng con chiến đấu chống lại căn bệnh trầm cảm. Theo cuốn sách, nhiều người bệnh đã bỏ lỡ liều thuốc hiệu quả nhất trong hành trình dai dẳng mà bệnh tật đeo bám: liều thuốc tinh thần, liều thuốc của sự sẻ chia và thấu hiểu; liều thuốc của những hiểu biết đúng, những nhận thức đủ quan trọng về căn bệnh, một cách giản đơn mà không tài liệu khoa học nào có thể thay thế được.