Cái tay nắm trên xe buýt

Lan Anh Nguyễn
14/04/2020 - 11:05
Cái tay nắm trên xe buýt
Với tôi, xe buýt như một xã hội thu nhỏ vậy. Ở đây, tôi đã gặp rất nhiều người với những tính cách khác nhau. Và còn rất nhiều những câu chuyện mà tôi chứng kiến khi mỗi lần bước chân lên chiếc xe trở về nhà.

Xe buýt là phương tiện gắn bó thân thiết nhất với tôi. Trong suốt 3 năm cấp 3, 4 năm đại học, và bây giờ, tôi vẫn trung thành với việc sử dụng phương tiện công cộng này. Với tôi, xe buýt như một xã hội thu nhỏ vậy. Ởđây,tôi đã gặp rất nhiều người với những tính cách khác nhau. Tôi quan sát thấy một cậu học sinh chăm chú đọc sách bên cạnh một cậu bạn đang mải chơi game. Khuôn mặt đầy mệt mỏi của những người kết thúc một ngày làm việc vất vả. Tôi nhận ra cả tình yêu không khoảng cách thế hệ khi thấy ông đỡ bà đi xuống bậc cửa xe buýt,... Và còn rất nhiều những câu chuyện khác mà tôi chứng kiến khi mỗi lần bước chân lên chiếc xe trở về nhà. 

Cái tay nắm trên xe buýt - Ảnh 1.

Rất nhiều nguy cơ trên những chuyến xe buýt đi làm, đi học hàng ngày (Ảnh minh hoạ)

Tôi đã đọc rất nhiều những câu chuyện, tin tức trên truyền thông, báo đài rằng trên xe buýt thường có rất nhiều biến thái, đặc biệt là giờ cao điểm. Và tôi không nghĩ rằng, chuyện đó lại xảy ra với chính bản thân mình. 

Đó là những ngày đầu tiên lên thành phố học đại học. Tôi chọn xe buýt là phương tiện đi lại vì trước đó học cấp ba tôi cũng đã đi rồi. Để đến trường, tôi phải chuyển hai chuyến xe khác nhau. Những ngày đầu tôi thấy rất thú vị, xe buýt an toàn, nó lại dừng ngay trước cổng trường tôi. 

Thế nhưng tôi đã gặp ám ảnh trên chuyến xe buýt vào một buổi sáng. Đó là ngày tôi đi thi cuối kỳ môn đầu tiên, xe buýt rất đông, cảm giác như mọi người không cần bấu víu vào đâu cũng không sợ ngã vậy. Khi lên xe buýt, tôi rất chật vật tìm chỗ đứng và một chỗ để bám cho chắc, thấy phía tay nắm ở trên đã có người cầm nhưng khi thấy tôi đang tìm kiếm, người đàn ông đó đã nhường chỗ cho tôi. Thực sự lúc ý tôi rất cảm kích và vui mừng, vì con đường đến trường tôi khá xa, khoảng 30 phút, tôi sợ mình không đứng vững được. Nhưng không thể ngờ rằng, đó chính là khoảnh khắc tôi bị quấy rối tình dục. 

Người đàn ông đó ngày một đứng sát với tôi hơn bao giờ hết, tay ông ta cũng cầm lấy tay tôi trên cái tay nắm của xe buýt. Lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ xe đông và đó cũng đơn giảnlà hành động vô thức để không bị xô ngã mà thôi. Nhưng không, ông ta còn tiếp tục dùng tay chạm vào tóc tôi rồi dần dần xuống vai. Lúc này tôi đã vô cùng sợ hãi nhưng không biết làm gì, khôngbiếtlên tiếng như thế nào khi xung quanh mọi người ai cũng chăm chú vào điện thoại và chiếc tai nghe của mình. Tôi gạt tay ông ta ra rồi cố gắng nhích lên, nhưng người đàn ông đó cũng tiến dần lên theo và đứng đằng sau tôi. Tôi không thể xuống đi xe khác được vì tôi sắp đến giờ thi, nhưng ở trên xe như này tôi thấy rất sợ hãi. Người đàn ông đã đi quá giới hạn khi dùng tay chạm vào những chỗ nhạy cảm khiến tôi ghê sợ và tôi gào thét lên. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu, tôi thì đang run sợ. Chú phụ xe hỏi: 

"Có chuyện gì thế?" 

"Cháu bị người đàn ông này sàm sỡ".Tôi nói và chỉ vào người đàn ôngđằng sau. 

Nhưng ông ta dửng dưng như không có chuyện gì và phủ nhận. Mọi người cũng không để ý đến tôi nữa. Tôi ngày một sợ hãi hơn khi không có ai đứng về phía mình, tôi vẫn còn 10 phút nữa mới đến trường, mà xe thì đông cũng không thể len lỏi ra cửa xe được. Trong lúc tôi đang sợ hãi suy nghĩ, ông ta lại tiếp tục quấy rối tôi và lần này tôi đã òa khóc. Lúc này bác phụ xe lên tiếng: 

"Có chuyện gì mà ầm ĩ vậy?".

"Cháu bị người đàn ông kia quấy rối, hai lần rồi, bác ơi cứu cháu" 

Tôi khóc và kể lại những tưởng sẽ được hỗ trợ, được mọi người bảo vệnhưng mọi chuyện không như thế. Bác lái xe yêu cầu người đàn ông kia xuống xe khi chưa tới điểm dừng và cũng bắt tôi xuống theo vì cho rằng hai người chúng tôi đang gây mất trật tự cũng như ảnh hưởng đến bác lái xe. Tôi đang rất sợ hãi, khóc lóc xin bác rằng tôi phải đến trường và tôi thực sự bị quấy rối, anh phụ xe cũng nói thêm vào bác mới cho tôi ở lại trên xe và để người đàn ông kia xuống. Tôi thực sự rất hốt hoảng nhưng bác vẫn lẩm bẩm như thể bác đang đổ lỗi cho tôi vậy. 

"Mới sáng sớm ra, lái xe cũng không yên, tao lái xe buýt gần mười năm nay chưa bao giờ gặp sự việc như thế, tốn thời gian của tao. Mày phải như nào thì mới bị như thế chứ." 

Tôi rất uất ức khi bị nói như vậy nhưng không thể nói gì, tôi chỉ muốn kết thúc chuyến xe ấy và đến trường mà thôi. Lẽ ra mọi người nên cùng nhau giúp đỡ tôi nhưng tôi lại trở thành kẻ gây chuyện. Những lời nói của bác lái xe khiến tôi đau lòng và những hành động của gã đàn ông kia thì khiến tôi thấy ghê tởm và sợ hãi. 

Từ buổi sáng hôm ấy, tôi không còn đi trên chiếc xe buýt đó nữa. Tôi sợ gặp gã đàn ông kia, sợ mình lại bị chỉ trích. Nếu như trước kia tôi chỉ đi 2 chuyến xe buýt, thì giờ tôi đi lòng vòng hơn với 3 chuyến xe để đến trường. Dù có chút lo lắng nhưng vẫn hơn là bước lên chiếc xe kia với những ám ảnh khó phai. 

Đã 5 năm kể từ ngày đó, ngày tôi bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không được ai giúp đỡ, thậm chí còn bị nói rằng "mày phải như nào thì mới bị như thế" . Thực sự đến bây giờ tôi cũng không biết là vì sao. Tôi cũng chỉ ăn mặc bình thường, không quá gây ấn tượng với mọi người. Có chăng tôi chỉ là 1 nạn nhân trong rất nhiều nạn nhân trên rất nhiều chuyến xe buýt hằng ngày khác? Điều đáng buồn là người xung quanh đã không lên tiếng, đã thờ ơ. Còn người làm chủ xe buýt lại trách móc tôi trong khi tôi mới chính là nạn nhân. Những điều đó cứ ám ảnh tôi mãi cho tới tận hôm nay.  Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ của tôi trong những năm trước. Liệu rằng trên những phương tiện công cộng kia hằng ngày, hằng giờ có bao nhiêu cô gái đang là nạn nhân của quấy rối tình dục và liệu có bao nhiêu người được bảo vệ, hay cuối cùng họ - những nạn nhân - lại trở thành kẻ gây ra tất cả mọi chuyện và không được lên tiếng bảo vệ cho chính mình? 

Trên đây là tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác truyền thông "Không đổ lỗi".

Cuộc thi sáng tác truyền thông "Không đổ lỗi" nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông mang thông điệp về việc cần: Chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân bạo lực giới dưới bất kỳ hình thức nào, bạo lực giới xảy ra không phải do lỗi của nạn nhân.

Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Báo PNVN thực hiện, được tài trợ bởi Cơ quan Viện trợ Australia và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm