Cần Thơ: Ca tử vong vì tay chân miệng đầu tiên tính từ đầu năm 2016

16/11/2017 - 17:10
Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ vừa xác nhận ca tử vong đầu tiên trong mùa dịch tay chân miệng năm nay.

Được biết, bệnh nhân là bé T.M.T (7 tháng tuổi, ngụ tại khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Đầu tháng 11, gia đình phát hiện bé T. bị bệnh đã đưa đến bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ để khám và điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, khi thấy bệnh tiến triển nặng, gia đình hoảng hốt đưa bé đến bệnh viện Đa khoa Ô Môn kiểm tra. Dù được bác sĩ tận tình chăm sóc, nhưng bệnh của bé vẫn không thuyên giảm, gia đình lại tiếp tục đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ.

4.jpg
Một ca tay chân miệng biến chứng nặng phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực BV Cần Thơ

 

Bệnh nhi được Bệnh viện quận Ô Môn chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ điều trị tại khoa hồi sức tích cực - chống độc, với chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ IV, phải đặt nội khí quản thở máy. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu và thực hiện các phương pháp điều trị theo đúng quy trình.

Sau 3 ngày điều trị, bé diễn biến khá nên được cai máy thở, chuyển sang thở ôxy qua mũi, nhưng gia đình vẫn yêu cầu được chuyển lên tuyến trên điều trị. Sau khi chuyển lên TPHCM điều trị, bệnh tình của bé lại đột ngột trở nặng, dù các bác sĩ cố gắng cứu chữa, bé đã tử vong vào tối 8/11.

5.jpg
Tình hình dịch tay chân miệng đang diễn biến rất phức tạp tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL

 

Cơ quan y tế TP Cần Thơ đã phối hợp với địa phương tìm đến gia đình bé để chia buồn, đồng thời tiến hành các biện pháp phòng dịch lây lan ở cộng đồng. Được biết, trường hợp bé T. có nguồn lây chưa rõ ràng vì bé còn nhỏ chưa đi học, ít tiếp xúc với bên ngoài. Đây là thời điểm dịch tay chân miệng đang có những diễn biến đáng lo ngại, vì dự báo đỉnh dịch có thể xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, tại Cần Thơ đã ghi nhận 842 ca mắc tay châm miệng, tăng 47 ca so với cùng kỳ 2016.

Trong đó các quận, huyện có số ca mắc tay chân miệng cao là: Ninh Kiều 191 ca, Phong Điền 121 ca, Ô Môn 113 ca. Trường hợp bé T là ca tử vong đầu tiên vì tay chân miệng tại Cần Thơ tính từ đầu năm 2016 đến giờ.

Tại các tỉnh lân cận, bệnh tay chân miệng đang cao đỉnh điểm, Đồng Tháp trên 5.600 ca (tăng trên 90%), Cà Mau trên 1.800 ca (tăng 100%), Trà Vinh gần 1.700 ca, Vĩnh Long và An Giang mỗi tỉnh ghi nhận khoảng 2.000 ca... Theo trung tâm y tế dự phòng các địa phương, số ca bệnh tăng cao và nhiều trường hợp dấu hiệu không rõ ràng nên khó khăn trong việc nhận biết để điều trị sớm.

2.png
các dấu hiện nhận biết bệnh tay chân miệng

  

Theo giới chuyên môn, bệnh tay chân miệng do 2 loại virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây nên, khi mắc bệnh, bé sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Bệnh lây lan rất nhanh và chủ yếu qua đường tiêu hóa. Vì thế, khi trẻ bị mắc bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Thông thường, khi trẻ nhiễm bệnh, chân, tay, miệng sẽ bắt đầu xuất hiện các mụn nước, khoảng 7-10 ngày, các mụn nước sẽ khô lại và đóng vảy. Với trẻ mắc bệnh, phụ huynh vẫn nên tắm gội cho con bình thường để đảm bảo vệ sinh, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp với thể trạng của bé. Đồng thời, nên cách ly trẻ với những bé khác để tránh lây nhiễm, nếu bé đang đi học, bố mẹ nên cho bé nghỉ ở nhà để chăm sóc tốt hơn. Phụ huynh cần theo dõi sát sao diễn biến bệnh, nếu bé có biểu hiện bất thường thì phải đưa đến cơ sở y tế kiểm tra và điều trị ngay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm