Căn cứ nào để trường tư không trả ‘phí giữ chỗ’ khi phụ huynh rút hồ sơ?

12/07/2018 - 07:15
Nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 ở Hà Nội bức xúc vì không được trả lại khoản “phí giữ chỗ” lên tới vài triệu đồng tại các trường THPT ngoài công lập khi muốn rút hồ sơ. Vậy các trường tư căn cứ vào đâu để không trả "phí giữ chỗ" ngay cả khi có ý kiến yêu cầu trả của Sở GD&ĐT Hà Nội?
1.jpg
Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, việc các trường tự ý thu phí giữ chỗ nhập học là sai quy định - Ảnh minh họa

 Vấn đề "phí giữ chỗ" nóng lên mấy ngày qua ở Hà Nội khi một số trường tư thục nhất định không hoàn lại khoản tiền phụ huynh đóng trước đó khi nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh cho con. Trước bức xúc của phụ huynh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn chỉ đạo những trường thu “phí giữ chỗ” phải hoàn trả các khoản tiền đã thu cho phụ huynh.

Trong cuộc họp báo vừa diễn ra chiều hôm qua, 11/7/2018, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định, việc các trường tự ý thu phí giữ chỗ nhập học là sai quy định. Sở đang yêu cầu tất cả các trường đã thu phí nhập học phải hoàn trả ngay cho phụ huynh.

Tuy nhiên, bình luận về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc công ty Luật Trung Nguyễn cho rằng: Thí dụ như với trường hợp của trường THPT Lương Thế Vinh, thông báo tuyển sinh của trường phát hành công khai thì khi nộp hồ sơ tuyển sinh, phụ huynh học sinh (PHHS) có nghĩa vụ đọc hiểu đầy đủ nội dung trong thông báo. Dưới góc độ pháp lý việc PHHS nộp hồ sơ và đóng các khoản thu theo thông báo là sự nhất trí, thỏa thuận giữa PHHS với nhà trường.

Cũng theo luật sư này, căn cứ vào Luật Giáo dục có thể thấy rằng, việc trường THPT Lương Thế Vinh cũng như các trường THPT khác có thu của học sinh hoặc PHHS các khoản thu là không trái với quy định của pháp luật. Tại điều 66 Luật Giáo dục qui định về chế độ tài chính, nêu: "1. Trường dân lập, trường tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi, thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, kiểm toán".

Bình luận về văn bản số 2784/SGDĐT-QLT ngày 3/7/2018 của Sở GD-ĐT, Luật sư Trung cho rằng, mục 3 của văn bản yêu cầu nhà trường “...hoàn trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ” cho thấy Sở GD&ĐT Hà Nội có dấu hiệu lạm quyền. Đáng ngại hơn là yêu cầu này của Sở GD&ĐT Hà Nội gây ra sự “hỗn loạn” giữa một bộ phận PHHS với một số cơ sở ngoài công lập.

Luật sư Trung cho rằng, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” của mùa tuyển sinh năm nay, nhiều PHHS lo lắng việc con không đủ điểm để trúng tuyển vào những trường công lập như nguyện vọng nên lựa chọn các cơ sở giáo dục ngoài công lập như là giải pháp nên chấp nhận các ràng buộc mà trường đề ra. Ngoài ra, không loại trừ nhiều bậc PHHS đã nhắm mắt làm ngơ hoặc đánh liều với lựa chọn của mình không xem xét kỹ lưu ý trong thông báo để “tranh nhau” nộp hồ sơ cũng như các khoản thu nhà trường đã đề ra.

nguyen-tien-trung.JPG
Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc công ty Luật Trung Nguyễn
 

Để đảm bảo công tác quản lý nhà trường cũng như không gây những căng thẳng không đáng có trong môi trường giáo dục, LS Trung đưa ra 02 khuyến nghị: 

- Về phía phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi chính thức nộp hồ sơ, nộp các khoản tiền mà nhà trường yêu cầu để tránh hiện tượng "lật kèo" và tỏ thái độ mạt sát nhà trường khi rút hồ sơ, trong khi nộp hồ sơ lại tỏ ra rất tử tế. 

- Về phía nhà trường: Cần xem xét tính thực tế của việc giữ lại các khoản thu mặc dù trong các thông báo đều có lưu ý sẽ nhập khoản tiền này vào Quỹ của trường hoặc Quỹ khuyến học khi rút hồ sơ.

Theo đó, nhà trường chỉ nên giữ khoản thu thực tế, cần thiết trong công tác tuyển sinh đó là lệ phí tuyển sinh, còn các khoản khác mà thực tế nhà trường chưa sử dụng, chưa chi dùng hoặc học sinh chưa được thụ hưởng thì nên hoàn trả cho học sinh.

Trường hợp phụ huynh học sinh không đồng tình với việc giải quyết của nhà trường, thì có quyền làm đơn khiếu nại (quy định tại điều 95 - Quyền của cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh (Luật giáo dục): Yêu cầu nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục giải quyết theo pháp luật những vấn đề có liên quan đến việc giáo dục con em) gửi đến Sở GD&ĐT Hà Nội, và với trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục thì Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ vào cuộc để xác minh làm rõ những vấn đề liên quan.

Đối với Trường THPT Lương Thế Vinh, là đơn vị liên quan trực tiếp tới văn bản 2784/SGDĐT-QLT ngày 03/7/2018 của Sở GD&ĐT có quyền làm văn bản kiến nghị, khiếu nại tới Sở GD&ĐT Hà Nội, tới UBND TP. Hà Nội để đề nghị hủy bỏ nội dung tại mục 3 của văn bản 2784 "... hoàn trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm