pnvnonline@phunuvietnam.vn
Câu đố Tiếng Việt: Vì sao lại gọi là "bãi tha ma"?
Chắc hẳn bạn đã từng một lần nghe thấy từ "bãi tha ma". Theo Từ điển - Lê Văn Đức, "bãi tha ma" có nghĩa là: "Nghĩa địa, cánh đồng có đầy mồ mả; nơi vắng vẻ, u tịch". Theo Từ điển mở - Hồ Ngọc Đức và Từ điển - Nguyễn Lân, "bãi tha ma" là: "Nơi có nhiều mồ mả ở giữa cánh đồng". Còn theo Từ điển - Thanh Nghị, "bãi tha ma" là bãi đất chôn người chết.
Về nghĩa thì là như vậy nhưng bạn có biết, nguồn gốc của từ này từ đâu mà ra không? Một số người cho rằng, "ma" trong "tha ma" là... "con ma", "tha ma" là "tha con ma về". "Bãi tha ma" là nơi tập trung ma, linh hồn người chết. Nhưng thực chất, suy nghĩ này là sai.
"Tha ma" vốn là biến âm của từ "thâm ma". Đây là hai chữ đầu trong cụm từ "thâm ma xá na" (深魔舍那- shēn mó shě nà). Đây là cách người Hoa phiên âm từ “śmaśāna” trong tiếng Phạn, có nghĩa là "nghĩa địa", nơi vứt xác người chết. Như vậy, "tha ma" chỉ là một từ gốc Sankrit mà tiếng Việt đã mượn thông qua tiếng Hán.
Từ "thâm ma xá na" chuyển sang "tha ma" có thể bắt nguồn từ việc các nhà sư hoặc thầy cúng trong quá trình phát âm đã đồng hóa "â" của "thâm" theo "a" của "ma", "xá" và "na" nên hình thức gốc đã trở thành "tham ma xá na", sau rút gọn thành "tham ma", và cuối cùng, do sự “gặp nhau” giữa – m cuối của tham và m- đầu của ma nên đã xảy ra dị hóa mà thành từ "tha ma" như hiện nay.
Như vậy, từ "ma" trong "bãi tha ma", vốn chẳng liên quan gì đến "ma quỷ". Trong Tiếng Việt, cũng có một số từ khác có chứa chữ "ma", vốn cũng không liên quan đến "ma quỷ" những vẫn hay bị hiểu nhầm. Chẳng hạn "ma lanh" là phiên âm tiếng Pháp của “malin”, nghĩa là “khôn ngoan, thông minh”. Hay "ma tuý” vốn có Hán tự là 麻醉, trong đó ma (麻) có nghĩa là “tê dại”, còn "tuý" ( 醉) có nghĩa là "say".