Cảnh báo mưa to đến rất to khi bão số 2 suy yếu

04/07/2019 - 10:06
8h sáng nay (4/7), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp, nghe các bộ, ban ngành, các địa phương báo cáo về thiệt hại do bão số 2 gây ra cũng như công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão.
ban_chi_dao_vqrp.jpg
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiến hành phiên họp sáng 4/7. Nguồn ảnh: vov

 

Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2 đã khiến 1 phần cầu Yên Hòa tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia bị sập, làm 2 người chết, 2 người bị thương khi tham gia giao thông vào đêm qua, rạng sáng nay (4/7).

Báo Thanh Hóa thông tin: Vào thời điểm bão về, do mưa lớn, nước thoát không kịp đã gây sạt lở nghiêm trọng mặt đường 513 tại đầu cầu Yên Hòa thuộc địa phận xã Hải Hà. Do trời tối, đã có 5 nạn nhân đi trên 3 xe máy lao xuống điểm sạt lở. Hậu quả, khiến anh Nguyễn Như Thắng, sinh năm 1973 và vợ là Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1973, đều trú tại xã Hải Thượng, tử vong tại chỗ. Thông tin ban đầu cho biết, 2 vợ chồng nạn nhân sang Nghệ An lấy hàng về bán, do trời tối, mưa lớn, cộng với điểm sạt lở cắt ngang mặt đường khiến 2 nạn nhân lao xuống và tử vong. Ngoài ra, vụ sạt lở còn khiến 3 nạn nhân khác là ông Đặng Bá Hậu, sinh năm 1966 ở xã Hải Hà; ông Nguyễn Bá Khải, sinh năm 1966 và bà Nguyễn Thị Bảy, sinh năm 1970 đều ở xã Nghi Sơn bị thương.

bao-so-2.jpg
Hiện trường vụ tai nạn khiến 2 vợ chồng tử vong. Nguồn ảnh: Báo Thanh Hóa

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, khoảng 4h30-5h00 sáng 4/7, bão số 2 đã đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định.

Do ảnh hưởng của bão số 2 đổ bộ nên ở Cát Hải và Hòn Dáu (Hải Phòng) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to.

Hồi 5 giờ ngày 4/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Hải Phòng-Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (50-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.

Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) trong sáng sớm nay còn có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.

Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3. 

vov_bao_so_2_hai-phong1.jpg
Bão đổ bộ vào Hải Phòng. Nguồn ảnh: vov

 

Dự báo mưa: Trong ngày hôm nay (4/7), ở Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/12 giờ, có nơi trên 100mm/12 giờ); từ đêm nay mưa giảm.

Trong ngày và đêm nay, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 50-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ).

Khu vực Hà Nội: Có mưa vừa đến mưa to và dông. Trong mưa dông có gió giật mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp ứng phó với bão số 2 diễn ra sáng 3/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh bị ảnh hưởng của bão tăng cường hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, duy trì liên lạc, sẵn sàng xử lý sự cố; kiên quyết kêu gọi tàu ven bờ, tàu du lịch đặc biệt là tàu vãng lai vào bờ; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến và sơ tán người ở các lồng bè, chòi canh ven biển.

Nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn hệ thống đê trong phòng chống bão lũ, trọng tâm là các tuyến đê xuống cấp và đang sửa chữa, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố cần kiểm tra, kiếm soát tốt đối với các công trình này, đặc biệt lưu ý đến quai đê tại tỉnh Thái Bình. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng phải được kiểm tra, rà soát; việc vận hành hệ thống cống, hệ thống trạm bơm tiêu úng cần linh hoạt nhằm chủ động ứng phó.     

Đối với khu vực đất liền, miền núi cần thông tin kịp thời diễn biến của bão đến người dân, rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, đường bị ngập; sẵn sàng phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm