Cách nhận diện thủ đoạn mới của bọn tội phạm mua bán người

Hà Khê
30/07/2021 - 16:59
Cách nhận diện thủ đoạn mới của bọn tội phạm mua bán người

Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục CSHS - Bộ Công an, chia sẻ các thủ đoạn mà bọn tội phạm mua bán người thường sử dụng

Qua mạng xã hội, các đối tượng thường sử dụng tên giả, địa chỉ giả, giả danh mình là công an, quân đội… để tạo lòng tin với nạn nhân, dụ dỗ, hứa hẹn xin việc làm với mức lương hậu hĩnh.

Đó là một trong số các thủ đoạn mà bọn tội phạm mua bán người thường sử dụng để lừa gạt, dụ dỗ các nạn nhân sập bẫy. Những thủ đoạn này đã được Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), chỉ ra tại sự kiện trực tuyến "Chung tay Phòng, chống mua bán người" do Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức vào sáng 30/7.

Theo Đại tá Tô Cao Lanh, hiện nay tình trạng mua bán người trên thế giới và Việt Nam diễn biến rất phức tạp. Việt Nam vẫn bị coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm phát hiện 240 vụ mua bán người, với 340 đối tượng, lừa bán khoảng 500 nạn nhân. Đa số nạn nhân bị bán ra nước ngoài, chiếm 80%.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, siết chặt quản lý biên giới, tình hình mua bán người giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Cách nhận diện thủ đoạn mới của bọn tội phạm mua bán người - Ảnh 1.

Đại tá Tô Cao Lanh trao đổi tại chương trình

Cụ thể, theo số liệu Đại tá Tô Cao Lanh chia sẻ, 6 tháng đầu năm 2021, cả nước phát hiện 29 vụ mua bán người, bắt giữ 43 đối tượng. Số nạn nhân bị lừa bán là 56 người.

Tuy tội phạm mua bán người đang chiều hướng giảm, đang được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Các đối tượng hoạt động tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ giữa mua và bán. Các đối tượng môi giới, dẫn dắt hình thành xuyên quốc gia, xuyên biên giới. Xu hướng hiện nay, chủ yếu đưa nạn nhân ra nước ngoài qua đường biên giới trên bộ.

Các đối tượng hoạt động lừa bán nạn nhân thường lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội để kết bạn, làm quen, hứa hẹn, dụ dỗ, tìm việc làm ở nước ngoài… hoặc môi giới cho nạn nhân lấy chồng nước ngoài. Lợi dụng nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhẹ dạ cả tin, hoặc đồng bào dân tộc thiểu số…

Giả danh công an bộ đội, kết bạn, hứa hẹn yêu đương rồi lừa bán ra nước ngoài. Theo Đại tá Tô Cao Lanh, đây là các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng tại địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phó Cục trưởng Cục CSHS cũng cung cấp thêm thông tin, hiện nay các đối tượng mua bán người đang cấu kết, hình thành đường dây mua bán người liên tỉnh. Nạn nhân mà chúng hướng đến là các thiếu nữ dưới 16 tuổi. Dụ dỗ lừa bán nạn nhân vào các quán karoke, các chỗ kinh doanh dịch vụ.

Vừa qua, Bộ Công an chỉ đạo Công an một số tỉnh truy quét loại tội phạm này. Điển hình như tại Phú Thọ, Nam Định…, Công an đã triệt phá 2 băng nhóm, bắt 8 đối tượng, giải cứu 10 nạn nhân dưới 16 tuổi.

Cách nhận diện thủ đoạn mới của bọn tội phạm mua bán người - Ảnh 2.

Hình minh họa

Nhận diện hình thức tiếp cận nạn nhân

Đại tá Tô Cao Lanh đã chỉ ra các hình thức mà đối tượng mua bán người sử dụng để tiếp cận nạn nhân mua bán người:

- Phần lớn, các đối tượng dùng tên, tuổi địa chỉ giả, không cung cấp hình ảnh thật với nạn nhân, không cho nạn nhân tiếp xúc trực tiếp mà hướng dẫn nạn nhân liên hệ qua điện thoại.

- Dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho nạn nhân, việc nhẹ, đơn giản, thu nhập cao. Hứa đưa nạn nhân ra nước ngoài lấy chồng giàu sang.

- Yêu cầu nạn nhân cung cấp ảnh, thông tin cá nhân qua Facebook, Zalo… với mục đích xem mặt nạn nhân.

- Lợi dụng việc người dân có nhu cầu tìm việc làm, cung cấp cho người dân nơi làm việc nhưng khi người dân yêu cầu thì lại không cung cấp.

- Giả danh cơ quan chức năng để đe dọa nạn nhân, khi mời nạn nhân lên thì thường hẹn ra ngoài, chứ không đưa đến trụ sở cơ quan.

- Ban đầu tiếp xúc nạn nhân, đối tượng chủ động chi tiền lo chi phí đi lại cho nạn nhân…

NSƯT Xuân Bắc: Hãy dạy cho con biết sợ

"Sau chương trình hôm nay, tôi cần cung cấp thêm cho con tôi những điều nằm lòng, phải biết sợ, sợ mình trở thành nạn nhân. Mình trở thành nạn nhân thì êm ấm bên gia đình sẽ không còn nữa. Sợ đó để biết cảnh giác, để con biết những dấu hiệu nhận biết, dấu hiệu rất căn bản. Chúng ta dạy con phải biết chia sẻ, phải chia sẻ với bố mẹ, với thầy cô, ông bà. Phải có niềm tin để chia sẻ. Niềm tin cho chúng ta sức mạnh. Các cấp Hội, nhà trường, các chú công an, các chú bộ đội lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ các con.

Làm cha mẹ mà không nắm được thông tin, tâm tư của trẻ em là một thiếu sót. Trưa nay khi về nhà, tôi sẽ có trách nhiệm phải nói rõ với các con", NSƯT Xuân Bắc chia sẻ tại sự kiện trực tuyến "Chung tay Phòng, chống mua bán người" sáng 30/7.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm