pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cẩm nang điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y Tế
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi, tuy nhiên cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em như thế nào để đạt hiệu quả khỏi bệnh nhanh, an toàn thì không phải bố mẹ nào cũng biết.
Để giúp bố mẹ bớt lúng túng trong quá trình điều trị, chăm sóc cho con, bộ Y tế đã đưa ra những hướng dân về cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Hãy cùng tìm hiểu những khuyến cáo này.
1. Các giai đoạn bệnh tay chân miệng ở bé
- Giai đoạn ủ bệnh: Sau khi xâm nhập cơ thể, virus sẽ ủ bệnh trong cơ thể bé khoảng 3-7 ngày trước khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.
Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng ở trẻ thường kéo dài khoảng 3-7 ngày (Ảnh: Internet)
- Giai đoạn phát bệnh: Sau giai đoạn ủ bệnh, trẻ có những biểu hiện phát triển bệnh đầu tiên như đau cổ họng, tiêu chảy, biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc.
- Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 3-10 ngày tùy vào mức độ bệnh và hiệu quả điều trị của bé. Đầu tiên, các mụn nước li ti lần lượt xuất hiện trên khoang miệng, niêm mạc lưỡi và vỡ ra khiến bé đau rát, bỏ ăn, quấy khóc. Lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối dần xuất hiện những nốt mụn li ti này trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên những mụn nước này ít khi gây lở loét hoặc bội nhiễm.
- Giai đoạn lui bệnh: Nếu không có những biến chứng phát nặng, bệnh ở trẻ sẽ lui dần sau khoảng 3-5 ngày.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp bệnh đều lui dần như vậy. Tay chân miệng ở trẻ có thể gây ra một số phản ứng chuyển nặng như sốt cao liên tục, không phản ứng với thuốc hạ sốt, đây là dấu hiệu có thể bé bị nhiễm độc thần kinh.
Chân tay bé run, liệt tạm thời hay nôn ói, thậm chí có những biểu hiện suy hô hấp, sưng não, hôn mê, thậm chí là tử vong là những biến chứng rất nguy hiểm ở trẻ bị tay chân miệng mà bố mẹ không thể bỏ qua.
2. Những cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Dưới đây là các cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế mà bố mẹ cần lưu ý
2.1. Thực hiện các xét nghiệm cơ bản
Trong nhiều trường hợp, bệnh tay chân miệng trong giai đoạn đầu có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác dẫn đến việc điều trị sai cách. Do đó, nếu nghi ngờ bé bị tay chân miệng, cần cho bé đến bệnh viện và làm một số xét nghiệm cơ bản để chuẩn đoán bệnh.
Cần xét nghiệm protein C phản ứng trong giới hạn bình thường nếu bố mẹ có điều kiện làm xét nghiệm cho con. Nếu bạch cầu tăng trên 16.000/mm3 thì rất có thể bé có những biến chứng chuyển nặng.
2.2. Điều trị cho trẻ bị tay chân miệng cấp độ một tại nhà
Trong giai đoạn đầu, cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em chủ yếu diễn ra tại nhà. Bố mẹ cho bé nghỉ ngơi ở vị trí yên tĩnh, tăng cường dinh dưỡng hợp lí và đảm bảo vệ sinh cơ thể cho con. Nếu bé sốt, hạ sốt với liều lượng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần mỗi 6 giờ.
Nên đề phòng nguy hiểm nếu trẻ sốt cao (Ảnh: Internet)
Trong thời gian điều trị ngoại trú, cứ 2 ngày bố mẹ lại đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám hoặc sau khi bé hạ sốt. nếu bé có các dấu hiệu chuyển nặng như sốt cao không hạ, co giật, người lạnh thì cần đưa bé đến bệnh viện ngay để được xử lí kịp thời.
2.3. Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em cấp độ 2
Với cấp độ 2a: Cách điều trị giống như cấp độ một nhưng kết hợp sử dụng Ibuprofen có tác dụng chống viêm, giảm đau với liều lượng 15mg/kg/lần mỗi 6-8 tiếng. Nếu trẻ vẫn sốt cao, có thể dùng kết hợp Paracetamol.
Paracetamol có thể dùng để điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em (Ảnh: Internet)
Với cấp độ 2b: Hạ sốt tích cực và cho bé thở oxy 3-6 lít/phút, nằm cao đầu khoảng 30 độ. Dùng Immunoglobulin trong vòng 1 ngày với liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ. Cần đo độ bão hòa oxy Sp02 liên tục và truyền vào tĩnh mạch thuốc Phenobarbital 10 - 20 mg/kg trọng lượng cơ thể nếu cần. Mỗi 2-6 tiếng lại đo các chỉ số nhịp thở, tim mạch, huyết áp cho trẻ.
2.4. Tiêu chuẩn xuất viện
Trẻ được xuất viện trong các trường hợp sau:
- Không sốt trong vòng 24h và không cần sử dụng thuốc hạ sốt
- Không có các biểu hiện cấp độ 2a trong 48h
- Có thể ăn uống bình thường và không cần hỗ trợ hô hấp
Khi trẻ xuất viện và theo dõi tại nhà, cần thường xuyên đưa bé tái khám và nhập viện ngay nếu có các dấu hiệu tái phát hoặc chuyển nặng.