pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cán bộ xã băng rừng, vượt suối nhận hàng cứu trợ cho người dân

Cán bộ xã Nhôn Mai băng rừng đi nhận hàng cứu trợ cho người dân
Không để người dân đói
Nhiều ngày sau cơn lũ dữ quét qua, khi hầu hết các bản làng ở miền núi Nghệ An đã dần yên ả trở lại thì xã Nhôn Mai vẫn bị cô lập hoàn toàn giữa rừng sâu như một ốc đảo. Quốc lộ 16, con đường độc đạo vào Nhôn Mai đã bị mưa lũ tàn phá nặng nề. Dọc tuyến có nhiều điểm đứt gãy loang lổ, sạt lở từng mảng, như vết thương há miệng giữa núi rừng.
Con đường sông qua hồ thủy điện Bản Vẽ - niềm hy vọng duy nhất - cũng chìm dưới biển rác, củi và cây gãy, kéo dài gần 5 km, khiến những con thuyền trở nên bất lực. Nhôn Mai như bị khóa chặt giữa lòng thiên nhiên hung bạo, trong khi sóng điện thoại gần như không có, nếu có cũng yếu ớt, đứt quãng và chập chờn.

Xã Nhôn Mai bị lũ tàn phá nặng nề, Quốc lộ 16 đứt gãy khiến nơi đây bị cô lập
Ông Vi Văn Tình (bản Nhôn Mai) đứng trên nền đất trống - nơi từng là ngôi nhà sàn vững chãi bao năm giờ chỉ còn móng đá trơ trọi giữa bùn đất, đôi mắt buồn rười rười nhìn xa xăm. Mấy hôm nay, gia đình ông phải ở nhờ nhà họ hàng, mỗi ngày nấu một nồi cháo loãng chia nhau. "Người lớn nhịn được nhưng nhìn mấy đứa nhỏ khóc vì đói mà ruột gan tôi như bị ai cào xé", ông Tình nghẹn giọng.
Ở bản Phá Mựt, ông Xồng Ca Dênh nhà cũng bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Ông chia sẻ trong sự xót xa: "Mấy bữa nay hết gạo ăn, dân làng rủ nhau vào rừng đào măng, bới củ, tìm từng chút thức ăn". Ông Moong Văn Quế, bản Có Hạ cũng chung cảnh ngôi: "Có hôm, cả bản chỉ nấu được nồi canh măng với nước muối nhưng rừng sau mưa lũ cũng cạn kiệt, dân bản đói lắm…".
Đêm xuống, bản Na Lợt dân làng lại đốt lửa, ngóng ánh đèn thuyền cứu trợ. Thế nhưng hồ Bản Vẽ bây giờ như bãi rác khổng lồ, đặc quánh rác và củi mục. "Thuyền nào dám chạy qua đó?", ông Moong Văn Quế thở dài.

Sẽ mất rất nhiều thời gian để Nhôn Mai khắc phục được hậu quả sau lũ
Để người dân không bị thiếu đói, lãnh đạo xã Nhôn Mai đã phải băng rừng, vượt suối tìm đường ra xã Mỹ Lý, nơi có bến Xiêng Tắm, chỗ duy nhất còn có thể nhận hàng cứu trợ. Hành trình ấy dài bao nhiêu cây số, không ai đếm nổi. Có đoạn chèo thuyền qua sông chảy xiết, có đoạn lội qua rừng rậm, muỗi và vắt bám đầy người. Trên đường, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai - Mạc Văn Nguyên và Phó Bí thư Lữ Xuân Hà lầm lũi bước, vai khoác ba lô, tay siết chặt danh sách từng hộ dân cần cứu trợ.
"Cán bộ xã Nhôn Mai phải tìm đường đến xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn cũ) để lập chốt nhận hàng cứu trợ, vừa đi bộ, đi xe máy và cả đi thuyền mất 3,5h đồng hồ. Sau khi nhận được hàng chúng tôi vận chuyển bằng thuyền về cho nhân dân. Hiện nay xã Nhôn Mai đang bị cô lập hoàn toàn do giao thông bị chia cắt, sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khắc phục được. Do bị mất sóng điện thoại, mất điện nhiều ngày nay nên chưa có thông tin để liên hệ cứu trợ nhân dân", ông Mạc Văn Nguyên nói khi mồ hôi và nước mưa hòa lẫn trên gương mặt lấm lem bùn đất.
Cần lắm những tấm lòng
Đồn Biên phòng Nhôn Mai giờ đã chia hết phần lương thực dự trữ cho dân. Đồn trưởng Nguyễn Anh Tuấn giọng khàn đặc: "Anh em bộ đội cũng chỉ còn ít gạo và muối. Thế nhưng không thể để bà con đói. Chúng tôi cùng lãnh đạo xã đang mở lối rừng, liên lạc bằng mọi cách để xin cứu trợ".

Cán bộ xã phải đi hàng tiếng đồng hồ đến xã Mỹ Lý để nhận hàng cứu trợ
Công an xã Nhôn Mai do ông Lô Tú Tài chỉ huy, cùng dân quân tự vệ dựng lều tạm, gom góp từng vật dụng, từng gói mì, từng nắm gạo chia cho những hộ khó khăn nhất. Những bếp lửa nhóm lên giữa đêm, không đủ làm ấm cái lạnh của rừng nhưng giữ cho bà con một niềm hy vọng.
Trong ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, ông Mạc Văn Nguyên cùng Chủ tịch xã Lê Hồng Thái nói như khẩn cầu: "Nhôn Mai đang vô cùng cấp bách Chúng tôi kêu gọi tỉnh Nghệ An, các cơ quan chức năng, các tổ chức thiện nguyện và đồng bào cả nước hãy quan tâm đến bà con nơi đây, 6.868 con người nơi đây đang rất cần sự giúp đỡ".
Nhôn Mai là xã biên giới thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Khơ Mú. Đợt mưa lũ những ngày qua đã khiến các bản làng ở xã Nhôn Mai bị tàn phá nặng nề, thiệt hại ước tính hơn 750 tỷ đồng.

Cán bộ xã đến tận nhà dân để tiếp tế
Theo thống kê, toàn xã có 276 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó 69 căn bị cuốn trôi hoàn toàn, 20 nhà hư hỏng nặng và 142 căn cần di dời khẩn cấp. Tính đến sáng ngày 27/7, hơn 1.400 hộ dân/21 bản của xã biên giới này đang bị cô lập hoàn toàn.
Tuyến quốc lộ 16 đã bị xé toạc và cần rất nhiều thời gian để khắc phục, điều đó có nghĩa là hàng nghìn người dân nơi đây sẽ còn phải đối diện với rất nhiều thử thách. Người dân xã Nhôn Mai đang rất cần sự chung tay, giúp sức để họ vượt qua khó khăn, đứng dậy sau trận lũ tàn khốc.