Cán bộ Hội "toàn năng" của Tổng cục Hậu cần

Hải Linh, Ảnh: NVCC
12/10/2023 - 16:31
Cán bộ Hội "toàn năng" của Tổng cục Hậu cần

Trung tá Bùi Thị Kim Dung trong phần thi tuyên truyền tại Hội thi cán bộ hội phụ nữ giỏi cấp toàn quân, vừa tổ chức tại Thành phố Hải Phòng

Hội thi cán bộ hội phụ nữ giỏi cấp toàn quân, khu vực phía Bắc, đã khép lại nhưng ấn tượng về Trung tá Bùi Thị Kim Dung - 1 trong 3 người đạt giải Nhì - ghi dấu đậm nét trong tâm trí nhiều người

Sinh ra trong gia đình quân nhân, cả bố và mẹ đẻ của chị đều từng làm cán bộ quân y - Quân khu 3. Nhà có 2 chị em gái, thì em gái của chị Dung hiện đang là giảng viên ở Học viện hậu cần. 

"Tôi được sự động viên của cả gia đình nhà binh, cả khi đầu tư cho công việc chuyên môn và dành nhiều thời gian luyện tập cho Hội thi cán bộ Hội phụ nữ, từ cấp Tổng cục đến cấp toàn quân vừa rồi. Biết đội của tôi thi giành giải Ba toàn đoàn và bản thân tôi được giải Nhì cán bộ Hội phụ nữ toàn năng, bố mẹ, chồng và em gái đều gọi điện chúc mừng cho chiến thắng của đội và cá nhân tôi. Cả nhà ai cũng hân hoan và tự hào nhiều lắm", chị Kim Dung vui vẻ kể.

Nói đến giây phút được giải Nhì hội phụ nữ toàn năng cấp toàn quân, khu vực phía Bắc, chị Kim Dung bộc bạch: "Biết rõ lần này thi cấp toàn quân, chị em cán bộ Hội ở các đơn vị đều tài năng, giỏi ở nhiều góc độ, nên ai cũng lo lắng. Hơn nữa, thấy các đơn vị bạn đã tập luyện trước cả tháng rồi, chúng tôi không hy vọng được giải, chỉ biết động viên nhau cố gắng biểu diễn tốt nhất có thể. Không thể ngờ, đội đã đạt giải cao như một kỳ tích".

Là Phó chủ tịch Hội phụ nữ Viện thiết kế Tổng cục hậu cần, lại kiêm đội trưởng đội thi, chị Kim Dung tham gia màn đánh trống tổ hợp trống hội – thư hoạ "Hào khí trời nam".

Gặp cán bộ Hội phụ nữ toàn năng của Tổng cục hậu cần  - Ảnh 2.

Để biểu diễn tiết mục đánh trống tổ hợp trống hội – thư hoạ "Hào khí trời Nam" gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo và khán giả, Trung tá Bùi Thị Kim Dung và các đồng đội đã có lần bị bật máu tay và chai sần bàn tay trong suốt quá trình luyện tập

Trong tiết mục này, ngoài tham gia màn biểu diễn đánh trống ban đầu, bản thân chị Kim Dung sau đó còn thực hiện tiết mục vẽ thư hoạ trên nền giấy đỏ.

Ngoài gây ấn tượng với Ban giám khảo và khán giả bởi màn đánh trống và vẽ tranh thư họa, chị Kim Dung còn là thí sinh chính tham gia phần thi tuyên truyền của đội. "Hàng ngày, cứ học xong cùng đội về phần biểu diễn đánh trống, về đến nhà là 10h đêm, tôi mới vệ sinh cá nhân, ăn tối xong, lại tiếp tục ôn luyện kiến thức tuyên truyền đến 1 - 2 giờ sáng. May là công việc kiến trúc sư của tôi cũng quen thức đêm, nên không quá mệt mỏi", chị Kim Dung bày tỏ.

Gặp cán bộ Hội phụ nữ toàn năng của Tổng cục hậu cần  - Ảnh 3.

Trung tá Bùi Thị Kim Dung thể hiện khéo tay trong cuộc thi cắt tỉa rau củ quả ở đơn vị

"Tôi là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Viện thiết kế Tổng cục hậu cần từ năm 2016, nên hầu như kiến thức thực tế đã có sẵn kinh nghiệm hoạt động Hội từ nhiều năm qua, nên khi thi phần thi kiến thức, tôi không quá lo lắng. Dù vậy, trên đường từ Hà Nội đến Hải Phòng thi đấu, tôi vẫn ngồi trên xe ôn lại phần thi kiến thức để không bỏ lỡ cơ hội trả lời đúng câu hỏi do ban tổ chức đưa ra", chị Kim Dung cho biết.

Sinh  hoạt Hội không đi theo lối mòn để thu hút hội viên

Chị Kim Dung chia sẻ: "Là Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Viện thiết kế, để thu hút đông đảo các chị em sinh hoạt Hội mà không nhàm chán, chúng tôi đều sáng tạo các hoạt động Hội, chứ không đi theo lối mòn nào cả".

Mỗi lần sinh hoạt Hội sẽ theo chuyên đề của ngày lễ, Tết, các sự kiện xã hội và đất nước. Chị em sẽ thi nấu ăn, thi cắm hoa, thi thiết kế thời trang từ văn phòng phẩm tái chế, giấy báo, hay thi vẽ tranh truyền thống phụ nữ Việt Nam… "Bất cứ hoạt động nào chúng tôi cũng tổ chức khá quy mô, chứ không hời hợt. Thậm chí các tổ, nhóm còn mời các anh em nam giới tham gia vào đội thi để làm điểm cộng cho đội", chị Kim Dung vui vẻ nói.

Gặp cán bộ Hội phụ nữ toàn năng của Tổng cục hậu cần  - Ảnh 5.

Những bức vẽ thiết kế của chị luôn có hồn nhờ sự tinh xảo của nét vẽ và màu sắc hài hoà luôn được đồng nghiệp, bạn bè ghi nhận, tán thưởng

Ngoài ra, các chị em hội viên ở đơn vị còn rất sôi nổi mỗi lần tham gia hiến máu tình nguyện, hay các hoạt động tình nguyện tặng quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. "Mỗi lần trước chuyến đi thiện nguyện, chúng tôi kêu gọi hội viên quyên góp đồ dùng còn tốt, quyên góp thêm tiền. Riêng cá nhân tôi, năm nào cũng tự thanh lý đồ cá nhân của mình ở trên mạng xã hội. Số tiền bán được sẽ góp vào quỹ thiện nguyện của Hội, mỗi năm từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng", chị Kim Dung cho biết.

Nữ trung tá cán bộ hội phụ nữ toàn năng còn khiến tôi bất ngờ hơn, khi theo chân chị tham quan gian hàng trưng bày tác phẩm màu nước "Hội ngộ sắc màu 2", của câu lạc bộ hoạ sĩ màu nước Hà Nội HWA và các hoạ sĩ Ba Lan phối hợp tổ chức ở phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Là một thành viên trong nhóm, chị có thể vẽ tranh trên bất cứ chất liệu nào, với nhiều chủ đề đa dạng của cuộc sống xung quanh.

Gặp cán bộ Hội phụ nữ toàn năng của Tổng cục hậu cần  - Ảnh 6.

Trung tá Kim Dung (áo dài hồng) cùng tác phẩm của mình trong "Hội thi thời trang thiết kế từ vải vụn" trong một hoạt động của Hội phụ nữ diễn ra tại đơn vị

Chị tâm sự: "Tôi có nhiều đam mê, nhất là hội hoạ và kiến trúc. Đặc biệt, nhờ công tác Hội phụ nữ mà tôi và các chị em hội viên có nhiều cơ hội bộc lộ khả năng của mình trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ, hát, đàn, đọc thơ, diễn kịch".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm