pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần lưu ý những gì trước khi xét nghiệm chẩn đoán xơ gan?
Xơ gan là một căn bệnh cấp tiến, khó chữa và tiến triển chậm, ngầm trong nhiều năm. Bệnh chỉ hình thành khi gan bị tổn thương liên tục kéo dài. Đó là khi các mô tế bào gan khỏe mạnh bị phá hủy dần và thay thế bằng mô sẹo, tình hình sau đó trở nên nghiêm trọng hơn, do các sẹo này ngăn chặn dòng chảy của máu qua gan.
Các mô sẹo phát triển một cách thầm lặng đến một thời điểm nào đó làm vô hiệu hóa chức năng gan. Chính vì vậy, việc thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xơ gan sớm là rất cần thiết và quan trọng.
1. Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán xơ gan
Do xơ gan ít xuất hiện triệu chứng cụ thể ở giai đoạn sớm, nên thường thì nó chỉ được phát hiện khi người bệnh xét nghiệm hoặc chẩn đoán cùng với một số căn bệnh khác.
Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán xơ gan bao gồm:
- Xét nghiệm máu: thử máu cho biết mức độ hoạt động của chức năng gan. Nếu nồng độ alanine transaminase (ALT) và aspartate transaminase (AST) cao, bệnh nhân có thể bị viêm gan.
- Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, chụp CT, hoặc MRI cho biết gan có phình to hơn mức bình thường hay không và cùng lúc phát hiện được mô sẹo/nút sần ở gan.
- Sinh thiết gan: một mẫu nhỏ của tế bào gan được chiết xuất và soi dưới kính hiển vi giúp xác nhận được gan có đang bị xơ cứng hóa và nguyên nhân gây cứng.
- Nội soi: một thiết bị y tế dạng ống nhỏ mãnh có gắn máy quay được luồng qua thực quản vào dạ dày. Cách này giúp phát hiện mạch máu sưng, một dấu hiệu nhận biết xơ gan.
2. Những lưu ý trước khi xét nghiệm chẩn đoán xơ gan
- Nên thực hiện xét nghiệm vào buổi sáng
Thời điểm tốt nhất để làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan là vào buổi sáng sớm, lúc này các kết quả thường chính xác nhất. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên để bụng trống trước khi xét nghiệm. Lưu ý bệnh nhân nên không ăn sáng sau một đêm ngủ dậy hoặc nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi xét nghiệm chức năng gan để kết quả xét nghiệm được chính xác. Nếu trước khi làm xét nghiệm mà bạn ăn sẽ có thể khiến kết quả sai lệch.
- Nhịn đói khi lấy máu
Nhịn đói lấy máu tức là lấy máu tĩnh mạch vào buổi sáng sớm chưa ăn sáng, lúc này các thành phần sinh hóa tương đối ổn định. Các chỉ số đo được có thể phản ánh khá chính xác sự thay đổi sinh hóa trong cơ thể. Nếu như lấy máu sau khi ăn, thành phần sinh hóa trong máu sẽ xuất hiện thay đổi tạm thời, các kết quả đo được không thể phản ánh đúng tình trạng cơ thể, từ đó sẽ cản trở việc đưa ra những phán đoán lâm sàng chính xác.
- Không nên dùng thuốc trước ngày lấy máu
Bên cạnh đó, một lưu ý trước khi xét nghiệm chẩn đoán xơ gan là không được sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Không nên uống thuốc cũng như thuốc điều trị lao, viêm phổi, tiểu đường, tâm thần... trước khi xét nghiệm chẩn đoán xơ gan vì điều này có thể ảnh hưởng tới kết quả kiểm tra. Những loại thuốc như kháng sinh, thuốc bổ.. cũng đều không được sử dụng vì sẽ cho ra những kết quả sai lệch.
Ngoài ra, các bệnh nhân chuẩn bị xét nghiệm chẩn đoán xơ gan cũng không được uống rượu, bia và hút thuốc lá. Không uống nước ngọt, sữa, nước hoa quả, nước chè, cà phê, trong vòng 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm máu. Những loại chất kích thích có chứa nicotin không có lợi cho sức khỏe và cần được ngưng trước khi kiểm tra ít nhất 4 giờ.
Cần thông báo cho bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc và tiền sử bệnh của bạn, mang theo các giấy tờ bảo hiểm và nên có một người thân đi cùng. Nếu như bệnh nhân đã đi khám trước đó và có các kết quả về xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như chụp X – quang, nội soi,… cần mang theo để bác sĩ xem và sẽ có phán đoán tốt nhất trong quá trình chẩn đoán bệnh.