Cặp song sinh chào đời ở tuần 28 và những nguy cơ có thể gặp phải khi sinh non

Linh Trần
02/10/2022 - 22:28
Cặp song sinh chào đời ở tuần 28 và những nguy cơ có thể gặp phải khi sinh non

Bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội thăm khám cho sản phụ

Theo các chuyên gia, để hạn chế sinh non, phụ nữ khi mang thai cần khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện các nguy cơ.

BV Phụ sản Hà Nội cho biết, các bác sĩ vừa nỗ lực cứu sống cặp song sinh sinh non ở tuần 28 của thai kỳ. 

Theo đó, sản phụ là N.T.M.L. (33 tuổi, trú tại Hà Nội) mang thai nhờ thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Sản phụ mang song thai, 2 buồng ối 2 bánh rau, đã được khâu vòng cổ tử cung giữ thai ở tuần 14 của thai kỳ.

Tuy nhiên, khi đang ở tuần thai 26, sản phụ vỡ ối đột ngột nên được đưa đến khoa Sản bệnh A4 (BV Phụ sản Hà Nội).

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Sản bệnh A4 đã thăm khám, hội chẩn và chẩn đoán: Song thai 26 tuần/thai bên buồng ối phải vỡ ối.

Thời điểm đó, có 2 lựa chọn. Thứ nhất, nếu đình chỉ thai nghén thời điểm này, con chào đời sẽ quá yếu và non nớt. Tuy nhiên, nếu giữ con ở lại trong bụng mẹ cũng sẽ đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, mất tim thai.

Sau khi hội chẩn Ban giám đốc, bác sĩ khoa Sản bệnh A4 quyết định tiếp tục giữ thai. Theo đó, bác sĩ điều trị thuốc kháng sinh, giảm co và theo dõi sát sao để giúp 2 thai nhi phát triển trong bụng mẹ càng thêm thời gian càng tốt. Sau 10 ngày giữ thai tích cực, sản phụ xuất hiện cơn sốt 39 độ C, xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Dù đã được chỉ định thuốc điều trị, đến tối cùng ngày sản phụ có cơn đau bụng dữ dội, thai nhi thứ 2 vỡ ối. Các bác sĩ khám liên tục và theo dõi sát với mong muốn giữ con thêm trong bụng mẹ lâu nhất có thể. Sang rạng sáng hôm sau, sản phụ có cơn chuyển dạ rõ ràng, cổ tử cung mở 3cm. Các bác sĩ hội chẩn và quyết định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn tối đa cho cả hai thai nhi.

Ca mổ thực hiện bởi ThS. BSCKII. Lê Duy Toàn, Phó khoa Dịch vụ D5 (BV Phụ sản Hà Nội). Hai bé trai chào đời ở tuần 28 của thai kỳ.

Theo các bác sĩ, thông thường các bé non tháng khác có thể sinh ở tuần thai lớn hơn phải thở máy ngay sau khi chào đời. Tuy nhiên, nhờ được chăm sóc đặc biệt trước sinh và cũng bằng một phép kỳ diệu, 2 con có Apgar tốt so với tuổi thai, không cần thở máy ngay sau sinh mà chỉ cần thở oxy hỗ trợ. Hiện tại, 2 con đang được chăm sóc tích cực tại khoa Sơ sinh (BV Phụ sản Hà Nội).

Sản phụ L. cho biết, nhờ được các bác sĩ động viên, chăm sóc và điều trị tích cực mới giữ thai được đến tuần 28. "Hai con chào đời như vậy với mình đã là rất may mắn. Giờ mình chỉ mong muốn sữa mẹ về nhiều để có thể gửi sữa vào cho các con", sản phụ L. chia sẻ. 

Các biện pháp hạn chế nguy cơ sinh non

Các chuyên gia cho biết, sinh non được hiểu là khi em bé chào đời quá sớm. Theo đó, em chào đời trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 37 của thai kỳ thì được gọi là sinh non.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính trên toàn cầu có khoảng 15 triệu trẻ sính non ra đời, chiếm tỷ lệ 1/10 trẻ sơ sinh. Sinh non được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, khoảng 1 triệu trẻ sinh non tử vong do các biến chứng. Nhiều trẻ sống sót nhưng phải đối mặt với tình trạng khuyết tật suốt đời, bao gồm khuyết tật thần kinh, tim mạch, thị giác và thính giác.

Tại Việt Nam, theo các tài liệu báo cáo chung, tình trạng sinh non ngày càng tăng. Trung bình cả nước, tỷ lệ sinh non khoảng 7%, mỗi năm có khoảng 100.000-110.000 trẻ sinh non ra đời.

PGS. Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc BV Phụ sản TƯ cho biết, trẻ sinh non có thể gặp phải một số rủi ro nhất định bởi vì các bé được sinh ra quá sớm có thể không được phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe là cao nhất đối với em bé sinh ra trước tuần thai thứ 34. Ví như, nhiễm trùng, suy hô hấp, vàng da, thiếu máu, các vấn đề về đường tiêu hóa...

Theo bác sĩ Quyết, những yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non, bao gồm đã có tiền sử sinh con sớm; có cổ tử cung ngắn là nguyên nhân dọa sinh non; đã từng thực hiện phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung; một số rối loạn khi mang thai, chẳng hạn như mang đa thai hoặc chảy máu âm đạo. Ngoài ra, các yếu tố về lối sống như ít vận động, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu) khi mang thai.

Để hạn chế nguy cơ sinh non, phụ nữ đã từng sinh non và nếu có dự định sinh con cần thực hiện kiểm tra chăm sóc trước sinh để có được sức khỏe tốt nhất trước khi có thai. Trong thời kỳ mang thai, nên thực hiện khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm soát chặt chẽ các rủi ro và nguyên nhân dọa sinh non có thể xảy ra. Ngoài ra, sản phụ thường được cung cấp một số loại thuốc hoặc thực hiện phương pháp điều trị theo phác đồ để ngăn ngừa chuyển dạ sinh non.

Ngoài ra, quá trình mang thai nếu sản phụ có các dấu hiệu bất thường như dịch tiết âm đạo có sự thay đổi, tăng áp lực vùng chậu hoặc dưới bụng; đau lưng ở vùng thấp liên tục, âm ỉ; chuột rút nhẹ ở bụng; đau quặn bụng giống đau bụng kinh; vỡ màng ối… thai phụ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị kịp thời. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm