pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần giải pháp mạnh hỗ trợ phụ nữ trở thành lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga (thứ 4 từ phải sang) tặng Đại hội bức tranh gạo, biểu trưng chính thức của Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII mang thông điệp "Phụ nữ Việt Nam khát vọng vươn xa". Ảnh: Báo Quảng Ninh
Phát biểu tại Đại hội, bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng được về dự Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 12, nhiệm kỳ 2021- 2026, Đại hội của "Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển". Trong bối cảnh tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, Đại hội được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh đã thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Thường vụ tỉnh ủy, các cấp chính quyền và sự nỗ lực cố gắng của các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: 5 năm qua, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, các cấp Hội phụ nữ Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 12, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 14, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện thắng lợi 7 nhóm chỉ tiêu Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt cao. Có thể kể đến một số điểm nổi bật, đó là:
(1) Các cấp Hội Phụ nữ Quảng Ninh đã sáng tạo, cụ thể hóa phong trào thi đua, cuộc vận động do TƯ Hội phát động và Nghị quyết số 11 ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh "Về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững" bằng cuộc vận động xây dựng người phụ nữ Quảng Ninh "Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện", được đông đảo chị em hưởng ứng và có tác động tích cực tới đời sống xã hội.
(2) Thực hiện có hiệu quả thực chất Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới với hơn 1.500 "Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch", "Chi hội phụ nữ sống xanh", gần 12.000 hộ gia đình được hỗ trợ đạt 8 tiêu chí. Tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tham gia Chương trình OCOP, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tổ chức nhiều hoạt động để phụ nữ tham gia công tác bảo vệ cảnh quan môi trường, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất trong cả nước.
(3) Có nhiều cố gắng trong vận động nguồn lực và thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và hỗ trợ 5 xã đặc biệt khó khăn theo phân công của Mặt trận Tổ quốc tỉnh với những hoạt động cụ thể, thiết thực đối với đời sống người dân.
(4) Chủ động và thực hiện có hiệu quả công tác giám sát với hơn gần 1000 cuộc và có nhiều phản ánh, kiến nghị, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng, UBND các địa phương giải quyết, xử lý.
(5) Trong công tác củng cố tổ chức Hội, phát triển hội viên, đến nay không có cơ sở Hội có tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên dưới 50%. Đặc biệt, các cấp Hội tập trung cải cách phương pháp làm việc để thích ứng với mô hình thí điểm Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện và việc việc sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh.
Bước vào nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp Hội phụ nữ cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là những ảnh hưởng mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ từ dịch bệnh Covid 19.
Để thực hiện vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 15 và Chiến lược phát triển tổ chức Hội đến 2030, tầm nhìn 2035, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả và những bài học kinh nghiệm đã rút ra trong nhiều nhiệm kỳ qua; đặc biệt, cần nghiêm túc có giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra tại Đại hội; tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo của các lực lượng phụ nữ tỉnh nhà để tạo những bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cũng nhấn mạnh một số vấn đề để Đại hội tiếp tục nghiên cứu, thảo luận và tổ chức thực hiện:
Một là, tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh và cốt cách, phẩm chất người dân đất Mỏ. Vận động phụ nữ nối tiếp truyền thống quê hương nữ tướng Lê Chân, xây dựng người phụ nữ Quảng Ninh thời đại mới "có tri thức, đạo đức, sức khỏe - năng động, sáng tạo - văn minh, thân thiện".
Trước những tác động nhiều chiều của sự phát triển đối với gia đình hiện nay, các cấp Hội cần tăng cường hỗ trợ phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình; xây dựng gia đình trở thành tế bào lành mạnh, là môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em phát triển toàn diện.
Hai là, Chủ động đề xuất đảm nhận nhiệm vụ phù hợp trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Với thế mạnh về phát triển dịch vụ, du lịch và có nhiều khu, cụm công nghiệp, Hội LHPN tỉnh cần có giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ phụ nữ nâng cao trình độ, nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp để trở thành lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Không chỉ tham gia phát triển kinh tế - xã hội mà mỗi hội viên, phụ nữ hãy là một hướng dẫn viên để giới thiệu, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người và vùng đất Mỏ, về lịch sử cũng như nét đẹp độc đáo của Vịnh Hạ Long, của Di tích lịch sử Bạch Đằng, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử… Đồng thời, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan Quảng Ninh xanh - sạch - đẹp, để Quảng Ninh thực sự là điểm đến lý tưởng của mỗi du khách trong nước và quốc tế.
Ba là, thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả công tác giám sát phản biện xã hội; chủ động đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em như phòng chống bạo lực giới, phòng chống xâm hại trẻ em…
Các cấp Hội cần bám sát Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới để chủ động tham mưu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới; tiếp tục chủ động trong tham mưu, đề xuất, tạo nguồn cán bộ nữ cho Đảng và hệ thống chính trị; phấn đấu nâng cao tỷ lệ và chất lượng cán bộ nữ trong các cơ quan dân cử, các cấp chính quyền.
Bốn là, các cấp Hội cần thực hiện tốt vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Hội, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với phụ nữ và nhân dân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và tổ chức hoạt động Hội. Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh phải là điểm sáng trong khu vực về hoạt động hỗ trợ phụ nữ trở thành những công dân số có trách nhiệm, góp phần thực hiện quyết tâm của tỉnh trở thành địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số trong cả nước.
Quan tâm nâng cao chất lượng tổ chức, đội ngũ cán bộ Hội, xây dựng văn hóa tổ chức Hội; chủ động đề xuất việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tạo điều kiện để cán bộ Hội được cống hiến và trưởng thành.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cần có hình thức thu hút hội viên phù hợp với các lực lượng phụ nữ của tỉnh, quan tâm đến các lực lượng đặc thù như nữ công nhân, nữ thanh niên, phụ nữ là lao động di cư từ các địa phương khác. Nghiên cứu, tiến tới thành lập và thúc đẩy hoạt động của Hội doanh nhân, nữ trí thức tỉnh Quảng Ninh.
Phát huy thế mạnh là địa phương đi đầu trong thí điểm thực hiện nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, phụ nữ Quảng Ninh cần mạnh dạn tham mưu, hiến kế, thí điểm những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó để hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của phụ nữ tỉnh nhà.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực triển khai Nghị quyết "Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế" của Ban Chấp hành Trung ương Hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương". Vận động phụ nữ nâng cao nhận thức và trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.