Cẩn thận với 4 bệnh truyền nhiễm dễ mắc sau mùa mưa bão

Minh Ngọc
23/09/2021 - 07:47
Cẩn thận với 4 bệnh truyền nhiễm dễ mắc sau mùa mưa bão
Sau mỗi trận bão lụt, như gần đây nhất là bão Côn Sơn, các vi sinh vật cùng rác thải sẽ tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát triển. Việc dự phòng từ sớm có thể giúp bạn và gia đình có một sức khỏe và hệ miễn dịch tốt.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng chính môi trường ẩm ướt, nước tù đọng sau trận mưa bão là điều kiện tuyệt vời để vi khuẩn, muỗi, vi sinh vật phát triển gây ra các bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh về da, bệnh đường hô hấp…

4 bệnh truyền nhiễm dễ mắc sau mưa bão

1. Bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có hàng triệu người mắc mỗi năm trên thế giới. Sốt rét do ký sinh trùng gây nên và truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ mắc sốt rét cao do khí hậu nhiệt đới nóng ẩm quanh năm, nhất là sau những trận mưa bão. Nếu điều trị sốt rét không đúng cách, bệnh sẽ nặng hơn, gây biến chứng có thể dẫn đến tử vong.

Những người bị sốt rét có dấu hiệu sốt hơn 40 độ, cơ thể nhức mỏi, thường xuyên buồn nôn và nôn mửa khiến sức khỏe của bệnh nhân ngày càng suy giảm. Do đó, khi xuất hiện trên cơ thể các dấu hiệu như: gan to, thiếu máu, xanh xao thì cần đưa người bệnh đi khám ngay. 

2. Sốt xuất huyết

Ngoài sốt rét, sốt xuất huyết cũng là căn bệnh truyền nhiễm dễ mắc sau mưa bão hay còn gọi là sốt xuất huyết dengue. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể thành dịch và bùng phát trên diện rộng. 

Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch sốt xuất huyết có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.

4 bệnh truyền nhiễm dễ mắc sau mưa bão, biết để phòng tránh kịp thời. - Ảnh 2.

Cẩn thận với 4 bệnh truyền nhiễm dễ mắc sau mùa mưa bão - Ảnh: Internet

Triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục 39-40 độ C, kéo dài từ 2-7 ngày, kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, sau nhãn cầu, đau cơ và khớp, sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban, xuất huyết dưới da kèm nôn dai dẳng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chảy máu lợi hoặc chân răng… 

3. Bệnh đường hô hấp

Mưa bão kéo dài cũng dễ làm tăng các bệnh về đường hô hấp, dễ gặp nhất ở người cao tuổi, trẻ em với các triệu chứng phổ biến như viêm họng, cảm cúm. Bệnh hô hấp ban đầu không nặng nhưng lại khiến nhiều người chủ quan không chữa trị dứt điểm nên trở thành các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi…

Ngoài ra, khi cơ thể có cảm giác khó thở tăng lên trong bất kỳ hoạt động thể lực nào như bê vác, lên cầu thang, tập thể dục là đã có bệnh từ đường hô hấp và đang ảnh hưởng dần đến các bộ phận khác như màng phổi, thực quản, cơ hoành. 

Đề phòng bệnh cần giữ ấm cơ thể khi gặp thời tiết lạnh, đối với người già và trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh hoặc miễn dịch suy yếu thì cần hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện cúm, viêm đường hô hấp. Hơn nữa, những đối tượng này cần chăm sóc đặc biệt để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng gây tử vong

4. Bệnh về da

Sau mưa bão, độ ẩm không khí cao cộng với nguồn nước nguy cơ bị ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh sẽ gây các bệnh ngoài da thường gặp như nấm ăn chân, ghẻ lở, viêm nang lông… hầu hết nguyên nhân do thiếu nước sạch sinh hoạt, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Những vết lở loét này nếu không điều trị kịp thời sẽ nhiễm trùng lan rộng hoặc lây lan ra cộng đồng rất nhanh.

Để phòng bệnh trong những ngày này, chúng ta không nên tắm gội và giặt quần áo nếu nước sinh hoạt đang bị nhiễm bẩn. Nếu không có nước giếng thì cần có dụng cụ máy lọc nước. Tránh bơi lội, tắm gội trong những vũng nước tù đọng lâu ngày. Khi di chuyển nên đeo ủng để che đôi chân tránh tiếp xúc với nước. 

Trong mưa bão người dân cũng cần đặc biệt cần chú ý các vết thương hở, không để tiếp xúc với nguồn nước bẩn sẽ dễ gây nhiễm trùng. 

Phòng tránh bệnh truyền nhiễm sau mưa bão

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, việc người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng tránh sẽ giảm thiểu được rất nhiều chi phí chữa bệnh, thời gian và nguồn nhân lực, cụ thể 

- Tăng sức để kháng cho bản thân bằng cách bổ sung thực phẩm giàu vitamin C trong thực phẩm ăn hàng ngày, không sử dụng thực phẩm tươi sống, thực phẩm có tính hàn bị lạnh bụng. Ăn chín uống sôi để đảm bảo an toàn thực phẩm. 

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước rửa tay chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn bám trên bề mặt da. Thường xuyên lau chùi đồ đạc, dọn dẹp xung quanh để tránh hít vào bụi bẩn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

4 bệnh truyền nhiễm dễ mắc sau mưa bão, biết để phòng tránh kịp thời. - Ảnh 4.

Phòng tránh các bệnh truyền nhiễm bằng việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn - Ảnh: Internet

- Làm sạch, phơi khô ráo những dụng cụ chứa nước, thau bể nước sạch sẽ.

- Phun hóa chất diệt côn trùng tại những nơi nghi ngờ có chứa vi khuẩn, côn trùng, virus gây bệnh truyền nhiễm. Tổ chức thu gom, chôn xác động vật, phát quang bụi rậm.

- Tắm rửa vệ sinh cơ thể hằng ngày và đảm bảo phương tiện bảo hộ trong khi làm việc sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.

- Mặc đầy đủ đồ bảo hộ khi làm việc, mắc màn khi ngủ … 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm