pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách pha trà đào ngon bất bại và những lưu ý cần biết khi ăn đào
Mùa đào về rộ nhiều loại đào quả to tròn, căng mọng và nhiều nước. Nhiều chị em băn khoăn không biết chọn đào như thế nào quả giòn ngọt và cũng nhiều người thắc mắc khi ăn đào cần lưu ý gì không.
Để chọn được đào ngon, chị em có thể xem trọng lượng. Nếu kích cỡ quả tương đương nhau, hãy lấy quả nặng hơn, chúng vừa nhiều nước lại ngọt.
Đừng quên nhìn màu vỏ quả đào, đặc biệt là nơi gần cuống. Nếu khu vực này có màu vàng kem hoặc vàng đậm là dấu hiệu của đào đã chín. Khi bạn nhìn vào cuống đào, nếu chúng màu xanh thì đào còn tươi, phần rãnh càng sâu thì càng ngọt.
Bên cạnh đó, chị em cũng nên chọn đào không có đốm, sâu hoặc phần vỏ bị bầm dập. Nên chọn quả màu đồng đều và tươi sáng. Hơn nữa, khi cầm vào quả đào, nên chọn quả chắc tay, quả mềm nhũn không nên lấy.
Gợi ý cách pha trà đào
Nguyên liệu cần thiết
- Đào tươi: 2 quả
- Chất tạo ngọt: mật ong hoặc si rô cây phong
- Trà túi lọc loại trà đen hoặc xanh
- Nước, gừng tươi
- Một vài nguyên liệu phụ trợ có thể dùng như vỏ cam quýt, nước chanh, bạc hà, hương thảo, nước hoa hồng... (bất cứ thứ gì bạn thích)
Cách thực hiện
Cho trà túi lọc vào bình, tráng nước nóng và đổ lượt nước sau gần đầy bình để chuẩn bị trà.
Rửa sạch đào, loại bỏ phần lông tơ, có thể gọt vỏ hoặc không. Cắt đào thành từng lát.
Cho đà đã cắt vào chảo, đun ở lửa vừa cho mềm. Thêm chất tạo ngọt bạn thích, dùng dụng cụ dầm để nghiền đào nhuyễn ra.
Khi hỗn hợp sôi khoảng 1 phút thì tắt bếp. Để nghỉ khoảng 5 phút. Lọc qua rây để lấy phần nước si rô đào nhiều nhất có thể. Phần bã đào bạn có thể để tận dụng làm món khác, không nên đổ đi.
Ở bình trà, bỏ túi lọc trà và thêm si rô đào vào, khuấy đều. Ở bước này, có thể thêm một vài lá bạc hà nếu bạn thích. Nếu uống lạnh, hãy thêm đá. Tốt hơn hết là bạn nên cho đá vào từng ly nhỏ, rót trà đào vào từng ly để có vị thơm ngon nhất.
Cách pha trà đào này rất đơn giản, bạn có thể thực hiện bất cứ lúc nào trong năm.
Một số lưu ý khi ăn đào cần nhớ
Không uống rượu sau khi ăn đào
Mặc dù các công thức pha chế đồ uống luôn đa dạng, đôi khi có cả rượu đào. Tuy nhiên, sau khi ăn quả đào tươi, không nên uống rượu, đặc biệt là rượu vang trắng. Sự kết hợp này có thể gây bốc hỏa, chảy máu cam bởi đào có tính ôn giúp nhuận tràng, giải khát, hoạt huyết còn rượu vang trắng lại là đồ uống đại nhiệt nên kỵ nhau.
Không nên ăn thịt rùa, ba ba sau khi ăn đào
Thịt rùa hay ba ba có chứa nhiều đạm còn quả đào lại là nguồn cung cấp axit malic. Loại axit này khi gặp đạm sẽ gây phản ứng khiến đạm biến chất, hàm lượng dinh dưỡng giảm đi. Đồng thời cũng sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa.
Không nên ăn hải sản sau khi ăn đào
Đào là loại quả chứa nhiều vitamin C, các khoáng chất và chất xơ cần thiết cho cơ thể. Hải sản có tính hàn lạnh nên khi ăn chung với đào thường gây ra tình trạng đau bụng, tiêu chảy.
Những quả đào không chỉ ngọt thơm mà còn bổ dưỡng. Vì đào giàu chất sắt nên chúng cũng bổ máu. Ngoài ra, chúng cũng cung cấp nhiều vitamin B, vitamin C, phốt pho và các khoáng chất khác.
Bởi vậy, bạn có thể ăn đào trực tiếp, làm nước ép, sinh tố hoặc đơn giản là nấu chè nếu các cách ăn khác không mang lại hứng thú cho bạn.