pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần 3 tầng giải pháp để hạn chế, kiểm soát tình trạng thiếu niên phạm tội
Các đối tượng cùng tang vật của chuyên án ma túy tại Lạng Sơn
Tội phạm đang trẻ hóa là vấn đề không còn mới mẻ bởi từ nhiều năm trước vấn đề này đã được đặt ra trong nhiều hội thảo, tọa đàm. Rất nhiều góc khuất, giải pháp ngăn chặn người trẻ phạm tội đã được đề xuất, tuy nhiên cho đến nay, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống.
Tối 7/4/2021, Y Vĩnh (SN 2007, trú tại thôn Suối Cau, Sơn Hà, Sơn Hòa, Phú Yên) đi nhậu cùng bạn bè. Giữa cuộc nhậu, Y Vĩnh lấy xe máy đi mua thêm đá lạnh, tuy nhiên thiếu niên này đã rú ga ầm ĩ trên đường làng.
Thấy vậy, anh Y Lính (SN 1980, trú cùng thôn với Vĩnh) đã nhắc nhở, la mắng thiếu niên này dừng lại. Thay vì nghe lời người lớn tuổi, Y Vĩnh liền quay lại thách thức, lời qua tiếng lại với anh Y Lính nên bị anh Lính bạt tai.
Sẵn có hơi men trong người, Y Vĩnh liền chạy đi mua con dao Thái Lan rồi sau đó quay vào nhà anh Y Lính để trả thù. Thấy anh Lính, Vĩnh lao vào đâm nhiều nhát khiến nạn nhân gục xuống, tử vong tại chỗ. Thấy chồng bị đâm, chị Y Tứ (vợ anh Y Lính) chạy đến can ngăn cũng bị Y Vĩnh dùng dao đâm. Chị Tứ bị thương nặng, sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.
Sau khi gây án, Y Vĩnh đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Tuy nhiên, lực lượng công an địa phương đã nhanh chóng truy đuổi, bắt giữ thiếu niên này khi y đang chuẩn bị lẩn trốn.
Cũng liên quan đến tình trạng thiếu niên phạm tội, Công an Thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) vừa triệt phá thành công chuyên án ma túy mang bí số 1421-M, bắt giữ nhiều đối tượng, 74 viên ma túy, hàng chục dao phóng lợn cùng các dụng cụ để sử dụng ma túy.
Cụ thể, đêm 5/4/2021, tổ công tác Công an Thành phố đang làm nhiệm vụ tại khách sạn Diamond, đường Ngô Quyền, P.Vĩnh Trại, đã phát hiện, bắt quả tang Dương Mạnh Tùng (SN 2004) và Chu Văn Phú (SN 2002) đều trú tại TP Lạng Sơn về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 4 túi nylon có chứa 10 viên nén và các chất tinh thể màu trắng, các đối tượng khai nhận là ma túy.
Mở rộng điều tra, công an tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Trung Tần (SN 1997) và Lưu Phi Hùng (SN 1998) tại số nhà 104B, đường Tam Thanh, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, phát hiện một nhóm thanh niên nam nữ độ tuổi từ 17 đến 28, có HKTT tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang và Thái Nguyên đang tụ tập, bay lắc.
Tại các phòng của Hùng và Tần, tổ công tác còn phát hiện, thu giữ 64 viên nén hình đa giác màu xanh và màu cam; 11 túi nylon chứa các tinh thể màu trắng, các đối tượng khai là ma túy tổng hợp và Ketamin; tạm giữ 12.000.000đ, 5 điện thoại di động, 2 xe môtô, hàng chục dao phóng lợn và các dụng cụ dùng để sử dụng ma túy.
Làm gì để ngăn chặn?
Trước thực trạng thanh thiếu niên phạm tội gia tăng, các chuyên gia cho rằng, do sức ép từ nền kinh tế thị trường, từ việc làm, lao động và từ những giá trị cuộc sống thay đổi đã khiến một bộ phận dân chúng, nhất là giới trẻ, có sự thay đổi về mặt nhận thức, hành vi. Đặc biệt là sự xuống cấp về đạo đức và lối sống.
Bên cạnh đó, vai trò định hướng của xã hội đối với trẻ vị thành niên vẫn còn mờ nhạt và chưa hiệu quả. Trong khi đó các yếu tố văn hoá nước ngoài du nhập vào nước ta phong phú và phức tạp trong quá trình hội nhập, song xã hội lại thiếu "bộ lọc" hiệu quả đối với các yếu tố văn hoá đó.
Sự bùng nổ thông tin với sự xâm nhập của phim ảnh có nội dung bạo lực, khiêu dâm, đồi trụy, khiến một bộ phận không nhỏ trẻ em bị cuốn theo. Trong môi trường xã hội nhiều biến động đó đã khiến đạo đức của một bộ phận không nhỏ trẻ em đi xuống, với biểu hiện là đề cao lối sống hưởng thụ, ăn chơi lêu lổng, đua đòi thích thể hiện mình nên dẫn tới phạm tội nghiêm trọng.
Chuyên gia tội phạm học - Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân), chỉ ra nhiều nguyên nhân từ yếu tố từ tâm lý, đạo đức, rồi kinh tế, văn hóa và cả ảnh hưởng của truyền thông...
"Trước đây, những hành vi xấu xa, bạc ác, tàn nhẫn thường bị lên án, bị xử lý và trừng trị rất nghiêm khắc, trong xã hội người ta lên án rất mạnh mẽ. Nhưng ngày nay, những việc này đối với nhiều người lại trở thành bình thường. Khi đạo đức, nhận thức, lối sống biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, đặc biệt là giá trị của đồng tiền lên ngôi, người ta chạy theo những giá trị đó cho nên nó dẫn đến những xung đột, tranh chấp, tranh đoạt… Đấy là một trong những nguyên nhân dẫn tới hành vi của tội phạm, nhất là trong những người trẻ tuổi", Đại tá Đỗ Cảnh Thìn phân tích.
Bàn về giải pháp hạn chế, ngăn chặn người trẻ phạm tội, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên, cho rằng cần có 3 tầng giải pháp để hạn chế, kiểm soát cái ác. Trước mắt, đó là xử lý nghiêm các hành vi phạm tội theo các quy định của luật pháp, thậm chí nâng khung hình phạt với một số hành vi phạm tội để mang tính răn đe nhiều hơn.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giáo dục về những chuẩn mực xã hội, đạo đức, văn hóa và truyền thống, phải gắn việc phòng chống bạo lực gia đình với những hoạt động có hiệu quả của các thiết chế xã hội như gia đình, nhà trường, cộng đồng, đoàn thể.
Thứ ba, xây dựng một cộng đồng xã hội có nền tảng văn hóa cao, kinh tế phát triển, con người có tri thức và hiểu biết để biết sống với nhau một cách tốt đẹp hơn.
Theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh, để thực hiện 3 giải pháp này, vẫn cần bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ hãy dành thời gian thích đáng cho con, định hình nhân cách từ sớm, giáo dục hành vi mang tính chuẩn mực, định hướng cung cách ứng xử, tạo cho gia đình trở thành môi trường nhân ái đầu tiên cho trẻ em, để khi lớn lên, trẻ sẽ mang sự nhân ái đó vào xã hội.