pnvnonline@phunuvietnam.vn
Càng học được cách sống này, cuộc đời sẽ càng có phúc
Cuộc đời như một giấc mộng dài, khi tỉnh dậy, mọi thứ đều tan thành mây khói. Không ai trong chúng ta biết giấc mơ này sẽ tỉnh khi nào nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm cho giấc mơ này tốt hơn một chút.
Cuộc sống vội vã, trước khi bạn có thời gian để thưởng thức nó, có thể bạn đã già. Bởi vậy, thay vì luôn lo lắng về những ngày tháng già đi, hãy thư giãn, sống chậm lại và cố gắng tận hưởng cuộc sống trong từng khoảnh khắc .
Khi sống chậm lại, bạn sẽ suy nghĩ được nhiều hơn về nhu cầu thực sự của mình và không bị người khác làm phân tâm. Bạn sẽ thấy những ham muốn của mình không còn nhiều như trước, về gần hơn với con người thật bên trong mình, thấy lòng than thản và an tĩnh hơn. Càng học được cách sống chậm lại, cuộc đời sẽ càng có phúc.
1. Chậm lại để cảm nhận mọi thứ rõ nét hơn
Khi còn trẻ, nhịp sống quá nhanh dễ khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài ngày này qua ngày khác. Dường như luôn có điều gì đó cuốn bạn đi, như ai đó vẫn đùa trong sự chua chát "thời gian thở còn không có".
Càng có tuổi, bạn sẽ càng thấm ý nghĩa sâu sắc của 3 chữ “sống chậm lại”. Cuộc đời này có quá nhiều thứ quý hiếm, thứ đẹp đẽ mà chúng ta hằng mong có được, ước ao sở hữu. Tuy nhiên, làm chậm nhịp sống của bạn lại và tĩnh tâm hơn, bạn sẽ thấy mọi thứ đơn giản hơn nhiều những gì mình vẫn nghĩ. Bạn tưởng chừng mất đi nhiều thú vui hưởng thụ vật chất nhưng thật ra là về gần với chính con người mình. Hãy để bản thân được sống trong từng khoảnh khắc, thưởng thức cuộc sống một cách chậm rãi và cảm nhận được nhiều hơn niềm hạnh phúc trong đó.
Bạn càng sống chậm, bạn càng dễ cảm thấy hạnh phúc. Hãy giảm bớt cảm giác nặng nề và từ từ học cách làm phép trừ. Khi tâm trí của mình tĩnh lại, bạn sẽ khám phá ra nhiều hơn những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày. Từ từ và chậm rãi, bạn ngày càng hiểu về cuộc sống hơn.
2. Khi hòa đồng với mọi người, hãy sống chậm lại
Càng có tuổi, bạn sẽ càng nhận ra rằng sự tương tác giữa con người với nhau không chỉ là công cụ xua đuổi nỗi cô đơn mà còn là gánh nặng. Trong thế giới này, mọi người đều phòng thủ và có bản năng tìm kiếm lợi ích, tránh bất lợi cho mình. Không phải cứ trao đi là được nhận lại, không phải chân thành đến với người khác thì người khác sẽ chân thành với mình.
Trên con đường trưởng thành, không cần phải cố bước vào những vòng kết nối của người khác, hãy giảm bớt những vòng kết nối xã hội không cần thiết. Thời gian và năng lượng của mỗi người là có hạn. Đối với các tương tác xã hội chất lượng thấp, bạn thực sự không cần phải tiếp tục duy trì. Nếu ai đó không chân thành bước vào thế giới của bạn, bạn không cần phải chào đón họ bằng cảm xúc giả tạo. Thay vào đó, hãy giữ năng lượng đó cho mình và làm những gì bạn yêu thích. Tất cả những mối quan hệ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đừng bận tâm!
Hãy hợp lý hóa vòng kết nối bạn bè của bạn, sắp xếp hợp lý và kết thân với những người có cùng chí hướng. Hãy hòa đồng với mọi người nhưng đừng vội vàng xây dựng một tình bạn sâu sắc, càng đừng quá hám danh lợi. Đừng dễ dàng dốc hết lòng mình với mọi người bởi đối phương có thể không đồng cảm với những gì bạn đã trải qua.
Sống chậm lại, học cách tập trung vào bản thân và dành nhiều năng lượng hơn để tập trung hơn cho cuộc sống của chính mình.
3. Kiếm tiền "chậm lại"
Hãy học cách kiếm tiền "chậm lại" và đừng tiêu xài quá đà.
Triết học gia Arthur Schopenhauer từng nói: “Sai lầm lớn nhất của con người chính là đánh đổi sức khỏe để lấy những thứ khác bên ngoài cơ thể”.
Trong mắt nhiều người, kiếm tiền là điều quan trọng nhất của cuộc đời. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của đồng tiền khi nó có thể giúp chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề hơn, mở ra nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống. Tuy nhiên, sau này khi nhìn lại, bạn sẽ hối hận vì những đêm tăng ca triền miên. Sức khỏe đi xuống, dù bạn kiếm được bao nhiêu tiền vẫn là hại hơn lợi.
Bước đến bệnh viện một lần, bạn sẽ thấy rõ hơn giá trị của sức khỏe. Bao nhiêu tiền tiết kiệm cũng không thể đổi lại được sức khỏe cho mình. Vậy mới nói, hãy học cách "chậm lại" và yêu thương cơ thể của mình hơn, đừng mù quáng đánh đổi sức khỏe chỉ để kiếm tiền.
Công danh, tài lộc đều chỉ là phù du, khi nằm trên giường bệnh không tiền bạc nào có thể đổi lại sức khỏe. Trên đường đời, hãy học cách tử tế với bản thân và trân trọng cuộc sống của mình.
Sống chậm là khi con người ta tìm kiếm sự tĩnh lặng bên trong mình, để bình tĩnh và cảm nhận mọi thứ rõ nét hơn. Từ từ điều chỉnh tâm lý, tìm nhịp sống phù hợp với mình, bạn sẽ có cuộc sống thoải mái nhất.
Sống chậm lại để tận hưởng cuộc đời và cảm nhận nhiều hơn về niềm hạnh phúc. Cuộc sống vốn không dễ dàng, hãy quan tâm đến bản thân hơn, dành cho mình nhiều khoảng lặng hơn để nhìn ngắm và cảm nhận mọi thứ xung quanh, bạn sẽ thấy tâm trạng dần tốt lên, sống một đời không hối tiếc.