Cặp đôi khuyết tật viết chuyện tình '0 + 0 = có'

31/01/2017 - 08:32
Hai con người mang nhiều nỗi bất hạnh nhưng với tình yêu thanh cao, họ đã đến với nhau như câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Hạnh phúc giản đơn

Trong căn nhà trọ chật chội được làm bằng những tấm tôn ở khu vực 5, phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), chị Nguyễn Thị Yến Nhi (33 tuổi) đang pha cho chồng ly cà phê buổi sáng trước khi đi làm. Thấy có khách, anh Huỳnh Trọng Quý (52 tuổi), chồng chị Nhi, dùng sức của đôi tay lết về phía cửa đón khách. Chị Nhi cũng nhẹ nhàng lấy chiếc áo cũ sờn vai đưa cho chồng mặc để chuẩn bị cùng đi làm. Ngày nào anh Quý cũng đưa vợ đi làm rồi mới quay lại nơi anh làm việc.

Cử chỉ, ánh mắt của vợ chồng chị Nhi dành cho nhau giản đơn mà ấm áp. Mối lương duyên đưa họ đến với nhau cũng rất tình cờ. Năm 2009, trong một lần đi dự hội thảo về người khuyết tật ở Hà Nội, anh Quý được giới thiệu làm quen với chị Nhi quê ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) qua số điện thoại. Chị Nhi vốn bị khuyết tật chân từ nhỏ, đi lại khó khăn. Cha mẹ đều mất sớm, nhà có 2 anh trai thì một người mất sớm, một người thất lạc đến nay chưa rõ tung tích, chị Nhi chỉ học đến lớp 9, rồi phải tự bươn chải kiếm sống.

“Đồng cảnh ngộ nên chúng tôi dễ chia sẻ, rồi không biết từ khi nào, tôi thấy nhớ anh ấy. Tình cảm của 2 chúng tôi lớn lên theo từng lần gọi điện, từng cái tin nhắn hỏi thăm. Đầu năm 2014, tôi liều mình đón xe xuống Quy Nhơn thăm anh”, chị Nhi tâm sự.

Sau lần gặp mặt đầu tiên ấy, tình cảm của hai mảnh đời bất hạnh càng thêm sâu đậm. Anh Quý dành điều bất ngờ cho người yêu. “Để chứng minh tình cảm của mình, tôi quyết định âm thầm đi chiếc xe máy ba bánh vượt quãng đường dài hơn 400 cây số lên Lâm Đồng thăm cô ấy. Nhìn thấy tôi, Nhi đã khóc”, anh Quý thổ lộ.

Đầu tháng 11/2014, đám cưới của vợ chồng anh Quý diễn ra trong một ngày không bình yên. Cơn bão số 4 đổ bộ vào Quy Nhơn. Đám cưới không có rạp, cổng hoa, chỉ có sự trợ giúp của bạn bè và những nhà hảo tâm, người góp cái bánh kem, người cho thuê áo cưới giá 200.000 đồng, người làm MC không công, người lo phần nhạc… Chỉ vỏn vẹn có 4 bàn tiệc mà đám cưới ấm cúng.

“Có một người chị khi tặng phong bì đã ghi bên ngoài là chúc mừng hạnh phúc 0 ó!”. Đó là một phép tính ngắn gọn nhất về hoàn cảnh và chuyện tình của chúng tôi. Tôi không cha mẹ, không nhà cửa, cô ấy cũng không có gì ngoài hai bàn tay trắng nhưng giờ đây, chúng tôi có một gia đình”, anh Quý vui vẻ nhớ lại.
Vợ chồng chị Nhi - anh Quý trong ngày cưới 
Hơn nửa đời người mới có giấy tùy thân

Hạnh phúc với người vợ mới cưới nhưng cuộc sống của anh vẫn chưa hết gập ghềnh. Năm 2007, anh là Chi hội phó Chi hội khuyết tật Sức Sống Quy Nhơn (thuộc Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Bình Định) ra Hà Nội tham gia hội nghị người khuyết tật. Hội bảo trợ ngỡ ngàng vì hỏi đến giấy tờ tuỳ thân làm thủ tục đi Hà Nội, anh không có. Nhờ một gia đình khuyết tật ở cùng Chi hội tạo điều kiện cho anh nhập khẩu, từ đó lấy địa chỉ làm cho anh giấy chứng minh thư.

Anh Quý cười ngượng ngùng chỉ vào ngực mình: “Cái tên Huỳnh Trọng Quý cũng là mọi người trong cô nhi viện đặt cho anh. Ngày 1/2/1964 trên giấy khai sinh cũng chỉ là ngày sinh tượng trưng”. Trong ký ức của anh không có hình ảnh nào về nơi chôn nhau cắt rốn. Anh không biết mình được sinh ra vào lúc nào, cha mẹ là ai. Ký ức tuổi thơ của anh chỉ là những tháng ngày được lớn lên trong Cô nhi viện Từ Tâm (TP.Quy Nhơn).

Những năm 1970, Cô nhi viện Từ Tâm bị giải tán, anh được đưa về Ty Thương binh xã hội tỉnh Bình Định. Hy vọng lớn lên có thể tìm lại gốc gác của anh bị dập tắt hoàn toàn khi nhận ra mình mắc căn bệnh bại liệt, hai chân cứ thế teo dần. Năm lên 10 tuổi, anh không muốn mình trở thành gánh nặng cho mọi người nên đã xin ra ngoài mưu sinh bằng đủ thứ nghề.

Để sống qua ngày, người đàn ông này phải rửa bát cho quán ăn, làm bánh bao, bán vé số dạo, đan lát hay bất cứ nghề gì trong khả năng mình làm được. Sau vài năm bươn chải, anh dành dụm được 2 chỉ vàng để đi học nghề cơ điện. Năm 2003, anh về làm chung với một người bạn ở xưởng làm xe máy gắn hộp số lùi cho người khuyết tật, rồi tham gia sinh hoạt trong Chi hội khuyết tật Sức Sống Quy Nhơn.

Sau khi cưới nhau, vợ chồng anh Quý thuê nhà trọ gần nơi anh làm việc để sinh sống. Nhi xin vào một công ty may cách nơi ở hơn 5 cây số để vừa học vừa làm. Số tiền thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng được gần 3 triệu đồng giúp họ trang trải cuộc sống gia đình.

“Trước mắt lo cái ăn cái mặc đã, khi nào công việc hai vợ chồng ổn định và có khả năng lo cho con thì mới nghĩ đến việc sinh đẻ. Đến với nhau từ hai bàn tay trắng, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc”, chị Nhi bộc bạch.

Trong buổi sớm mai, lúc tôi chia tay đôi vợ chồng đầy nghị lực này cũng là lúc họ khép cửa để đi làm. Hình ảnh anh Quý đưa người lên chiếc xe ba bánh nổ máy rồi đỡ vợ lên xe, còn chị Nhi không quên cài lại chiếc mũ bảo hiểm cho chồng bình dị mà thật khó quên với tôi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm