pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách điều trị khi bị ngứa da mặt nhưng không nổi mẩn
Da mặt khá nhạy cảm nên thường xuất hiện nhiều trình trạng như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, bong tróc, thâm sạm... Có nhiều trường hợp gặp tình trạng bị ngứa da mặt nhưng không nổi mẩn. Tình trạng này xảy ra là do đâu và cách điều trị như thế nào?
1. Nguyên nhân gây ngứa trên da mặt mà không nổi mẩn
Có rất nhiều lý do làm da mặt của bạn bị tổn thương và khiến bạn ngại giao tiếp. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ngứa da mặt nhưng không nổi mẩn.
1.1. Da khô
Da khô là vấn đề rất phổ biến gây ngứa da mà không phát ban. Nguyên nhân là do điều kiện môi trường như độ ẩm thấp, thời tiết nóng hoặc lạnh. Đôi khi, ngứa da mặt cũng gây ra bởi các hoạt động có thể làm giảm độ ẩm trên da như việc thường xuyên tắm nước nóng.
Tình trạng da khô sẽ xuất hiện nhiều hơn khi bạn già đi, đặc biệt trong những tháng mùa lạnh. Ngoài ra, một trường hợp nữa dẫn đến làn da bị khô nghiêm trọng hơn có thể là do di truyền hoặc một bệnh lý nào đó có từ trước và phải được điều trị bởi các bác sĩ da liễu.
Để khắc phục tình trạng da khô bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm, thay đổi một số thói quen sinh hoạt thường ngày. Tình trạng ngứa da sẽ được cải thiện sớm mà không cần phải điều trị.
1.2. Ảnh hưởng của nguồn nước
Nguồn nước tự nhiên có chứa nồng độ kim loại nặng như Cu, Hg… cũng là yếu tố khiến da tổn thương gây tình trạng ngứa da mặt không nổi mẩn.
1.3. Tác dụng phụ của thuốc tân dược
Một số loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như acetaminophen, morphin, fentanyl hay thuốc làm giảm huyết áp có thể gây ngứa ở vùng da mặt nhưng không phát ban. Hoặc do gặp hiện tượng dị ứng thuốc, lạm dụng thuốc gây tác dụng phụ phát ban ra da.
1.4. Bệnh lý về gan, thận
Bệnh thận đặc biệt là ở giai đoạn nặng, có thể gây ngứa da mà không nổi mẩn. Các bệnh về gan như xơ gan hay viêm gan cũng gây ngứa da. Không rõ nguyên nhân nhưng một số người bệnh cho rằng cảm giác ngứa này xảy ra là do sự tích tụ quá nhiều mật trong cơ thể.
1.5. Bệnh ung thư da, ung thư máu, ung thư hạch Hodgkin
Tình trạng ngứa da nhưng không nổi mẩn có thể là triệu chứng ban đầu của tổn thương da trước đó hoặc giai đoạn đầu của ung thư da, ung thư máu, ung thư hạch Hodgskin.
1.6. Bệnh liên quan đến máu
Thiếu sắt trong máu hay thiếu máu dẫn đến tế bào da bị tổn thương gây ngứa da mặt. Đặc biệt là phụ nữ trong giai đoạn hành kinh, phụ nữ mang thai là đối tượng tiêu biểu của tình trạng này.
1.7. Bệnh mề đay, bệnh tiểu đường
Ngứa da mặt không nổi mẩn đôi khi là dấu hiệu cảnh báo của bệnh nổi mề đay. Nếu bạn nghi ngờ bản thân bị mề đay, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Bệnh tiểu đường cũng gây ra tình trạng ngứa da không nổi mẩn do tiểu đường làm lượng đường trong máu tăng cao, khiến cơ thể không kịp sản xuất đủ insulin. Bệnh thường gặp ở những người bị tiểu đường và thường ảnh hưởng tới các chi dưới.
2. Các biện pháp khắc phục tại nhà
Mặc dù ngứa da mặt không nổi mẩn không phải bệnh lý nghiêm trọng nhưng lại gây ra những bất tiện trong đời sống sinh hoạt. Sau đây là một vài biện pháp bạn có thể tận dụng làm tại nhà:
- Bạn có thể dùng khăn lạnh hoặc bỏ đá lạnh vào khăn mềm để làm mát vùng da mặt bị ngứa thay vì đưa tay lên gãi.
- Vệ sinh da mặt bằng nước ấm hoặc sữa rửa mặt dịu nhẹ, không gây kích ứng. Trong thời gian bị ngứa, không nên trang điểm tránh tình trạng khiến da trở nên trầm trọng hơn.
- Có thể sử dụng kem dưỡng ẩm, kem chống ngứa hay kem kháng sinh histamin không kê đơn, an toàn khi bôi lên da mặt. Chú ý nên tránh các khu vực quanh mắt. Nếu bạn thấy tình trạng không cải thiện, bạn nên ngưng dùng và đi khám ngay.
- Giữ tâm lý thoải mái cũng giúp tình trạng ngứa được cải thiện bằng cách nghe nhạc, tập thể dục… làm những điều bản thân thích.
3. Khi nào nên đến thăm khám bác sĩ?
Nếu bạn lo lắng về tình trạng ngứa da mặt nổi mẩn kèm theo những dấu hiệu bất thường hoặc tình trạng không thuyên giảm, bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám trong những trường hợp sau:
- Tình trạng ngứa ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể hoặc các bộ phận nhạy cảm.
- Ngứa mặt đang xảy ra cùng với những thay đổi trong cơ thể bạn, chẳng hạn như mệt mỏi, giảm cân, thay đổi thói quen đi vệ sinh.
- Bệnh đã kéo dài từ hai tuần trở lên mà không đỡ, sau khi đã áp dụng các biện pháp tại nhà.
- Xảy ra đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
- Bệnh trở nên nghiêm trọng đến mức làm gián đoạn thói quen hàng ngày và giấc ngủ của bạn.
Tại nơi khám bệnh, bác sĩ sẽ khám sức khỏe cho bạn và hỏi về tiền sử bệnh. Bác sĩ có thể đề xuất xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác. Kết quả của các xét nghiệm này có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn gây ngứa. Nếu bác sĩ nhận thấy, bạn có một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn gây ra ngứa, họ sẽ lên một kế hoạch điều trị phù hợp và kịp thời. Còn không có bệnh lý tiềm ẩn, các bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến bác sĩ da liễu.
Bác sĩ da liễu là bác sĩ chuyên về các rối loạn của da và giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây ngứa da mặt không nổi mẩn bằng cách:
- Lấy sinh thiết da.
- Hỏi những câu hỏi liên quan đến da.
- Kiểm tra trực quan làn da của bạn.
Trên đây, là những thông tin cơ bản về ngứa da mặt không nổi mẩn. Hy vọng những chia sẻ này mang lại thông tin hữu ích cần thiết cho bạn. Từ đó, giúp bạn có những biện pháp phù hợp khi gặp phải tình trạng trên.
Tài liệu tham khảo thêm:
- Causes of Itchy Skin Without a Rash
- What's Causing Your Skin Rash?
- Red spots on the skin, but not itchy? Find out 15 common causes