Cần đưa tài xế xe công nghệ, shipper vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Hải Yến
23/11/2023 - 13:30
Cần đưa tài xế xe công nghệ, shipper vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Ảnh minh hoạ

Sáng 23/11, thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TPHCM - đề xuất, cần đưa đối tượng tài xế xe công nghệ cũng như nhóm lao động trên nền tảng công nghệ thuộc đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Diệu nêu rõ: "Hiện nay nền kinh tế việc làm tự do (Gig economy) đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tài xế xe công nghệ hoặc giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng".

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, từ định nghĩa về "người lao động" tại Điều 3 đến "hợp đồng lao động" tại Điều 13, thì nhóm đối tượng này về bản chất là có tồn tại quan hệ lao động. Bởi lẽ tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ; có trả lương mặc dù 2 bên lựa chọn hình thức thanh toán tiền lương căn cứ vào kết quả công việc; và có sự điều hành giám sát thông qua app do doanh nghiệp vận tải quản lý.

Cần đưa tài xế xe công nghệ, shipper vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TPHCM

"Các đối tượng này cần được hưởng chính sách hỗ trợ tạo việc làm và bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm ứng phó với rủi ro. Vì vậy, đề nghị Quốc Hội tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung các đối tượng này vào nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc để có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho họ" – bà Trần Thị Diệu Thuý nói.

Trước đó, trong báo cáo tiếp thu, giải trình với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với những nhóm người lao động mới xuất hiện trong các mô hình kinh tế mới như: mô hình kinh tế tự do, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Đào Ngọc Dung, đây là vấn đề mới, rất phức tạp không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các nước phát triển. Trên thực tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa quy định người lao động trong nền kinh tế Gig nằm trong diện tham gia BHXH bắt buộc.

Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2% là quá cao

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông - lưu ý, về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 64), theo bà Kiều, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (lao động nam có thể chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng.

Cần đưa tài xế xe công nghệ, shipper vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc- Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Dự án luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Theo đại biểu, đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng "nghèo hoá" của một bộ phận người dân trong tương lai. Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 66 quy định "cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%". Theo đại biểu, quy định trong dự án luật như vậy là quá cao. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu quy định cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa đóng và hưởng, vì độ tuổi bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm của mỗi người khác nhau, cho nên cần quy định thời gian đóng bảo hiểm bao nhiêu để được hưởng tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% là phù hợp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm