‘Cảm ơn người dân Vĩnh Long đã cho tôi cơ hội được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam’

20/10/2018 - 10:00
"Được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, tôi rất xúc động, vui mừng, trân trọng và biết ơn! Tại giây phút đó, thời gian như ngừng lại, lắng đọng trong tâm trí tôi là quá trình công tác, sự nỗ lực của bản thân, sự khích lệ của gia đình, cùng với sự hỗ trợ của đơn vị, đồng nghiệp, sự đồng hành của các địa phương và quan trọng nhất là những người nông dân Vĩnh Long… đã cho tôi cơ hội nhận Giải thưởng này".

Đó là tâm sự của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long Vương Thị Thu Hương - người vừa vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018.

anh-vuong-thu-huong.JPG
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (bìa phải) và Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà (bìa trái) trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2018 cho chị Vương Thị Thu Hương (giữa)

 

Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, PNVN có cuộc trao đổi với chị Vương Thị Thu Hương về những nỗ lực của bản thân chị để giành Giải thưởng dành riêng cho phái nữ.

Vĩnh Long đang có bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản; thực hiện liên kết chuỗi ngành hàng lúa gạo; thí điểm, hoàn thiện nhân rộng mô hình HTX kiểu mới… Xin chị cho biết những kết quả ban đầu của quá trình chuyển đổi này?

Có thể nói kết quả là khá tích cực. Chỉ trong vòng 3 năm, ngành NN&PTNT của Vĩnh Long đã bước đầu trở thành cầu nối giữa HTX và doanh nghiệp; xây dựng được chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo gần 900ha với sản lượng lúa tiêu thụ gần 4.000 tấn. Đặc biệt là, thông qua dự án, nông dân được hỗ trợ chi phí sản xuất (giống, vật tư), được tập huấn quy trình sản xuất lúa VietGAP, giúp giảm chi phí (từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc, đều gắn với tổ hợp tác dịch vụ, với doanh nghiệp cung cấp vật tư phân bón…), đầu ra của sản phẩm cũng do Doanh nghiệp trong tỉnh bao tiêu. Tổ chức sản xuất được củng cố và nâng chất, người nông dân rất phấn khởi…

Về thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới: Hầu hết thành viên Hội đồng quản trị các HTX trên địa bàn tỉnh được tập huấn nâng cao năng lực quản lý kinh tế, kỹ năng điều hành… Hiện có 10/17 HTX (4 THT đã trở thành HTX) được hỗ trợ kế toán; có 5/17 HTX được hỗ đầu tư hạ tầng (nhà kho, xưởng sơ chế…). Các HTX tham gia thí điểm trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh có những chuyển biến tích cực.

 

img_1539350172418_1539960694382.jpg
Chị Vương Thị Thu Hương đi cơ sở tìm hiểu thực tế

 

Trong quá trình thực hiện, người dân có gặp khó khăn gì không? Cá nhân chị có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho họ?

Khó khăn lớn nhất là quá trình nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước (hỗ trợ giống, công thuê máy, thuốc BVTV) vì quy trình, thủ tục thanh quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính phải trải qua rất nhiều công đoạn. Để giải quyết khó khăn trên, ngành NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp cung ứng đầu vào và các HTX hoàn tất thủ tục thanh toán trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh ban hành hướng dẫn liên ngành về thủ tục thanh quyết toán có quy trình đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định hiện hành.

 

img_1539347862183_1539960679024.jpg
 Chị Vương Thị Thu Hương đi tìm hiểu thực tế tại các mô hình làm kinh tế

 

Chị cũng là người trực tiếp biên soạn Bộ hồ sơ trình Hội đồng thẩm định TƯ và Chính phủ công nhận thị xã Bình Minh hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2017 và Bộ hồ sơ mẫu được chọn để nhân rộng trong cả nước. Chị có thể cho biết đôi nét về Bộ hồ sơ này được không?

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Trung ương (TƯ) và của Phản biện Hội đồng TƯ thì Bộ hồ sơ đề nghị công nhận thị xã Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là bộ hồ sơ hoàn chỉnh nhất, viết đạt yêu cầu nhất từ trước đến nay. Từ quý I/2018 đến nay, Bộ hồ sơ đã được chuyển file về Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TƯ để chuyển giao cho các tỉnh bạn tham khảo, làm theo.

Chị đánh giá ra sao về vai trò của phụ nữ Vĩnh Long, các cấp Hội LHPN Vĩnh Long trong tham gia xây dựng nông thôn mới?

img_1539347934828_1539960689923.jpg
Làng quê Vĩnh Long có nhiều khởi sắc nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp rõ nét của phụ nữ

 

Phụ nữ luôn là người giữ lửa cho gia đình, là người có tiếng nói quan trọng và mang tính quyết định khi cùng chồng con và người thân trao đổi đóng góp công sức cho Chương trình. Thông qua công tác vận động, tuyên truyền của các cấp Hội, phụ nữ Vĩnh Long đã có vai trò tích cực. Các chị đã cùng gia đình đóng góp đất đai, ngày công… xây dựng đường giao thông, các công trình thủy lợi, vận động chồng con tham gia các lớp đào tạo nghề, các lớp tập huấn kỹ thuật, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn. Các chị cũng động viên nhau tham gia ngành nghề TTCN trong thời gian nông nhàn… Các chị hội viên nòng cốt đã trở thành hạt nhân tích cực trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Kết quả nhìn thấy rõ nhất là gì, thưa chị?

Đó chính là diện mạo mới đã và đang được xây dựng trên các vùng nông thôn của tỉnh. Hầu hết các xã đạt chuẩn NTM đều có các tuyến đường hoa, mô hình “Nhà tôi xanh- sạch- đẹp” được nhân rộng trên toàn tỉnh. Để có được diện mạo mới như hôm nay, vai trò của các cấp Hội trong tuyên truyền,vận động Hội viên của mình là rất quan trọng, quyết định nên sự thành công của phong trào thi đua “Xây dựng ấp tôi, nhà tôi  “sáng - xanh - sạch - đẹp” giai đoạn 2011-2015 và Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch do TƯ Hội LHPNVN phát động.

Xin cảm ơn chị!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm