Trên trang facebook của mình, chị Thu Hà chia sẻ tin nhắn từ một người bạn gửi đến:
"Chị ơi, mấy ngày nay có một chuyện khủng khiếp xảy ra mà em cứ buồn và suy nghĩ mãi. Em có người anh, thành đạt, gia đình mẫu mực, 2 con trai đều đẹp trai xinh xắn học giỏi ngoan ngoãn, là hình mẫu của cả chung cư. Thế rồi bi kịch xảy ra. Vào kỳ thi sát hạch đầu năm, bé trai lớn của anh ấy (năm nay học lớp 6) bị điểm 3 môn Anh văn, môn học mà bé giỏi và tự tin nhất. Bị thầy cô trách mắng, và phần nhiều là tự trách bản thân, bé bị trầm cảm nặng và không muốn đi học. Gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi, rồi ba mẹ túc trực ở nhà để trông nom chăm sóc bé. Thế mà cuối cùng cũng không tránh được bi kịch. Trưa thứ 2 tuần rồi khi có mặt cả ba mẹ cùng ở nhà với bé, bé đã nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất và không qua khỏi…”.
Chị Thu Hà cho biết, chị đã điên lên khi nhận được tin nhắn như vậy và chị đã không thể kiềm chế được cảm xúc của mình:
…Tiếng Anh làm gì nếu chưa nghe được tiếng Con?
Tiếng Anh làm gì nếu không nghe được tiếng nói bên trong cuả Chính Mình?
Tiếng Anh làm gì, nếu trong nhà không nói được tiếng Gia đình?
…Chém cha điểm 3!
Nhưng không phải chỉ tại điểm 3, hay tại môn Tiếng Anh. Chuyện của bé có thể phức tạp hơn thế. Nhưng nó là cú đẩy cuối cùng khi bé đang đứng chênh vênh trên miệng vực.
Phải nói là chém cha cái bệnh thành tích!
Nhiều gia đình còn hùa vào với nhà trường, để cùng đưa điểm số lên một tượng đài cao chót vót. Nhiều phụ huynh làm cho con mình hiểu rằng điểm 3 sẽ hủy hoại cả cuộc đời con. Nhiều gia đình không vứt nổi cái nặng nề của điểm 3 ngoài bậc cửa.
Cô giáo quá dở khi lạnh lùng cho một điểm 3.
Nhưng bố mẹ cũng dở khi trao cho điểm 3 đó của cô giáo cái quyền lực quá lớn.…
Bạn không thể học giỏi trong một lần, không thể thành chuyên gia trong một lần.
Vậy tại sao không cho con được quyền thất bại nhiều lần, không đồng hành dắt tay từng bước khi con thất bại? Tại sao nhìn chuyện thất bại như kẻ thù bên kia chiến tuyến?… Con nhớ nè, Anh ngữ, chứ không phải là tử ngữ!
Tất cả các môn học khác trong trường cũng thế, con học để con được vui sống khỏe mạnh, chứ không phải học để mà tuyệt vọng! Học để sống, nhớ nha con!
Trước câu chuyện buồn trên, TS Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội) cho rằng: Vấn đề của bạn nhỏ lớp 6 tự tử vì điểm 3 không nằm ở điểm 3, không nằm ở câu trách móc của giáo viên mà ở sự yếu đuối đến mức đáng sợ của bạn ấy. Tôi nghĩ rằng, nếu bạn ấy có chút bản lĩnh, chắc chắn việc này không xảy ra. Vì thế, nếu các cha mẹ muốn con thành công và bản lĩnh, đừng giúp con nhiều, hãy cho con va chạm nhiều.
Bài viết mới đưa lên nhưng lượng chia sẻ rất lớn. Sau gần 3 tháng nghỉ hè, các con chưa kịp vui mừng bước vào năm học mới thì đã đối mặt với kỳ thi khảo sát đầu năm. Tài khoản facebook Lê Minh Chung cho biết: Bố mẹ phải vượt qua được những áp lực do chính mình tạo ra để không đổ lên đầu con trẻ những áp lực đấy, những áp lực mà ngay chính người lớn còn không chịu đựng được.
Facebook Myhoang Tran chia sẻ: Khi con đi học về, nên hỏi hôm nay con đi học có vui không, thay vì hỏi con làm bài được mấy điểm... Cha mẹ làm ơn đừng khoe khoang con mình học giỏi, để con ảo tưởng về thành tích. Hãy để con hồn nhiên với tuổi thơ. Chỉ nhắc nhở học tập, đừng áp đặt số điểm. Dạy con sống tự lập, tự tin, có tình yêu thương với cả những con thú nhỏ, có nhân cách tốt...