Cầu phao ‘tử thần’ ám ảnh người dân

08/08/2016 - 17:00
Gần 20 năm nay, hàng trăm người ở “thôn Cóc” muốn sang bên kia sông để sinh hoạt đều phải mạo hiểm đánh cược mạng sống với cây cầu Cóc “tử thần”. Dự án xây cầu đã có từ lâu nhưng vẫn nằm trên giấy.
a5.jpg
Chiếc cầu phao tự chế đã có tuổi đời 20 năm 

Người qua cầu bị nạn là “chuyện cơm bữa”

Vào làng Cóc, còn gọi là thôn Hùng Sơn thuộc xã Tượng Văn, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) chúng tôi phải đi qua con đường độc đạo: cầu phao Cóc. Cầu phao Cóc bắc qua sông Thị Long (một nhánh của sông Yên).

Ông Nguyễn Thế Hợi, Trưởng thôn Cóc, không khỏi lo lắng về sự an toàn của cây cầu khi mùa mưa bão đến. “Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa bão thì thôn Cóc lại bị cô lập hoàn toàn. Cây cầu duy nhất để bà con có thể đến chợ, đến xã, con trẻ đến trường thường bị ngập lụt không thể đi qua”, ông Hợi cho biết.

Theo ông Hợi, trước kia khi chưa có cây cầu phao Cóc này thì người dân làng Cóc phải chèo thuyền, kéo đò từ bên này sang bên kia mới có thể sang sông. Ngày nước bé thì có thể di chuyển được nhưng đến mùa mưa lũ, không một ai dám qua sông.

Đến năm 1998, thấy bất lợi trong di chuyển, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, một số người dân trong làng đã nghĩ ra cách làm 1 cây cầu phao. Với đồng vốn ít ỏi bấy giờ, người dân thôn Cóc đã nỗ lực tạo ra cho mình 1 cây cầu phao có kết cấu 5 nhịp; cầu được kết nối bởi các tấm ván gỗ.

Từ đó tới nay, tính ra cũng gần 20 năm, mặc dù cây cầu đã nhiều lần được duy tu, sửa chữa nhưng vẫn không đảm bảo an toàn cho người dân qua lại.

Thực tế, theo quan sát của chúng tôi, cầu phao Cóc có chiều dài gần 100m, rộng hơn 1m, được kết nối bởi những tấm ván cũ, có chỗ đã mục nát; kè bê tông ở 2 bên đầu cầu đã bị nứt toác nham nhở... Dù đã xuống cấp nghiêm trọng, thế nhưng hàng ngày cây cầu này vẫn phải oằn mình “cõng” hàng trăm lượt người qua lại (gồm trẻ em đi học, người dân đi chợ, đi làm đồng, khách ra vào làng buôn bán)...

Khi chúng tôi hỏi, còn đường này có phải là duy nhất? Ông Hợi cho biết, để đi vào làng Cóc vẫn còn 1 con khác. Tuy nhiên con đường đó cây cối rậm rạp, thêm nữa đây là con đường nhỏ, đổ bằng đất, vào mùa mưa nước từ trên núi đổ xuống lầy lội không đi được nên ít khi người dân lưu thông.

Không chỉ bất tiện trong việc đi lại, mà vào những ngày mùa, cả thôn Cóc phải “rồng rắn” thay phiên nhau thồ lúa qua cầu. Thôn Cóc với gần 20ha đất nông nghiệp; đồng tôm, đồng cói bị chia cắt bởi con sông Thị Long và phụ thuộc vào cây cầu Cóc “tử thần”. Câu chuyện người thồ lúa bị ngã, đổ xuống sông mất trắng; khách qua sông bị nạn đã trở thành “chuyện cơm bữa” ở nơi đây.

Từ khi có cây cầu này, đã có 3 trường hợp bị chết đuối khi qua cầu; hàng trăm lượt người bị trượt ngã, gặp nạn trên cầu... - theo thống kê của ông Hợi. 

Bà Nguyễn Thị Hương, người dân thôn Cóc, bày tỏ: “Di chuyển qua cây cầu phao này rất khó khăn, nhất vào những ngày mùa và hôm mưa lũ. Vào ngày mùa, bà con phải sang bên này sông để thu hoạch nên cầu phao Cóc oằn mình gánh chịu, nhiều khi bị đứt phao cả người và nông sản cùng nhau vật lộn dưới nước. Ngược lại, ngày mưa lũ, con đường nhỏ ven núi bị đất đá sạt lở chắn ngang không ai đi được; cầu phao Cóc thì bị nước lũ cuốn trôi, người dân thôn Cóc bị cô lập hoàn toàn, các cháu phải nghỉ học...”.

Ông Nguyễn Thế Đức, cư dân thôn Cóc, thì lo lắng hơn bởi ngày nào ông cũng di chuyển qua cây cầu phao “tử thần” này để bán hàng. Nhiều hôm trời mưa giông, ông bị ngã, hàng hoá rơi xuống nước hư hỏng hết cũng phải cắn răng chịu thua lỗ. Vì nhà ở gần cầu, nên ông  Đức “bất đắc dĩ” trở thành ân nhân của không ít trường hợp ngã sông, đuối nước... Mong muốn có 1 cầu cầu kiên cố là ước muốn không chỉ của riêng ông mà là của hàng chục hộ dân nơi đây cũng như chính quyền địa phương, song vì sao tới nay vẫn tồn tại cây cầu “tử thần” này? 

a6.jpg
Hằng ngày chiếc cầu phao vẫn phải oằn mình gánh hàng trăm lượt người qua lại thôn Cóc.

Dự án… trên giấy

Trước câu hỏi vì sao suốt gần 20 năm qua, cây cầu phao Cóc “tử thần” vẫn tồn tại? ông Nguyễn Thế Hợi thở dài: “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn không được. Từng có dự án cách đây 5-6 năm, tổng số vốn đầu tư lên tới 12,5 tỉ đồng; chính quyền xã cũng đã thành lập ban chỉ đạo... thế nhưng, không hiểu vì lý do gì tới nay vẫn dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”?”.

Theo ông Hợi, để có thể hạn chế những cái chết thương tâm, một số hộ dân sống gần cầu phao đã chuẩn bị những cuộn dây thừng để cứu nạn khi cần thiết. Thế nhưng đây không phải là biện pháp hữu hiệu. Lo ngại nhất vẫn là các cháu đến trường. Cháu nhỏ thì có người lớn đưa đi, tuy nhiên các cháu lớp 4-5 hay học cấp 2 thì tự đi bằng xe đạp qua cầu, nhiều khi người lớn không thể túc trực kiểm soát!... Mong muốn có 1 cây cầu an toàn cho người dân đỡ vất vả khi lưu thông là điều xuyên suốt câu chuyện của ông Hợi với chúng tôi.

Không chỉ ông Hợi và hàng trăm con người từ già tới trẻ ở thôn Cóc, mà đó cũng chính là mong ước của ông Nguyễn Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Tượng Văn. Ông Liêm tâm sự, là xã được công nhận Nông thôn mới, tất cả các tiêu chí đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê, duy có điều ông cũng như chính quyền xã Tượng Văn trăn trở là bất cập, sự thiếu an toàn của cây cầu “già cỗi” mang tên “cầu phao Cóc”! Dĩ nhiên, điều ông Liêm cũng như người dân mong muốn là làm mới 1 cây cầu cứng cho bà con đi lại, song kinh phí xây dựng cây cầu quá lớn, nằm ngoài khả năng ngân sách của xã. Ông Liêm thở dài: “Trong nhiều cuộc họp, chúng tôi liên tục kiến nghị lên các cơ quan huyện, tỉnh. UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn phê duyệt và có dự án xây dựng cầu với kinh phí gần 13 tỉ đồng vào cuối năm 2009, dự định đầu năm 2010 triển khai nhưng sau đó việc xây cầu bị hoãn vì vướng mắc”. Cho đến nay, chưa ai trả lời cho người dân, chính quyền xã là bao giờ dự án nói trên mới có thể được thực hiện? Vì vậy, ước mơ của người dân thôn Cóc về 1 cây cầu cứng nhằm đảm bảo an toàn cho hàng trăm sinh mạng vẫn chỉ là một mơ ước xa xôi.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm