pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách giáo dục trẻ của một châu lục mà ai cũng học hỏi được
Mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có cách dạy con riêng và khác nhau. Không dân tộc nào giống dân tộc nào, không quốc gia nào giống quốc gia nào nhưng tất cả dân tộc trên thế giới đều mong muốn con sẽ trở thành người thông minh, tài giỏi, hướng thiện, tự lập, tự trọng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Nếu như người Nhật rèn cho con tính kiên cường, người Do Thái trau dồi chỉ số IQ cho con thì cha mẹ các quốc gia ở châu Âu thường hướng con đến sự bản lĩnh, tự chủ, thông minh. Người châu Âu không dùng đòn roi, quát nạt, mắng mỏ để dạy con mà họ thường xuyên lắng nghe ý kiến của con, điều chỉnh giọng điệu để thu phục con mà vẫn giữ được uy.
Dưới đây là những phương pháp khoa học mà người châu Âu đã áp dụng trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ Việt có thể tham khảo.
1. Dạy trẻ nói lời "cảm ơn", "xin lỗi" từ sớm
Những đứa trẻ ở châu Âu thường xuyên sử dụng 2 cụm từ "cảm ơn" và "xin lỗi" là bởi được cha mẹ hướng dẫn từ nhỏ. Vì thế, trẻ em ở châu Âu thường có phong cách nói chuyện lịch sự, chững chạc, lịch thiệp. Đây là điều mà cha mẹ Việt nên học hỏi trong hành trình nuôi dạy con.
Cha mẹ hãy nhẹ nhàng hướng dẫn cho con trường hợp nào cần "cảm ơn", khi nào phải "xin lỗi" để con hiểu ý nghĩa 2 cụm từ này. Không nên thúc ép, bắt buộc trẻ thốt nên bởi sẽ làm mất đi sự chân thành.
Khi trẻ xứng đáng được cảm ơn, cha mẹ đừng quên nói lời này với con. Đây là lúc cha mẹ giúp con hiểu rõ hơn ý nghĩa lời "cảm ơn". Bên cạnh đó, những lúc con làm sai nhưng biết nói "xin lỗi", thay vì trách phạt, cha mẹ hãy động viên con tìm cách khắc phục. Bởi nếu bị trách phạt, trẻ sẽ sợ hãi và dần hình thành thói quen không dám nhận lỗi, xin lỗi. "Cảm ơn" và "xin lỗi" không đơn giản chỉ là lời nói cần dạy trẻ mà đây còn là nền tảng xây dựng nhân cách trong tương lai.
2. Không dùng đòn roi để dạy con
Cha mẹ châu Âu tuyệt đối không sử dụng những hành động như đánh đòn, mắng mỏ khi trẻ mắc lỗi. Họ cho rằng lối giáo dục vũ lực sẽ gây phản tác dụng, khiến đứa trẻ trở nên lầm lì, khó dạy bảo hơn.
Vì thế, khi trẻ có hành động hay cư xử không đúng, những ông bố, bà mẹ ở châu lục này sẽ thay đổi giọng nói, ánh mặt và không đồng tình theo lối nghiêm nghị. Đồng thời, họ thể hiện sự không hài lòng của mình. Cách này vừa thu phục được trẻ, vừa giữ được sự uy nghiêm.
3. Rèn luyện sức khỏe cho con từ nhỏ
Ở châu Âu, những đứa trẻ phải luyện tập sức khỏe hàng ngày ngay từ khi còn nhỏ. Giáo viên mầm non luôn dạy trẻ rèn luyện sức khỏe kết hợp với phương pháp trau dồi kỹ năng bằng những giờ hoạt động vui chơi ngoài trời mỗi ngày.
Người châu Âu tin rằng hoạt động thể chất đem lại nhiều lợi ích cho trẻ. Việc vận động cơ thể sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn trí tuệ. Vì thế, cha mẹ châu Âu không ngần ngại hướng dẫn trẻ nhiều môn thể thao khác nhau như: Bóng đá, tennis, trượt tuyết, bóng rổ,…
4. Dạy con tính tự lập
Khi so sánh giữa phương Tây và phương Đông, người ta dễ nhận thấy rằng, lao động phương Tây thường có hiệu suất làm việc cao hơn. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tính tự lập là một trong những nguyên nhân quyết định sự khác biệt này. Khác với người châu Á, cha mẹ các quốc gia châu Âu luôn chú trọng rèn cho con tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ.
Người châu Âu không bao giờ giải quyết tất cả các rắc rối giúp con. Đây là nguyên tắc dạy con tự lập hàng đầu của họ. Cha mẹ chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, con sẽ tự đánh giá và đưa ra quyết định. Đồng thời, con chính là người chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Việc trẻ phải tự xử lý rắc rối sẽ giúp trẻ độc lập tìm cách xử lý vấn đề. Điều này buộc trẻ phải tư duy, cân nhắc và chủ động làm các công việc của mình, không phụ thuộc vào người lớn.
Ngay từ khi còn bé, cha mẹ châu Âu đã dạy con thực hiện những công việc hàng ngày như: Tự ngồi ăn, tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, cách kết bạn, tự đưa ra quyết định,… Trong quá trình trau dồi cho con tính tự lập, người châu Âu không ép buộc mà luôn khích lệ con. Họ hạn chế việc chỉ trích, phê bình mà thường xuyên dành cho con những lời khen. Họ cho rằng, việc giáo dục bằng ngôn từ miệt thị không đem lại hiệu quả như mong đợi. Những lời chỉ trích chỉ khiến trẻ trở nên thiếu tự ti, rụt rè, thui chột tiềm năng vốn có.