Cần Thơ vận động phụ nữ các dân tộc tham gia hoạt động xã hội

Đinh Thu Hiền
27/05/2025 - 16:33
Cần Thơ vận động phụ nữ các dân tộc tham gia hoạt động xã hội

Hội LHPN huyện và Hội Phụ nữ công an huyện Cờ Đỏ tặng quà cho học sinh dân tộc thời điểm khai giảng năm học

Hội LHPN TP Cần Thơ đã tích cực triển khai việc vận động phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các phong trào hoạt động xã hội, khiến chị em có thêm sự phong phú trong đời sống tinh thần và tiếp cận nhiều cơ hội tìm kiếm phát triển kinh tế.

Tạo ra nhiều hoạt động thu hút chị em phụ nữ dân tộc tham gia 

"Chúng tôi đã tạo ra nhiều hoạt động, trong đó vận động các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia, để họ thêm nâng cao nhận thức xã hội. Đó chính là các buổi hội thảo, diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số về vai trò trong gia đình và xã hội. Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nhằm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt truyền thông về quyền của phụ nữ, bình đẳng giới, luật hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em. Chị em dân tộc cùng tham gia học tập các kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi, dạy con tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe sinh sản", chị Lê Thị Thuý Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết.

Theo chị Lê Thị Thuý Hằng, nhờ tham gia các hoạt động này mà các chị em dân tộc thiểu sổ được đẩy nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, thúc đẩy quyền, tạo điều kiện cho họ vươn lên, khẳng định vai trò của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Cần Thơ vận động phụ nữ các dân tộc tham gia hoạt động xã hội- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thu Lam (áo xanh), Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, trao thưởng cho các mô hình Dự án 8

Các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn thành phố này đã phối hợp với nhiều ban ngành, đoàn thể cùng cấp tạo điều kiện giúp đỡ đồng bào dân tộc Khmer tổ chức các hoạt động đón Tết cổ truyền Chol-Chnam-Thmay, Lễ Sen Dolta theo đúng quy định, thật sự ý nghĩa, vui tươi, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm. Chính vì cùng tham gia các sự kiện văn hoá này, mà chị em phụ nữ dân tộc Khmer trên địa bàn tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc mình, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến dân tộc.

Chị Lê Thị Thuý Hằng cho biết, phụ nữ Khmer cũng được vận động tham gia và thực hiện tốt nhiều cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Trung ương Hội. Như phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Cần Thơ thời đại mới - năng động sáng tạo, khỏe mạnh, nghĩa tình, yêu gia đình, yêu quê hương đất nước" của Hội LHPN thành phố Cần Thơ. Như cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" và "Gia đình 5 có, 3 sạch" góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ người dân tộc thiểu số. Như tuyên truyền về "Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang".

"Ngoài ra, bà con dân tộc Khmer còn tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc và tăng cường giao lưu cộng đồng. Chị em được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức sản xuất, nghề truyền thống, hỗ trợ phụ nữ dân tộc vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp thông qua ngồn vốn ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế", chị Lê Thị Thuý Hằng đưa thông tin.

Hội LHPN TP Cần Thơ cũng đã tổ chức 4 cuộc Hội thảo, diễn đàn, truyền thông, hỗ trợ 6 nội dung ứng dụng khoa học công nghệ. Chị em được chia sẻ kinh nghiệm phụ nữ dân tộc tự tin phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các ý tưởng hướng nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ trong thời kỳ mới cũng khiến các chị em Khmer hào hứng tham gia. Các cán bộ Hội tổ chức truyền thông phòng chống mua bán người và diễn đàn phụ nữ với pháp luật. Và bà con cũng rất nhiệu tình tham gia Hội thảo chia sẻ mô hình hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân mua bán người.

Khó khăn và hạn chế

Theo đại diện Hội LHPN TP Cần Thơ, tâm tư, tinh thần của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố ổn định, tin tưởng vào chính quyền thông qua việc địa phương thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào. Các chị em là người dân tộc là hội viên luôn tích cực tham gia phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn của Hội; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các tôn giáo để chống phá cách mạng. Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mặc dù vậy, các chị em phụ nữ dân tộc tại Cần Thơ vẫn đối mặt với một số thách thức như bất bình đẳng giới, thiếu cơ hội việc làm và khó khăn trong việc duy trì truyền thống trong môi trường đô thị. Tuy nhiên, họ luôn nuôi dưỡng hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn, nơi mà bản sắc văn hoá được tôn trọng và phát triển, và phụ nữ có thể đóng góp vào sự phát triển chung với cộng đồng.

Cần Thơ vận động phụ nữ các dân tộc tham gia hoạt động xã hội- Ảnh 2.

Các chị em hội viên người dân tộc Khmer tham gia hoạt động quết cớm dẹp tại Tết quân dân mừng lễ hội Chôl Chnăm Thmây

Trong quá trình đi vận động chị em phụ nữ dân tộc tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ cũng có gặp khó khăn, hạn chế. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống và quản lý hội viên, phụ nữ dân tộc từng lúc chưa được chặt chẽ. Cán bộ ở các địa bàn có đông phụ nữ dân tộc hạn chế về ngôn ngữ nên việc tiếp cận khi có vấn đề phát sinh còn khó khăn. Ngoài ra, sự đổi mới về nội dung, phương thức công tác vận động hội viên, phụ nữ dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra.

Về phía các chị em dân tộc thiểu số tại Cần Thơ, chủ yếu là dân tộc Khmer, cũng gặp 1 số khó khăn khi tham gia vào phong trào hoạt động xã hội. Chị em khó thấu hiểu rõ ràng về ngôn ngữ tiếng Việt. Một số phong tục, quan niệm truyền thống có thể khiến chị em ngại thay đổi, khó tiếp cận cái mới. Chính vì quan điểm trọng nam khinh nữ vẫn còn nên phụ nữ dân tộc còn ngại tham gia các hoạt động xã hội. Vì trình độ, nhận thức học vấn thấp nên còn hạn chế việc tiếp nhận thông tin cũng như hiểu biết về quyền lợi của mình. Các chị em Khmer cũng dễ bị tác động bởi tin đồn, thông tin sai lệch dẫn đến sự e ngại khi tham gia các hoạt động cộng đồng. Ngoài ra, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên họ chỉ tập trung vào mưu sinh chứ chưa để tâm nhiều tới các hoạt động xã hội khác.

Dù vậy, Hội LHPN TP Cần Thơ cũng đã vận động được các chị em Khmer tham gia CLB "Phụ nữ với pháp luật", "Phụ nữ khởi nghiệp", "Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường". Ngoài ra chị em đồng bào còn tham gia các mô hình "Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ Dân tộc phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc" phường Xuân Khánh, Quận Ninh Kiều; mô hình "Đan thảm vải" phường Thới An Đông, quận Bình Thủy; "Hỗ trợ phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế"; "Vận động phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế hộ gia đình" phường Châu Văn Liêm, Trường Lạc quận Ô Môn; "Mô hình đan đát" tại thị trấn Cờ Đỏ, "Làm cơm rượu" xã Trung Thạnh của huyện Cờ Đỏ...

"Hiện nay Hội LHPN TP Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả mô hình "Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với ý thức phát triển kinh tế hộ gia đình" tại xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, Trong năm 2024, tại địa phương đã thành lập 4 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi"5 tổ truyền thông cộng đồng", chị Lê Thị Thuý Hằng cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm