Cây bút tiên phong đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ

20/06/2017 - 19:50
Đạm Phương nữ sử tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh, tự Quý Lương, sinh năm Tân Tỵ (1881) tại phủ Tôn Nhơn, kinh đô Huế. Thân phụ bà là Nguyễn Miền Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng, thụ tước Hoàng Hóa Quận Vương.
Thời niên thiếu, bà được dưỡng dục, học hành nghiêm túc, đủ cầm kỳ, thi, họa... Những kiến thức phong phú được rèn luyện trong suốt thuở thiếu thời đã chung đúc thành vốn văn hóa vững chắc, sâu rộng, tạo điều kiện cho Công Tôn Nữ Đồng Canh thành công trong sự nghiệp.

Năm 1918, Đạm Phương nữ sử chính thức xuất hiện trên các báo, tạp chí ở Bắc kỳ và Nam kỳ. Bà tham gia viết bài cho các tờ báo lớn, uy tín: Nam Phong, Phụ nữ thời đàm, Tiếng Dân, Hữu Thanh...; giữ chuyên mục “Lời đàn bà” trên báo Thực Nghiệp; trợ bút đắc lực cho báo Trung Bắc tân văn và giữ chuyên mục “Văn đàn bà” của báo từ năm 1919 đến năm 1928.
dam-phuong.jpg
Bà Đạm Phương (trái) và con gái Nguyễn Khoa Diệu Vân - ẢNH: TL

Thời ấy, đại đa số phụ nữ Việt Nam mù chữ, không được học hành, bị khinh rẻ, bị chà đạp, nên ngòi bút của Đạm Phương tập trung hướng về giải phóng phụ nữ, đấu tranh cho phụ nữ được bình quyền, bình đẳng với nam giới. Gần 100 năm trước, Đạm Phương đã có cái nhìn rất tiến bộ về vị trí và vai trò người phụ nữ. Bà viết: “Đàn bà là người, đàn bà là phần nửa nhân loại... Nếu tất cả đàn bà thế giới không có học thức, thì một nửa nhân loại có lẽ sẽ là thú cả” (đăng trên tờ Phụ nữ tân văn - năm 1930).

Theo quan niệm của Đạm Phương, người phụ nữ có học thức cần phải có nghề nghiệp để có thể sống tự lập, không phụ thuộc vào chồng con và cho rằng đây chính là cơ sở đầu tiên để tiến tới nữ quyền, bình đẳng với nam giới. Do vậy, nữ sĩ Đạm Phương đặc biệt chú trọng đến việc nữ học.

Cùng với Sương Nguyệt Anh, chủ bút báo Nữ giới chung (năm 1918), bà Đạm Phương được xem là nhà báo đầu tiên lên tiếng đấu tranh vì nữ quyền ở nước ta. Bà cũng là người đi tiên phong trong việc tập hợp các bài báo đã in theo chủ đề để hình thành nên những cuốn sách, hoặc phát triển tư duy từng trình bày trên báo chí.

rez_663_damphuongnusi.jpg

Qua các bài viết và các cuốn sách của bà Đạm Phương, có thể thấy, cơ sở đầu tiên tiến tới nữ quyền, bình đẳng với nam giới ở người phụ nữ phải là người có kiến thức và sự hiểu biết, có nghề nghiệp cụ thể để sống tự lập, không phụ thuộc vào đàn ông.

Để mau chóng đạt được mục đích, bà còn vận động thành lập một tờ báo dành riêng cho phụ nữ và tờ Phụ nữ tùng san đã ra đời vào tháng 5/1929 ở Huế, góp phần tuyên truyền cho phong trào vì sự tiến bộ của phụ nữ và triển khai các hoạt động của Nữ công học Hội.

bi-bo-u-tin-ca-b-m-phng-ng-trn-tp-ch-nam-phong.jpg
Bài báo đầu tiên của Đạm Phương nữ sử trên Tạp chí Nam Phong

Không chỉ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết báo bằng chữ quốc ngữ, Đạm Phương còn đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng nền quốc văn bằng cách liên tục cho xuất hiện trên báo chí thời đó nhiều bài viết thuộc nhiều thể loại văn chương khác nhau như khảo cứu, nghị luận, ký...

Sự tài hoa, trí tuệ mẫn tiệp và tư duy nhạy cảm của Đạm Phương không chỉ ở chi tiết báo chí, trình bày súc tích, ngắn gọn, văn hay, dễ hiểu mà viết liên tục và gửi bài cho nhiều tờ báo có số kế tiếp nhau ra hằng ngày. Chính vì vậy số lượng độc giả của bà khá đông ở cả 3 miền đất nước.

dam-phuong-su-nu-1_37ee5.jpg
Đạm Phương nữ sử và chồng, ông Nguyễn Khoa Tùng

Ngoài ra bà còn tham gia biên tập, tổ chức bài vở cho các tờ nhật báo ở rất xa Kinh đô Huế. Điều này thực sự gây kinh ngạc cho những người làm báo và ngành bưu chính ngày nay. Năm 1926, Đạm Phương nữ sử sáng lập Nữ công học hội Huế, trực tiếp làm đội trưởng. Đây là tổ chức phụ nữ phi chính phủ đầu tiên ở nước ta buộc chính quyền thực dân phong kiến thừa nhận.

Dù thời gian hoạt động báo chí của Đạm Phương nữ sử không nhiều, chỉ hơn 1 thập niên, trong điều kiện nền báo chí nước ta còn non trẻ cùng với sự hà khắc, áp đặt, khống chế của thực dân Pháp đối với báo quốc ngữ, song với gần 200 bài viết bằng chữ quốc ngữ trên các báo cùng thời với nội dung đề cập nhiều vấn đề thời sự trong bối cảnh đất nước trong giai đoạn chuyển mình, bị xâm lược và áp bức bởi bọn thực dân, đã cho thấy bà ký giả hàng đầu Việt Nam đương thời - một cây bút đầy bản lĩnh và tự tin, sung sức.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm