pnvnonline@phunuvietnam.vn
Câu chuyện không cá biệt
Ảnh minh họa
Tôi có biết người vừa mất đăng báo sớm nay... Không đau khổ, ngỡ ngàng, hoặc những cảm xúc có thể gọi tên được. Một điều gì đó chặn ngang ngực. Lẽ ra người ấy có một ai đó, bất kỳ một ai quan tâm thực sự, sẽ không phải chết.
Có ai xung quanh chúng ta vừa mất không? Mất ngay cả khi họ đang tồn tại mà mình chẳng thể nhận ra họ đang thở, hiện diện, đi lại, cười nói ngay cạnh mình. Như một thứ ảo ảnh, sự sống vẫn còn đó, những giao tiếp thân sơ ngày đêm vẫn miệt mài tiếp diễn nhưng ta chẳng thể "chạm" được bất kì điều gì của nhau. Vui hay buồn, bình yên hay mệt mỏi, thành công hay thất bại, họ không "sống" cùng ta. Họ để những người xa lạ đến gần bên ta. Ta nhận diện người xa lạ vui vẻ hơn sự thờ ơ nơi họ. Mong mỏi được "ân xá" choáng lấy đầu óc ta và họ chết thật trong ta ngay cả khi còn sống.
Không còn nhớ chính xác là ngày mấy, tháng mấy, năm mấy nghe được câu chuyện ở một địa điểm cũng không còn nhớ. Có hai vợ chồng tiều tụy, ngồi dúm dó một góc quán. Người bệnh là anh chồng. Chị vợ kể: Anh ấy khó qua khỏi, còn nước còn tát, anh ấy là lao động chính trong nhà, còn bốn đứa con chưa kịp lớn... Người chồng nhìn vợ, ánh mắt không rõ thương xót vợ con hay thương xót mình nhưng đáy mắt hẫng hụt, thất thần.
Người già hơn trăm tuổi cũng chết, đứa trẻ chưa kịp chào đời cũng chết; người có dung mạo mĩ miều, rực rỡ cũng chết, người xấu ma chê quỷ hờn cũng phải chết; người trên đỉnh cao thành công cũng chết mà người dưới vực sâu thất bại cũng chết; người địa vị cao sang cũng chết mà gã hành khất cũng chết.
Thì thôi, chết là một lẽ, ai rồi cũng phải đến nơi xa thẳm ấy. Anh chồng vắn số vì bệnh tật, khi không còn đường cứu thì chết. Nhưng lời kể kia đáng lý ra là anh kể thì phải hơn. Người sắp chết thấy mình sống là một cái tội bởi làm khổ cho gia đình mình, tốn kém tiền bạc, tốn công người chăm sóc mà người sắp chết kia thấy mình chết cũng là cái tội bởi trách niệm nuôi nấng con cái còn đó. Khổ thật. Chết hay sống đều là nỗi ám ảnh, đều là một món nợ vô tình người đang sống cùng mang vào cái thân thể còm cõi kia, cái linh hồn chấp chới rời khỏi thể xác kia. Có thể nó chẳng nặng nề đến thế, bi thương đến thế như cách của tôi đang nghĩ nhưng bản thân cuộc chạy chữa kia đã không vì người đang bệnh nặng. Trước là vì họ là lao động chính. Thứ nữa là để bản thân người nhà nhẹ nhõm với mình hơn khi đã tận tâm với người bệnh. Bằng cách này hay cách khác, người đang bệnh kia đã không phải là mục tiêu quan trọng nhất. Sức khỏe được lấy lại nếu có để tiếp tục cõng trách nhiệm trước đó đang thực hiện dở dang.
Tôi không biết người vợ có thương chồng không hay thương bản thân mình bởi cái gánh nặng con cái mà chị có nguy cơ phải gánh lấy toàn bộ khi chồng đã khuất.
Tôi hơi hoang mang và biết rõ nỗi hoang mang của mình vô lý. Tôi không phải người trong cuộc để mang trạng thái ấy? Nhưng tại sao nhỉ? Khi sự sống và cái chết vốn dĩ chỉ thuộc về một người lại gánh trách nhiệm cho những người khác. Sống thì đã đành, đến lúc chết cũng không phải là kết thúc. Kín đáo còn là một nỗi hờn trách cho phần việc người sắp chết kia chưa làm tròn.
Ly nước lỏng đến độ không còn nhìn ra tôi đang uống thứ nước gì. Chợt thấy nặng nề những thứ đang diễn ra. Vợ chồng người ấy đã đi khỏi, tôi thấy anh chồng cố vớt lại cái nhìn vợ cảm thông một cách rất kìm nén.
Câu chuyện đó không cá biệt. Dường như nó luôn luôn diễn ra. Ngay cả khi người đã nằm xuống chín tấc đất, câu cảm thán kèm theo về cái trách nhiệm nào đó dang dở kia.
Báo đăng một người vừa mất sớm nay. Bản tin chạy nhanh qua. Vài ngàn lời tiếc thương, ngần ấy những mong nhớ, kể cả những người đã thật quên người ấy cũng cố nhớ cho được một vài kỷ niệm để liệt kê ra... Mà lẽ ra người ấy có một ai đó, bất kỳ một ai quan tâm thực sự, sẽ không phải chết.