Câu đố: Loài chim nào bộ lông không bao giờ bị đông đá?

Hiểu Đan
25/04/2023 - 21:58
Đây là một câu hỏi nghiêm túc, không đánh đố chút nào. Tuy nhiên để trả lời được bạn cũng phải có kiến thức hơi bị sâu rộng đấy nhé!

Nói về đông đá, ai cũng biết đây là quá trình một lượng nước hoặc thực phẩm bất kỳ hoàn toàn chuyển sang thể rắn khi cho vào ngăn đông. Tuy nhiên, bạn có biết, có một loài chim nào mà lông của chúng không bao giờ bị đông đá không, ngay cả khi chúng sống ở một môi trường cực kỳ lạnh? 

Nghe có vẻ đi ngược lại "quy luật" nhưng đây là câu hỏi về loài chim có thật và khá quen thuộc chứ không phải đố mẹo gì cả. Bật mí, loài chim này ở Nam Cực. Chúng sống trong một môi trường vô cùng khắc nghiệt khi nhiệt độ ở đây có thể giảm xuống đến -40°C và tốc độ của gió có thể đạt đến 140km/giờ.

Tới đây thì chắc hẳn bạn đã đoán ra được đáp án. Đó chính là chim cánh cụt.

Câu đố: Loài chim nào lông không bao giờ bị đông đá? - Ảnh 1.

Những con chim cánh cụt đã tồn tại được trong môi trường Nam Cực từ rất lâu đời. Lông của chúng chẳng bao giờ đông đá.

Chim cánh cụt thường sống thành bầy, đông tới hàng nghìn con. Chúng tiêu tốn khoảng một nửa thời gian trên cạn và nửa còn lại dưới lòng các đại dương. Vì thế, theo lý thuyết thông thường thì những con chim cánh cụt này phải trở thành những tảng băng đông lạnh chỉ trong chớp mắt ở môi trường Nam Cực. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn lại trái ngược và những con chim cánh cụt đã tồn tại được trong môi trường Nam Cực từ rất lâu đời. Lông của chúng chẳng bao giờ đông đá.

Một nghiên cứu phát hiện ra rằng, vì trên lông chim cánh cụt có các rãnh li ti và được phủ thêm một lớp dầu đặc biệt nên không bao giờ bị đông thành nước đá.

Pirouz Kavehpour, một kỹ sư cơ khí tại Đại học California ở Los Angeles cùng các cộng sự đã nghiên cứu lông của loài chim cánh cụt Gentoo ở Nam Cực dưới kính hiển vi điện tử. Họ nhận thấy rằng bề mặt của sợi lông vũ này được phủ đều bằng những lỗ nhỏ li ti có kích thước nano. Cấu trúc này lại làm phát sinh ra một hiện tượng kì lạ. Cấu trúc đầy những lỗ nano này sẽ làm cho những giọt nước lại có xu hướng trượt đi chứ không bị giữ lại và đóng băng.

Những con chim cánh cụt cũng sẽ tiết ra chất dầu từ một tuyến đặc biệt gần phần đuôi và dùng mỏ để bôi lên toàn cơ thể. Chất dầu này sẽ hoạt động tương tự như một hoạt chất chống thấm nước.

Nhiều người cho rằng việc nghiên cứu sự đóng băng trên lông chim cánh cụt chỉ là một sự vô nghĩa. Tuy nhiên, các nhà khoa học và các kĩ sư tuyên bố rằng những phát hiện mới mẻ này sẽ giúp bổ sung cho sự phát triển của công nghệ chống đóng băng trên các cánh máy bay.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm