Căn bệnh do vi khuẩn ăn mòn cơ thể có những dấu hiệu gì, nguy hiểm ra sao?

13/09/2019 - 19:00
Bệnh Whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore từ khoảng 40-60%.

Mới đây, BV Bạch Mai cảnh báo về căn bệnh do vi khuẩn ăn mòn cơ thể con người, có thể gây tử vong trong vài ngày đã xuất hiện ở Việt Nam. Theo đó, chỉ trong tháng 8/2019, tại BV Bạch Mai đã có tới 12 trường hợp được phát hiện, trong đó 40% tử vong. Mới đây nhất, ngày 12/9, BV Đa khoa Hà Tĩnh cũng phát hiện 1 trường hợp bị bệnh này. Whitmore là bệnh gì, nguy hiểm như thế nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Theo các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh có xu hướng gia tăng cao điểm vào mùa mưa và tập trung nhiều nhất từ tháng 7 đến tháng 11. Trong đó, người bệnh bị các bệnh lý như tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc Whitmore hơn những người khác.

Bệnh Whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore từ khoảng 40 đến 60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.

Loại vi khuẩn gây bệnh ăn mòn cơ thể

 

Điều khó khăn hiện nay là bệnh Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, phức tạp. Bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như truyền nhiễm, hô hấp, cơ - xương - khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa. Do đó, có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Việc này dẫn đến những khó khăn trong điều trị, có thể khiến bệnh trầm trọng hơn nếu điều trị sai.

Triệu trứng phổ biến của Whitmore xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi, nơi có thể hình thành một khoang chứa mủ (áp xe phổi). Tình trạng bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực, và đau nhức các cơ bắp. Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm với sốt và đau cơ.

Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc được hít vào qua đường hô hấp gây viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, gây áp xe ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng da, cơ vân. Bệnh có thể lan toả từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, hoặc diễn tiến thành một hình thái Whitmore mạn gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, và mắt.

Bệnh Whitmore còn có nhiều biến chứng nguy hiểm. Đôi khi chỉ là một vết xây xát nhỏ nhưng khi được tiếp xúc với môi trường đất, nước có vi khuẩn Whitmore thì nguy cơ bạn bị nhiễm trùng, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi. Nếu không có cách phát hiện nhanh, bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong vài ngày.

Để phòng ngừa bệnh Whitmore thì những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình, làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị tấn công.

Đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay bàn chân luôn phải sạch. Nếu tay chân dính bùn đất cần phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.

Hiện nay, Whitmore là căn bệnh chưa có Vaccine phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó những biện pháp phòng tránh trên mặc dù rất căn bản nhưng không được chủ quan.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm