pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cẩn trọng trước những lời mời gọi mua đất lập làng, lập "cộng đồng thiện lành"

Những hình ảnh mời gọi mua đất lập làng được thực hiện bằng AI, không có thật trên thực tế
Mời gọi hợp tác lập làng để "cùng nhau tu thiền"
Một số thành viên tham gia nhóm mang tên "Bỏ phố về biển" phản ánh việc trong khoảng thời gian 2 năm qua, một cá nhân mang tên P.P đã có nhiều bài viết giới thiệu và mời gọi tham gia một "ngôi làng", về "dự án" mang tên "H.Z.F". Trên trang cá nhân và trong các bài viết, người này đưa ra các thông tin để cộng đồng thấy mình là một nhà khởi nghiệp, một... thiền sư, đang xúc tiến thực hiện các "làng" ở nhiều nơi. Cá nhân này đưa ra các thông tin rằng đã có 1 "làng", 1 dự án nằm tại khu vực Bình Châu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ).
Ai muốn trở thành thành viên của làng, cùng xây dựng một "cộng đồng thiện lành", cùng nhau tu thiền thì sẽ bỏ những mức tiền khác nhau và sở hữu những diện tích đất khác nhau nằm trong làng. Cá nhân ông P. sẽ là "già làng", đưa ra những lời cam kết sẽ chịu trách nhiệm về pháp lý để lập làng, chịu trách nhiệm pháp lý cho các lô đất.
Theo phản ánh, các bài viết của cá nhân này đã gây vô số ý kiến tranh luận. Cộng đồng đã lập tức nhận ra người đàn ông đang lập làng này là nhân vật chính trong bộ ảnh nude tai tiếng rất nhiều năm trước. Các thành viên đặt ra nghi vấn khi nhiều hình ảnh những ngôi nhà gỗ trong làng mà người đàn ông này đưa ra là rất "ảo". Nhiều người đã thử kiểm tra nhưng không hề có thông tin xác thực về việc những dự án mà ông này khoe đã thực hiện tại các địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, từ đó cho rằng đây là những "dự án lùa gà". Khu vực có dự án mà ông P. đưa ra nằm tại rừng Quốc gia Bình Châu, đất tại đây là đất rừng đặc dụng.

Những lời mời gọi "mua đất lập làng", cùng nhau xây dựng 1 cộng đồng thiện lành, tu thiền dễ đánh vào cảm xúc
Chị Nguyễn Thúy Kiều Diễm (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Vào năm 2022, sau khi thấy được các thông tin mà ông P. đưa lên, tôi đã trót tin vào dự án lập làng mà người này vẽ ra. Tôi có chuyển khoản tiền để trở thành cư dân của làng, có giấy cọc tiền, có chuyển khoản sao kê nhưng hợp đồng ông P. gửi thì tôi không ký, vì đây là hợp đồng hợp tác kinh doanh chứ không phải mua bán và quá bất lợi cho người tham gia. Tôi muốn lấy lại tiền nhưng đến hiện tại chưa lấy lại được, ông ta nói rằng tôi làm ảnh hưởng đến cộng đồng, chặn hết các liên lạc và tôi thấy mình đang bị lừa đảo".
Một cá nhân khác là chị M.H (TP Hồ Chí Minh) cũng đã đưa ra các thông tin việc chị đã tin, đã bỏ ra số tiền 550 triệu đồng để có thể sở hữu 1.000m2 đất, quyền sử dụng 50 năm tại "dự án làng thiền" này chỉ với 1 hợp đồng ký tay quá nhiều bất lợi. Khi đến tận nơi xem, chị H. thấy dự án "làng" chỉ là khu đất, chưa được thiết lập cơ sở hạ tầng gì, các hình ảnh đã được đưa lên chỉ là hình ảnh cắt ghép. Chị được yêu cầu "đóng thêm tiền xây dựng cơ bản". Sau khi chất vấn về tính pháp lý của dự án, thấy không đáng tin, chị H. đã nhờ sang nhượng lại suất vào làng của mình nhưng đã "bị đuổi khỏi cộng đồng". Cái gọi là "cộng đồng làng" này mới chỉ có trên Zalo chứ chưa có trên thực tế. Chị H. đã làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng.
Cẩn trọng với các dự án lập làng, lập cộng đồng
Chị Huyền Trang (Hà Nội) phản ánh việc gần đây có một "nữ nhà văn" cũng đang rao bán các lô đất trên mạng xã hội: "Cô G này vốn được gắn mác nhà văn mạng, tôi thấy có nhiều tai tiếng và có lượng người theo dõi khá đông. Tôi thấy nữ nhà văn này đang rao bán các lô đất nằm tại các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, với lời mời gọi cùng nhau mua đất để trồng cây, dựng nhà vườn, cùng nhau xây dựng cộng đồng thân thiện, xóm làng văn minh, cùng an cư, cùng đầu tư sinh lời". Chị Trang có nhiều băn khoăn: "Cô này quảng bá trên trang cá nhân có 38 lô đất là liền kề đẹp, pháp lý rõ ràng. Tuy nhiên, với mức giá khoảng 100 triệu đồng cho lô đất diện tịch 500m2 thì cô này có nói rằng đây không phải đất thổ cư, nhưng có thể đóng phí lên thổ cư chỉ trong phút mốt?!".
Anh Trần Trung (Hà Nội) cho biết vợ mình gần đây cứ nhất quyết đòi mua 1 mảnh đất ở Lâm Đồng thông qua các thông tin trên mạng: "Vợ tôi nói rằng 1 người bạn đã mua, giá chỉ 200 triệu đồng cho lô đất 500 m2, thực tế là 1 hình thức đầu tư chung, 1 cá nhân mua khu đất to và chia lại cho nhiều người khác nhưng không có hợp đồng mua bán rõ ràng. Người bán đất hứa hẹn có thể dựng nhà dạng nhà gỗ, nhà tạm hoặc sau này lên được thổ cư. Vợ tôi nói rằng không mua được to thì mua nhỏ, nếu cứ sợ, cứ còn lăn tăn phải pháp lý chuẩn thì làm sao mua được, 2 vợ chồng tôi đã mâu thuẫn vì việc này".
Anh Trung cho biết đã phải nhờ 1 người bạn ở địa phương cặm cụi tìm đến tận nơi: "Bạn tôi cho biết khu vực này nằm ở nơi heo hút, chưa có cơ sở hạ tầng, điện nước chưa có, đường đi vào chỉ là lối mòn nhỏ. Các khu đất đều là đất nông nghiệp, rất khó chuyển đổi, người dân ở đó nói rằng việc mua bán rất hỗn loạn. Vợ tôi còn chưa từng đặt chân đến chỗ đất này, không biết đất cát ra làm sao nhưng trên mạng thì người rao bán vẽ ra rất nhiều điều long lanh, hấp dẫn nên đã vội tin theo".

Trên thực tế, việc xin cấp phép xây dựng công trình trên đất không phải đất ở, việc chuyển đổi đất sang đất ở là không hề đơn giản, cần tuần thủ các quy định pháp lý chặt chẽ, dựa trên quy hoạch. Các hình ảnh về những ngôi nhà trên đất rừng này đều rất "ảo", chỉ là hình ảnh minh họa
Anh Nguyễn Thắng - một nhà đầu tư đất nền lâu năm, nhiều kinh nghiệm - nêu ý kiến: "Việc một cá nhân mua đất rồi phân lô thì đã có từ lâu trên thị trường. Hình thức lợi dụng tách thửa để phân lô đất nông nghiệp rồi mua bán, việc mua bán chuyển nhượng đất rừng hiện đã bị cơ quan quản lý xiết chặt, chỉ có thể thực hiện được đúng theo luật đã quy định. Một số tỉnh như Lâm Đồng đã xiết chặt việc phân lô bán nền đất ở, đất thổ cư sau khi tình trạng này tràn lan, quá nóng. Theo tôi, người mua đất, nhà đầu tư cần thật cẩn trọng trước những kiểu mời gọi mới như cùng mua đất lập làng, cùng hợp tác lập thành cộng đồng. Việc mua bán đất đai, bất động sản nếu chỉ tin theo những lời mời gọi trên mạng, tin theo lời hứa, dựa vào cảm xúc nhất thời mà không xem xét kĩ thì rất dễ dẫn đến tiền mất tật mang, nhất là các chị em phụ nữ".
Luật sư, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho biết: "Việc thực hiện một dự án về bất động sản là không hề đơn giản, cần rất nhiều thủ tục pháp lý. Cá nhân có thể chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, phần đất nông nghiệp, lâm nghiệp có thể chuyển đổi lên thổ cư hay không thì còn phải tùy thuộc theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thông tin về dự án bất động sản, thông tin quy hoạch luôn được công khai, minh bạch, có thể dễ dàng kiểm tra tại cổng thông tin của Sở Xây dựng hoặc ngay tại cấp xã. Theo tôi, các cá nhân khi mua bán, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, tiến hành góp vốn, mua chung bất động sản thì luôn cần tham khảo thật kỹ, nắm thật chắc thông tin, khi tiến hành ký kết hợp đồng phải thật rõ ràng, chắc chắn, đúng quy định pháp luật thì mới đảm bảo quyền lợi của mình".