pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cãi lời bố mẹ, cô gái quyết cưới chàng trai liệt tứ chi, cuộc sống sau 8 năm đã trả lời mọi câu hỏi
Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Hà Anh Mến và chị Lục Thị Loan.
Tình cảm nảy nở xuất phát từ những status u sầu của chàng trai bị liệt tứ chi
Câu chuyện tình yêu được nói đến ở đây là của anh Hà Anh Mến (36 tuổi, quê Bắc Giang) và chị Lục Thị Loan (27 tuổi, quê ở Lạng Sơn).
Họ có một câu chuyện tình vượt qua bao chông gai, thử thách với những rào cản tưởng chừng khó vượt qua.
Tuy nhiên, cuối cùng, cặp đôi đã chứng minh được rằng, dù bản thân mỗi người đều mang những khiếm khuyết, không ai hoàn hảo. Nhưng họ chính là "một nửa" hoàn hảo dành cho nhau, cùng nắm tay nhau đi qua bao khó khăn bằng tình yêu thương chân thành, sâu sắc dành cho nhau.
Cặp đôi quen biết nhau qua mạng xã hội
Năm 2014, cặp đôi quen nhau qua mạng xã hội Facebook. Khi ấy, anh Hà Anh Mến phải gắn bó suốt cuộc đời mình với chiếc xe lăn sau vụ tai nạn giao thông cách đó 7 năm.
Sau biến cố cuộc đời, anh bị chấn thương đốt sống cổ, liệt tứ chi. Suốt 7 năm gắn với chiếc xe lăn, anh Mến không tránh khỏi những khoảnh khắc bi quan, tuyệt vọng. Đã có lúc, anh chỉ muốn tự kết thúc cuộc đời u buồn của mình, vì không muốn trở thành gánh nặng của gia đình.
Hằng ngày chỉ loanh quanh trong nhà, anh Hà Anh Mến tìm đến mạng xã hội để trút bầu tâm sự. Anh thường chia sẻ những dòng trạng thái u buồn, tuyệt vọng lên trang Facebook cá nhân.
Chị Lục Thị Loan nhớ lại: "Mình cũng không biết mình kết bạn Facebook với anh từ bao giờ. Chỉ biết là lướt newfeed, mình thường bắt gặp những bài đăng tâm trạng của anh.
Mình còn nhớ, có lần anh chia sẻ: Nỗi buồn ơi, nếu mi là của cải thì ta sẽ là người giàu nhất thế gian", mình có vào bình luận đùa rằng, em và anh so với nhau xem ai giàu hơn nhé.
Anh gửi cho mình bức ảnh ngồi xe lăn và nói "Ai sẽ là người giàu hơn nhỉ"? Mình ngạc nhiên lắm. Sau đó nói chuyện với anh, anh có kể là bị tai nạn và bị liệt, hàng ngày chỉ ngồi cả ngày ở nhà, cầm chiếc điện thoại nên hay đăng những bài viết tâm trạng.
Từ bình luận đó thì vợ chồng mình quen nhau. Nhà anh ở xóm Trại Mới - Đồng Hưu - Yên Thế - Bắc Giang. Còn nhà mình ở Vân Nham - Hữu Lũng - Lạng Sơn, tuy 2 tỉnh khác nhau nhưng lại giáp ranh, cách nhau có 20km."
Thời điểm ấy, chị Loan đang là công nhân tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Còn anh Mến bán sản phẩm nông sản do nhà trồng được qua mạng.
Chị Loan là một thiếu nữ xinh đẹp, nhiều "vệ tinh" vây quanh
Họ nói chuyện với nhau nhiều hơn. Mỗi ngày, cô gái Lạng Sơn là người chủ động nhắn tin chuyện trò, hỏi thăm. Chị kể với anh về cuộc sống, công việc của mình. Những câu chuyện thủ thỉ, tâm tình của cô gái Lạng Sơn giúp anh Mến tìm thấy niềm vui bên ngoài 4 bức tường quạnh quẽ.
Nói chuyện với nhau 3 tháng qua mạng, chị Lục Thị Loan quyết định tìm đến nhà anh Mến chơi: "Lúc đó vẫn nói chuyện như bạn bè thôi, nhưng vì mình tò mò con người ngoài đời của anh nên muốn đến chơi nhà.
Hôm đó anh nhờ một người bạn ra ngoài đường đón mình. Anh ngồi đợi mình sẵn trên xe lăn rồi, anh cười tươi lắm, hỏi em đi đường có bụi, có nắng không?
Gặp tận mắt, mình thấy thương anh nhiều hơn. Mình là khách mà đến nhà chơi còn tự pha nước, rót nước vì tay anh bị liệt, không làm được gì cả".
Về phía chàng trai khuyết tật, mặc dù rất cảm mến cô gái xinh xắn, dễ thương gần nhà, anh cũng không dám nuôi hy vọng về một chuyện tình cảm nảy nở. Sau lần gặp mặt đầu tiên, anh còn nhắn nhủ chị Loan, nếu có ý định cắt đứt liên lạc thì hãy nói với anh một lời, đừng "bặt vô âm tín" để mặc anh khắc khoải mong ngóng.
Bức ảnh chụp năm 2014, khi chị Loan lần đầu tiên sang nhà anh Mến chơi
"Sau hôm đầu tiên sang nhà anh chơi, anh có nhắn tin hỏi mình là: Em nhìn anh có đáng sợ không? Nếu không muốn nói chuyện với anh nữa thì nói với anh một câu. Nhưng mình không sợ, chỉ thấy thương anh thôi, cuộc sống này bất công với anh quá...".
Năm ấy, chị Loan mới 18 tuổi. Ở độ tuổi đẹp nhất thời con gái với nhan sắc xinh xắn, tính cách dễ thương, Loan được rất nhiều chàng trai theo đuổi.
Nhưng chị đã đem lòng yêu thương chàng thanh niên khuyết tật bằng tất cả tình cảm chân thành. Một thời gian sau, họ chính thức trở thành một đôi, sau lời tỏ tình e dè, ngượng nghịu của anh Hà Anh Mến.
"Sóng gió" ập đến khi chuyện tình yêu bị gia đình cấm cản, bạn bè đàm tiếu
Chị Lục Thị Loan và anh Hà Anh Mến bắt đầu chuỗi ngày yêu xa. Chị Loan lúc đó đang đi làm ở Bắc Ninh. Còn anh Mến sống ở quê nhà. Chỉ cuối tháng, họ mới có cơ hội ở bên nhau, khi chị Loan về nhà thăm gia đình.
Họ công khai thể hiện tình cảm lên mạng xã hội. Và bằng cách nào đó, gia đình Loan "truy tìm" được thông tin về anh Mến.
Khi biết con gái đang yêu một thanh niên khuyết tật, cả gia đình chị Loan phản đối kịch liệt: "Sóng gió bắt đầu khi gia đình mình biết chuyện. Sau những ngày làm việc mệt mỏi, về nhà, mình phải nghe những cuộc điện thoại từ bố, mẹ, bác, chú, dì… họ thay phiên nhau gọi khuyên nhủ mình.
Mỗi khi mình về thăm nhà, mọi người lại xúm lại nói chuyện, tỉ tê, khuyên nhủ mình đủ đường. Họ nói tương lai của mình sẽ vô cùng khó khăn, từ sinh con cái, đến kinh tế, mình sẽ phải gánh vác hết mọi công việc… Nhưng lúc đó mình không nghĩ gì nhiều, vì tình yêu đã vượt lên trên tất cả".
Bạn bè, gia đình ra sức khuyên can, ngăn cản khi biết Loan yêu chàng trai khuyết tật
Khuyên nhủ không được, người thân của Loan quay sang "khủng bố" tinh thần. Thời điểm ấy, cô bị bố mẹ mắng chửi thậm tệ. Anh Mến cũng bị bác của Loan gọi điện ngăn cấm, không cho tiếp tục quen với cô.
Loan biết mọi người cũng vì thương mình, nên quyết tâm sẽ chứng minh cho gia đình thấy, lựa chọn của mình là đúng đắn.
"Bên nhà anh bị từ chối nhiều lần, nghe chừng cũng nản, nhưng thấy cuối tuần mình vẫn lên thăm con trai họ nên lại quyết tâm vào nhà mình nói chuyện.
Bố mẹ chồng sang nhà thưa chuyện, xin gia đình mình tác hợp cho hai đứa đến 3 - 4 lần, nhưng lần nào cũng bị cự tuyệt.
Ngày ngày, mẹ gọi và khóc lóc van xin mình hãy nghĩ lại. Mình cũng thấy thương mẹ, đôi lần nản lòng và muốn buông. Nhưng nghĩ thương anh, mình mà rời đi không biết anh sẽ sống tiếp như thế nào?
Mình đành kiên trì nói chuyện nhẹ nhàng với mẹ, nói rằng mình thương anh lắm, mẹ cứ tác hợp cho chúng con, sau này có khó khăn như nào con cũng không kêu than nửa lời" - chị Lục Thị Loan kể.
Tình cảm gia đình là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất
"Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời", cuối cùng, sau bao sóng gió, cô gái Lạng Sơn đã thuyết phục được gia đình đồng ý để cô "về chung một nhà" với chàng thanh niên khuyết tật.
Năm 2015, một đám cưới đơn giản diễn ra. Trong những ngày cưới, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh những nụ cười hân hoan, lời chúc rộn ràng. Trên gương mặt cô dâu, chú rể là niềm hạnh phúc, niềm vui rạng ngời từ trong đáy mắt.
Nhưng đám cưới của chị Loan và anh Mến lại có đôi chút khác biệt. Một đám cưới đặc biệt khi chú rể phải ngồi xe lăn, người đến dự đám cưới ai cũng ái ngại, chất chứa trong lòng nhiều nỗi băn khoăn về tương lai của đôi vợ chồng trẻ.
Vượt qua bao sóng gió, cặp đôi chính thức nên duyên vợ chồng vào năm 2015.
Thời điểm ấy, cô gái Lạng Sơn mới lờ mờ nhận ra những thiệt thòi, khó khăn mà mình sẽ phải đối diện: "Thật ra lúc yêu, mọi người khuyên rất nhiều nhưng mình đâu có để tâm đâu, chỉ nghĩ sẽ gánh vác được hết.
Nhưng khi rời xa mái ấm gia đình, bước chân lên xe hoa, mình lại ngậm ngùi đôi chút. Mình nhớ lúc đó tất cả mọi người trong rạp cưới đều khóc, cụ già 80 tuổi cũng khóc, bố mình là đàn ông cũng khóc…
Lúc đó mình ngờ ngợ được những cái đơn giản nhất, như là người ta yêu nhau thì hẹn hò, đưa nhau đi chơi, mua sắm, uống nước, còn mình từ lúc yêu đến lúc cưới chưa một lần được ra ngoài "hẹn hò".
Ngày cưới người ta cười nói hạnh phúc, còn ngày cưới mình thì toàn thấy nước mắt, toàn thấy bị chối từ, không ai nói chuyện với ai mà cứ lẳng lặng cho qua đám cưới thì phải.
Ông bà cũng giận mẹ mình vì tác hợp cho hai đứa, nên chỉ đến đám cưới một chút rồi về. Đó là lần đầu tiên, mình cảm thấy bản thân có đôi chút thiệt thòi".
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu gây dựng cuộc sống gia đình. Họ lao vào làm đủ mọi công việc, cốt để có thêm thu nhập, lo cho hai con nhỏ lần lượt chào đời.
Bố mẹ hai bên vốn làm nông, không dư dả gì nhiều, nên vợ chồng chị Loan, anh Mến xác định tự chủ kinh tế hoàn toàn, không nhờ vả được bất kỳ ai.
Những lo toan, nhọc nhằn cuộc sống khiến gương mặt chị Loan phảng phất nét sương gió, nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực trên khuôn mặt hiền lành, phúc hậu
Gánh nặng dồn lên vai người vợ trẻ. Chị Loan nghỉ việc công ty để về gần chồng. Bao nhiêu công việc, từ việc đồng áng nặng nhọc đến nội trợ, chăm sóc gia đình đều đến tay chị.
Thời điểm mang thai, nuôi con nhỏ, chị Loan cũng không ngày nào được nghỉ ngơi. Kinh tế eo hẹp, có những ngày người vợ trẻ kiệt sức vì ăn uống thiếu chất, lại làm việc quá sức.
"Thời gian có bầu là thời gian nhạy cảm nhất, công việc thì mệt nhọc mà thu nhập không có, muốn ăn uống gì cũng không có tiền mua.
Những ngày ốm nghén mệt mỏi lắm, mình bị chuột rút, đau nhức đến không đi lại bình thường được, nhưng vẫn phải đi làm, về nhà thì lại cơm nước. Chồng ở bên động viên, nhưng lúc đó mình khóc nhiều, cảm thấy mệt mỏi, hối hận, thậm chí muốn bỏ đi luôn".
Vợ chồng chị làm đủ mọi công việc để có thêm thu nhập. Từ nuôi thỏ, nuôi bồ câu Pháp, làm bánh đặc sản địa phương, bán ngũ cốc, làm ruộng, trồng nông sản... Từ một cô gái chưa từng động tay vào công việc đồng áng, giờ đây, chị Loan đã có thể lái máy cày, vác máy phát cỏ lên rừng đi làm khỏe hơn một người đàn ông.
Không nề hà vất vả, nặng nhọc, họ tin rằng, trời sẽ không phụ công những người chăm chỉ, cần mẫn.
Anh Mến cũng đảm nhiệm công việc bán hàng, phụ vợ những việc lặt vặt trong gia đình
Sau khi gặp được người con gái của cuộc đời mình, anh Hà Anh Mến như được hồi sinh trở lại. Anh tìm thấy lẽ sống, niềm vui của cuộc đời.
Được các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ, anh Mến có được chiếc xe để đi lại, ra ngoài gặp gỡ mọi người, đi bán hàng, giao hàng phụ vợ.
Hiện nay, công việc chính của anh Mến, chị Loan là làm nông, kiêm bán ngũ cốc do gia đình tự chế biến, đóng gói. Chị Loan đi làm thêm ở công ty gần nhà và tranh thủ những ngày cuối tuần để lo việc đồng áng, buôn bán.
Chuỗi ngày khó khăn nhất đã qua. Giờ đây, cuộc sống gia đình của họ đã trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn khi áp lực kinh tế vơi bớt.
Trong những thời điểm khó khăn, thử thách nhất, chị Loan và anh Mến nhận ra, gia đình chính là điểm tựa tinh thần giúp họ vực dậy khỏi những khó khăn, những phút giây bi quan, chán nản. Đôi vợ chồng trẻ cho hay, họ cảm thấy hạnh phúc và bằng lòng với những gì đang có.
Quả thực, tình thân gia đình, tình yêu thương, sẻ chia có sức mạnh vô cùng to lớn mà không ai có thể phủ nhận được, giúp chúng ta vượt qua được mọi rào cản về không gian, thời gian, những định kiến, mối lo toan, để đem đến cho mỗi cá nhân cuộc sống tốt đẹp nhất.