Năm học 2017-2018, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp THCS, chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500 học sinh, số còn lại sẽ phải học các trường ngoài công lập, Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Ngày 9/6 tới, thành phố sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT với 2 môn thi ngữ văn và toán theo hình thức tự luận.
Thời điểm này, học sinh lẫn phụ huynh đang cấp tập “chạy nước rút”. Trần Hoàng Nhung (học sinh Q.Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, từ sau Tết, những môn học năng khiếu của em (thanh nhạc, bơi lội) đều phải tạm dừng để tập trung cho việc ôn thi.
“Ngoài giờ học chính, mỗi tuần em phải tăng tốc 3 buổi ôn toán và 3 buổi ôn ngữ văn tại nhà cô giáo. Nhiều hôm 10 giờ đêm mới về đến nhà, mệt rã người, nhưng vẫn phải bò ra học bởi mục tiêu của em là phải vào được trường THPT Chu Văn An”- Hoàng Nhung tâm sự.
Theo tìm hiểu của Hoàng Nhung, học sinh muốn có “vé” vào được các trường THPT top đầu của Hà Nội phải đạt ít nhất 8 điểm/môn trở lên trong kỳ thi tuyển sinh và không có năm nào ở cấp THCS xếp loại học sinh khá trở xuống. Vì thế, ngoài chuyện lo đi học thêm, học sinh còn phải nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu học sinh giỏi để tính điểm xét tuyển, hoặc thi nghề đạt loại tốt để được cộng điểm.
Học sinh Hà Nội đang trong giai đoạn "nước rút" ôn thi vào lớp 10. Ảnh: D.H |
Chị Đặng Thị Huệ (Chung cư Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội) có con trai năm nay vào lớp 10, tỏ ra lo lắng và mệt mỏi khi nhắc đến việc học của con. Tối nào, con chị cũng ôn bài đến quá nửa đêm. Việc ăn, ngủ của con thất thường, cùng với đó là tâm trạng lo âu khiến cả gia đình chị lúc nào cũng “căng như dây đàn”.
“Tôi nói với con, nếu không đủ điểm vào công lập thì học trường dân lập cũng được, bố mẹ cố gắng thêm một chút vẫn đủ cho con học tư thục. Thế nhưng trong tâm trí của cháu, mục tiêu đầu tiên và duy nhất là phải vào được trường THPT Hà Nội - Amsterdam”.
Theo chị Huệ, dù nhiều đồng nghiệp “cảnh báo” trước về “cuộc đua” căng thẳng này, song chị không lường trước được những lo lắng và áp lực tâm lý mà con trai chị đang gặp phải. Việc học được ưu tiên số 1, nhu cầu giao lưu với bạn bè cũng giảm đi, con trở nên lầm lỳ và dễ cáu gắt khiến chị hoang mang cao độ, chỉ sợ con "lăn đùng" ra ốm bất cứ lúc nào.
Nhiều phụ huynh còn lo lắng hơn cả con, nghe ở đâu có thầy cô giáo dạy giỏi, “mát tay” liền tìm đến xin học cho con. Một giáo viên của trường THCS Giảng Võ chuyên luyện thi vào lớp 10 môn Toán, chia sẻ, vì số trò xin học đông nên chỉ em nào qua được bài kiểm tra mới được thầy tiếp nhận vào học.
“Chính vì bố mẹ kỳ vọng lớn ở con nên nhiều em sau khi theo học nâng cao tại đây đã bỏ ngang do lực học không “kham” nổi các kiến thức nâng cao. Tôi cũng khuyên em nên thôi học để nhường chỗ cho các bạn học lực khá hơn”- giáo viên này cho biết.
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi (Sở GD&ĐT Hà Nội): Bố mẹ cần dựa vào thực lực của con để định hướng chọn trường, tránh gây áp lực không đáng có lên con. Việc đăng ký chọn trường THPT nào là nguyện vọng số 1 cũng rất quan trọng. Nếu chọn sai, học sinh không đỗ nguyện vọng 1, khi xét tuyển nguyện vọng 2 sẽ phải cộng thêm ít nhất 2 điểm nữa so với những học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường đó. Những năm trước đã không ít trường hợp học sinh trượt cả hai nguyện vọng vì lựa chọn nhầm trường so với lực học của mình. |