pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cặp vợ chồng ở Hà Nội tiết kiệm được 40% thu nhập nhờ biết cách chi tiêu hợp lý
Câu chuyện tiết kiệm 40% thu nhập trong thời kỳ bão giá tưởng như là thách thức lớn, không thể thực hiện được với nhiều người nhưng gia đình Nguyễn Nhung (sinh năm 1994) gồm 3 thành viên là hai vợ chồng và con nhỏ hiện đang sống tại Hà Nội lại làm được.
Nhung hiện làm công việc giáo viên, kiêm thêm bán hàng online tại nhà. Chồng làm công trình, thường xuyên phải đi công tác theo các dự án. Mức lương của hai vợ chồng Nhung khoảng từ 30 - 32 triệu/tháng.
"Mình có thu nhập từ công việc chính là làm giáo viên không quá cao mà chủ yếu đến từ nguồn thu nhập bán hàng online. 1 tháng tổng thu nhập của mình từ hai công việc này dao động từ 15 - 16 triệu. Chồng mình lương 16 triệu/tháng", Nhung chia sẻ.
Giá cả tăng nhưng tháng nào hai vợ chồng cũng giới hạn chi tiêu, nhiều nhất là 60% thu nhập
Nhung cho biết, hai vợ chồng lấy nhau về cũng được 4 năm. Từ lúc đó đến hiện tại, hai vợ chồng vẫn thống nhất với nhau là chỉ tiêu 1 nửa tiền thu nhập, số còn lại dành dụm để tiết kiệm lo cho tương lai. Nhung cho biết, 1 tháng hai vợ chồng chị tiêu cố định hết 16,3 triệu bao gồm các khoản tiền như tiền ăn uống, hóa đơn điện nước, xăng xe, hóa mỹ phẩm, tiền học của con, giúp việc theo giờ, chi tiêu linh hoạt khác... Cụ thể như sau:
Hai vợ chồng Nhung may mắn không phải ở nhà thuê như nhiều cặp vợ chồng khác sau khi đám cưới, mức thu nhập từ đồng lương cũng ở mức khá. Thế nhưng không vì điều đó mà hai vợ chồng cho phép bản thân tiêu pha hoang phí.
Nhung chia sẻ: "Trong tuần mình ăn sẽ có 1 bữa sáng và 1 bữa tối ở nhà, mình thường căn chi phí vào khoảng 80k, buổi trưa mình và con đều ăn ở trường. Còn cuối tuần, cụ thể là Chủ Nhật sẽ có 1 bữa sáng, và 2 bữa chính, chi phí 150k/ngày cho hai mẹ con. Khi nào chồng mình về thì bữa cơm sẽ đầy đủ hơn, mình mua thêm hải sản hay món khác ngon hơn để đổi gió, chi phí sẽ từ 200k - 300k/ngày.
Mình cũng thuê giúp việc theo ngày, mỗi ngày 2 tiếng, từ thứ 2 đến thứ 5 hết1,5 triệu. Quỹ du lịch của mình mỗi tháng bỏ 1 triệu, 1 năm sẽ có 12 triệu chia làm 2 lần cả nhà 3 người đi chơi xa. Quỹ đầu tư mỗi tháng 1,5 triệu mình dùng để mua bảo hiểm, tiền này trích từ lương của chồng".
Hai vợ chồng Nhung đều cố gắng giữ khoản chi tiêu cân đối. Cô và chồng mỗi tháng tiết kiệm thêm 1 triệu để cho vào quỹ du lịch, 1 năm tổ chức đi khoảng 2 lần. Ảnh: NVCC.
Tiết kiệm tới 40% thu nhập
Nhung cho biết, hai vợ chồng tiêu toàn bộ lương của vợ. Còn toàn bộ lương chồng sau khi tách 1 triệu/tháng tiền quỹ du lịch và 1,7 triệu/tháng tiền quỹ đầu tư để mua bảo hiểm thì số còn lại hai vợ chồng sẽ cho vào tiết kiệm hoặc tái đầu tư. Đặc biệt, những khoản tiền lãi thu được từ số tiền tiết kiệm này, hai vợ chồng sẽ để quay vòng và không rút ra.
"Hai vợ chồng mình luôn cố gắng giữ khoản tiết kiệm trong 1 tháng rơi vào từ 12 - 13 triệu. Khoản tiền này có thể gửi ngân hàng, mua vàng hoặc đầu tư tùy mục đích mỗi tháng. Mình thấy mức thu nhập của hai vợ chồng mình vẫn thấp với mặt bằng chung bạn bè hai đứa nên vẫn thường lo lắng nếu chi tiêu tháng nào bị cao, làm giảm khoản dự phòng trong tay.
Bởi vậy sau cưới, mình và chồng đã lên kế hoạch nghiêm túc về khoản tiết kiệm phải từ 40%-50% thu nhập/tháng. Lúc chưa có em bé, tháng nào hai vợ chồng mình cũng tiết kiệm được 50% thu nhập đấy. Nhưng từ khi có con nhỏ, mình chỉ tiết kiệm được 40% thu nhập thôi", Nhung chia sẻ.
Ngay từ khi mới cưới, Nhung và chồng đã lên kế hoạch nghiêm túc về khoản tiết kiệm phải từ 40-50% thu nhập/tháng để đảm bảo cho tương lai sau này. Ảnh: NVCC.
Theo người vợ trẻ này cho biết thêm để có thể tiết kiệm đều đặn 40% thu nhập mỗi tháng, vợ chồng Nhung cũng phải có quyết tâm rất cao: "Vợ chồng mình rất sợ nghèo nên cũng hiểu rõ ý nghĩa của việc phải tiết kiệm. Vì thế không bao giờ dám đụng đến khoản tiền đã cất đi mỗi tháng".
Nhung cho biết, muốn thực hiện được tiết kiệm 40% thu nhập mỗi tháng cô phải học cách ghi chép chi tiêu, liệt kê được thu nhập của mình. Sau đó, theo dõi chi tiêu cụ thể từng tháng và phân tích số liệu để theo dõi. Nếu thấy khoản chi tiêu nào không hợp lý, người vợ trẻ này sẽ ra quyết định cắt giảm luôn. Sau đó, Nhung cứ duy trì theo thói quen trên là mọi việc ổn thỏa. Nếu tháng nào chẳng may chi tiêu bị thâm hụt thì Nhung sẽ vay mượn người thân và đầu tháng lấy lương trả.