Cách phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ

Đông Quân
19/12/2023 - 11:32
Cách phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ

Bác sĩ thăm khám cho trẻ. Ảnh minh họa

Tại phòng điều trị của khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), chị Thanh Ngọc (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) đang vỗ về con gái 4 tuổi trong lúc bé đang thở khí dung điều trị bệnh hô hấp.

Chị Ngọc cho biết, ban đầu, bé bị ho, sổ mũi và được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, tình trạng của bé vẫn không được cải thiện, ngạt mũi, khó thở, sốt nên bé được đưa đến bệnh viện để thăm khám, điều trị. "Tôi thấy con bị sốt, khó thở nên rất lo lắng. Tôi phải xin phép nghỉ làm để đưa con đi khám, điều trị cho an tâm", chị Ngọc tâm sự.

Theo thống kê, từ tháng 10 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám các vấn đề về hô hấp. Đa số trẻ đến khám với bệnh cảnh viêm hô hấp trên, nhiễm siêu vi. Còn với những trường hợp nặng như viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng, lên cơn suyễn sẽ có chỉ định nhập viện.

Báo cáo của 4 bệnh viện, gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho thấy, trong 10 tháng của năm 2023 đã có 238.000 ca bệnh hô hấp. Trong đó, từ tháng 1 đến tháng 9, trung bình mỗi tháng có 18.000 - 23.000 ca. Riêng tháng 10, số ca bệnh tăng đột biến, lên đến hơn 35.000 ca. Từ đầu tháng 11 đến nay, số ca bệnh hô hấp ở trẻ em tiếp tục gia tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), mặc dù số ca đến khám tại các cơ sở y tế có tăng trong những tháng cuối năm 2023 nhưng hệ thống giám sát chưa ghi nhận các ổ dịch viêm đường hô hấp tại các trường học.

CẦN CHĂM SÓC TRẺ MỘT CÁCH TOÀN DIỆN

Sở Y tế TPHCM cho biết, viêm hô hấp cấp tính là bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ em, diễn tiến theo mùa ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, thường tăng cao vào tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Hiện tượng tăng số ca bệnh viêm hô hấp trong những tháng gần đây tại các bệnh viện nhi của TPHCM là hiện tượng tăng theo chu kỳ hàng năm của các bệnh thường gặp ở trẻ em. Tác nhân gây bệnh không có gì thay đổi, chủ yếu là các loại virus thường gặp, trong đó virus cúm - một loại virus đã có vaccine dự phòng. Đa số các bệnh viêm hô hấp do virus chỉ cần điều trị triệu chứng và tự khỏi. Những trường hợp viêm phổi hoặc có bệnh lý nền cần được nhập viện chẩn đoán và điều trị đúng cách, kịp thời để ngăn các biến chứng nặng và hạn chế tử vong.

ThS.BS.CKII Lý Kiều Diễm, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), cho biết, giai đoạn giao mùa, nhất là trong thời gian 3 tháng cuối năm, thời tiết thường nắng mưa thất thường, khiến cho trẻ dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp. Trong đó, bệnh viêm phổi ở trẻ em do nhiều tác nhân gây ra, ở các mức độ khác nhau. Đối với những trường hợp nặng dễ gây suy hô hấp cho trẻ, ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ cơ thể dẫn đến tím tái, tử vong ở trẻ.

Theo bác sĩ, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có dấu hiệu như ho, sổ mũi, mệt, thở nhanh… thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời. "Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ thì phụ huynh cần chăm sóc trẻ một cách toàn diện. Trong đó, cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, sức đề kháng từ bên trong cơ thể cho trẻ, nên đưa trẻ chích ngừa đầy đủ và cho trẻ một chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, tránh để trẻ thay đổi môi trường một cách đột ngột", bác sĩ Diễm khuyến cáo.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, nhấn mạnh, để phòng bệnh hô hấp cho trẻ thì các bậc phụ huynh cần chú ý vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm, vệ sinh răng miệng và vệ sinh thân thể thường xuyên; hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng để giảm sự lây nhiễm vi sinh vật. Bên cạnh đó, cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, giữ môi trường trong nhà sạch sẽ, thông thoáng; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và chỗ đông người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm