pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cao Bằng: Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cỏ ngọt

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng khảo sát, nắm tình hình canh tác cây cổ ngọt trên địa bàn
Cỏ ngọt Stevia có tên khoa học là Stevia Rebaudiana, thường được sử dụng trong thực phẩm và dược phẩm mà người bị bệnh tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp dùng rất tốt. Từ lâu trong y học cổ truyền, cây cỏ ngọt được sử dụng làm trà thảo dược. Loại cây này được đưa vào trồng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, trong đó có tỉnh Cao Bằng. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Cao Bằng, nên cây cỏ ngọt phát triển khá tốt, đảm bảo năng suất và ít sâu bệnh, không cần đầu tư quá lớn về phân bón, thuốc hóa học như một số loại cây trồng khác.
Hợp tác xã Thảo Đường Minh, ở xã Thạch An là đơn vị phát triển canh tác cây cỏ ngọt khá lớn ở tỉnh Cao Bằng, từ cuối năm 2023, đơn vị này đầu tư xây dựng mô hình trồng cỏ ngọt theo hướng hữu cơ. Đây là loại cây thích hợp với chân ruộng cao, đất cát pha, dễ trồng, ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc, vốn đầu tư thấp nhưng có thể thu hoạch quanh năm. Tùy điều kiện thời tiết, cây cỏ ngọt sau khi trồng từ 50 - 60 ngày, cây cao từ 8 - 10 cm có thể cắt thu hoạch lứa đầu tiên và tiếp tục chăm sóc, mỗi năm thu hoạch được 6 lứa cỏ ngọt. Cây cỏ ngọt cho thu hoạch được từ 3 - 4 năm.
Sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm và phát triển diện tích, đến nay Hợp tác xã Thảo Đường Vinh đã trồng gần 9 ha cây cỏ ngọt, trong đó, 6 ha đã cho thu hoạch. Năm 2024, sản lượng đạt 15 tấn cỏ khô, dự kiến năm 2025 sản lượng có thể đạt 50 tấn. Nhu cầu về cỏ ngọt của thị trường rất lớn, toàn bộ số lượng cỏ ngọt khô của Hợp tác xã sản xuất đến đâu được tiêu thụ đến đó, đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ mang lại thu nhập cho Hợp tác xã, cây cỏ ngọt còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động nông thôn, với thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hái, phơi sấy, đều có thể huy động lao động tại chỗ.

Mô hình trồng cỏ ngọt tạo ra việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ ở nông thôn Cao Bằng
Lãnh đạo Hợp tác xã Thảo Đường Vinh chia sẻ: Cây cỏ ngọt được lên luống trồng như các loại rau màu khác, mỗi sào chia 6 luống, mỗi luống từ 800-1.000 gốc. Trước khi trồng chú ý làm đất sạch cỏ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ các loại mối mọt, sâu bệnh trong đất. Tuỳ điều kiện thời tiết, cây cỏ ngọt sau khi trồng từ 45-60 ngày, cây cao từ 8-10cm có thể cắt thu hoạch lứa đầu tiên và tiếp tục chăm sóc, mỗi năm thu hoạch được 6 lứa cỏ ngọt. Cây cỏ ngọt này cho thu hoạch được từ 2-3 năm, nhưng để có năng suất tốt nhất thì sau một năm khai thác nên trồng mới để đảm bảo cây phát triển mạnh, chất lượng vị ngọt cao.
Để tiết kiệm chi phí nhân công, sau khi xử lý đất, Hợp tác xã áp dụng phương pháp trồng che phủ nilon mặt luống. Cách làm này vừa tiết kiệm tương đối tiền thuê nhân công làm cỏ, vừa giữ được độ ẩm phù hợp cho cây cỏ ngọt phát triển. Cây cỏ ngọt ưa nắng, sợ úng nên để trồng cây cỏ ngọt phải đảm bảo hệ thống chân ruộng cao, thoát nước tốt. Bên cạnh đó, để đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng, Hợp tác xã Thảo Đường Vinh đã đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động và hệ thống nhà kính, kho sấy giúp sản lượng cây cỏ ngọt không bị thất thoát do hỏng, héo hay nấm lá.

Cỏ ngọt có ưu thế hơn nhiều so với các loại cây trồng khác
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng, cho biết: Hợp tác xã Thảo Đường Vinh là đơn vị tiên phong trong việc đem cây cỏ ngọt vào trồng với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Đây là mô hình có tiềm năng phát triển, có thể nhân rộng vùng nguyên liệu dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đồng thời lồng ghép vào kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái tại các xã vùng cao. Nhằm tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho Hợp tác xã phát triển, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi cũng như hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tư vấn quản trị Hợp tác xã, kết nối đơn vị với các tổ chức tín dụng để vay vốn mở rộng sản xuất.