pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cảnh giác thủ đoạn giả mạo cơ quan công an hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo
Một số Fanpage mạo danh Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đăng tải thông tin hỗ trợ người dân lấy lại tiền bị lừa đảo.
Những ngày vừa qua, trên các nền tảng mạng xã hội đặc biệt là Facebook liên tục xuất hiện các bài đăng với nội dung hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo. Đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi khiến người dân rất dễ "sập bẫy", đặc biệt những người từng bị lừa tiền, nôn nóng muốn lấy lại sẽ dễ bị lừa thêm lần nữa.
Theo đó, đánh vào tâm lý các nạn nhân đang muốn lấy lại tiền bị lừa đảo một cách nhanh nhất, các đối tượng xấu đã tạo lập các Fanpage giả mạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ, như: "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo", "thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử", "thu hồi tiền treo không cần cọc"..., với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.
Để tăng mức độ uy tín, các đối tượng còn sử dụng hàng loạt tài khoản ảo để bình luận với nội dung cảm ơn đơn vị Công an đã hỗ trợ người dân lấy lại tiền nhằm dụ dỗ, tạo lòng tin từ đó thực hiện các thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Đồng thời, chúng còn sử dụng tính năng chạy quảng cáo để các video, bài viết này thường xuyên xuất hiện khi người dân truy cập mạng xã hội nhằm thu hút người theo dõi, tương tác.
Chính vì vậy, thay vì đến cơ quan Công an trình báo, nạn nhân lại lựa chọn liên hệ các Fanpage giả mạo này để nhận được sự giúp đỡ. Khi người dân chủ động liên hệ, các đối tượng sẽ yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân và thông tin về vụ việc đã bị lừa đảo; cài đặt, tải các ứng dụng khác, như: Zalo, Telegram… để tiện liên hệ và yêu cầu người dân chuyển tiền để làm thủ tục, hồ sơ.
Lúc này, các đối tượng sẽ dẫn dụ nạn nhân đóng các khoản phí để được hỗ trợ hoặc hướng lái nạn nhân nạp thêm tiền vào để rút được tiền bị treo trên hệ thống. Sau đó, các đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau để nạn nhân không rút được tiền. Như vậy, nạn nhân lại tiếp tục bị "sập bẫy" lần thứ hai.
Mặc dù thủ đoạn không mới, các cơ quan chức năng liên tục phát đi các cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người nhẹ dạ cả tin để tiếp tục bị lừa đảo và mất tiền. Thậm chí, chúng còn sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, văn bản để tạo ra các tài liệu giả để người dân tin tưởng về việc hồ sơ của mình đã được tiếp nhận, xử lý. Sau đó, chúng sẽ lấy nhiều lý do, như cần thêm tiền để hồ sơ được xét duyệt, hồ sơ thiếu thông tin, lỗi hệ thống để yêu cầu người dân tiếp tục chuyển khoản với số tiền lớn hơn nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trước tình trạng trên, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân, nhất là các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng nêu trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.
Hiện, Cơ quan Công an và các đơn vị liên quan không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.
Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên cập nhật các tin tức, bài đăng cảnh báo lừa đảo từ các trang thông tin chính thống để tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Tuyệt đối không được thực hiện giao dịch chuyển tiền trên mạng xã hội khi chưa tìm hiểu kỹ và xác minh danh tính của người có liên quan. Khi nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo và được hỗ trợ.