pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần tạo điều kiện để hợp tác xã nông nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Dự thảo Luật Hợp tác xã hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Chú trọng tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực
Tại phiên góp ý, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, nhấn mạnh, hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Dù vậy, việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều hạn chế, khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực quản lý hạn chế, thiếu vốn và nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, lợi ích đem lại cho thành viên thấp, sức thu hút còn kém.
Do vậy, đại biểu Kim Anh cho rằng, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần tạo điều kiện để Hợp tác xã nông nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập, không hạn chế tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã ra bên ngoài, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp, khuyến khích hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh khi ra thị trường.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hài hòa lợi ích thành viên, lợi ích tập thể, cộng đồng nông thôn, coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa trên địa bàn. Cần có sự khuyến khích, hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, bồi dưỡng nhân lực, đặc biệt là các hợp tác xã vừa và nhỏ, chưa đủ năng lực. Cùng với đó, cần có hỗ trợ đặc thù để các hợp tác xã nông nghiệp khơi thông vốn tín dụng, tích lũy tài sản, huy động vốn nhàn rỗi phục vụ việc sản xuất kinh doanh.
Về hợp tác xã nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, góp ý, cần bổ sung điều khoản cụ thể về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp trong dự thảo Luật. Các chính sách còn dàn trải, phân tán, cào bằng, chưa nhấn mạnh đến tính đặc thù của các loại hình hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp.
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng, dự thảo Luật đã cơ bản thể hiện được chính sách giáo dục đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho hợp tác xã nhưng nội dung mới chỉ tập trung vào việc đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng kỹ năng quản lý và tay nghề. Trong quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước thì chưa cụ thể hóa việc nhà nước hỗ trợ cho hoạt động giáo dục, đào tạo này.
Đại biểu Mai Thoa đề nghị cần tiếp tục giao Liên minh Hợp tác xã tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề. Còn việc đào tạo nâng cao trình độ cần giao cho các cơ quan khác nhau đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế.
Bổ sung một số chính sách liên quan đến tiếp cận vốn
Về chính sách tiếp cận vốn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung trong dự thảo luật quy định: các ngân hàng thương mại cho Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại như các tổ chức kinh tế khác dựa trên xem xét đánh giá về năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất kinh doanh cần vay vốn; quy định về Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã được sử dụng giá trị tài sản hình thành từ quỹ chung để bảo đảm an toàn cho số vốn cần vay để đáp ứng được điều kiện có tài sản đảm bảo tiền vay tại ngân hàng thương mại.
Về chính sách bảo hiểm đối với Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, đại biểu Hồng Thanh đề nghị xem xét bổ sung quy định về cách thức và chế độ hỗ trợ Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã tham gia các quỹ bảo hiểm rủi ro đang hoạt động ở Việt Nam. Quy định về cam kết của Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên Hợp tác xã sau khi hưởng lợi các chính sách ưu đãi về tín dụng vào bảo hiểm. Cụ thể: quy định về cam kết của tất cả các thành viên Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã chia sẻ trách nhiệm bảo đảm trả nợ các khoản vay tín dụng cả vốn và lãi từ các ngân hàng thương mại và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Quy định về cam kết của tất cả các thành viên Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã về sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả các khoản vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Quy định về cam kết của tất cả thành viên Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã về tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện theo pháp luật và được hỗ trợ của nhà nước.
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận cho thấy về cơ bản các ý kiến thống nhất với hướng tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật. Bên cạnh đó, còn có ý kiến góp ý đề nghị cụ thể các chính sách về phát triển hợp tác xã theo định hướng của Đảng, cần tiếp tục bổ sung làm rõ như chính sách tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, nhân lực…
Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 3 của nhiệm kỳ khóa XV diễn ra trong 3 ngày (từ 5 đến 7/4) để cho ý kiến về 7 dự án luật: Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Phòng Thủ dân sự và Luật Đất đai (sửa đổi).