Cây hài Đại Nghĩa nhớ 'hẻm Đèn hồng'

04/03/2017 - 11:14
Không ai có thể bắt được nỗi nhớ quay về, cũng chẳng ai có thể làm giả được cảm xúc. Đặc biệt với một con đường chứng kiến ta suốt quãng đời thơ ấu và tuổi trẻ.
Kỷ niệm từng dấu chân

Diễn viên Đại Nghĩa đã chuyển đến một chung cư ngoại thành phía Q.Thủ Đức, TPHCM, thế nhưng khi tôi nhắc tới con phố lưu dấu ấn trong cuộc đời anh, ngay lập tức Nghĩa nói sẽ chạy về đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận.

Mặc cho trời Sài Gòn mưa tầm tã, Nghĩa chạy xe tới quán cà phê kế bên căn nhà cũ của anh, hiện cho người bạn ở thuê. Không chỉ là những bức hình chúng tôi sẽ chụp, không chỉ là những câu hỏi để trở thành tư liệu bài báo. Các chuyện như vậy đã quá thường đối với Nghĩa. Điều khiến chàng diễn viên nhiệt tình đến vậy, chính là cho cảm xúc của bản thân anh: Những tháng ngày tuổi thơ gắn bó với con đường xưa cũ.
Dù đã chuyển qua chỗ khác, song Đại Nghĩa vẫn thường quay về con phố xưa
Nghĩa sinh tại chợ Ông Tạ nhưng 3 tuổi thì được theo cả gia đình về căn nhà trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (ngày ấy, người ta gọi tên là đường Nguyễn Minh Chiếu). Trong ký ức của anh, những năm đầu 1980 của thế kỷ trước, đây là con đường nhỏ mang dáng vẻ hơi tồi tàn. Dân cư dù không hẳn là người lao động nhưng cũng không phải tầng lớp sang trọng, giàu có gì. Cả xóm mấy chục căn nhà, chứ có gọi là phố đâu, chỉ vỏn vẹn 1-2 chiếc tivi đen trắng. Cứ mỗi khi bóng tối ào xuống, chừng 19-20h, đám con nít chạy túa ra đường chơi và canh coi phim. Đối diện nhà Nghĩa là con hẻm nhỏ. Ở giữa hẻm có chiếc cột đèn cũ. Bóng đèn không hẳn là cao áp, chỉ có đĩa chụp lấy bóng để bao sáng.

Ấy vậy nhưng đến tận giờ, khi Nghĩa dắt chúng tôi tới để nhìn lại nỗi nhớ của anh, thì trong tâm thức anh, chiếc cột đèn vẫn vô cùng lung linh. “Ngày đó, ánh sáng của cây đèn trong hẻm này nhoà nhoà, mờ mờ, hơi nhợt nhạt, thậm chí còn mang chút âm u, ma quái, nhưng đối với đám trẻ nít chúng tôi, được vui chơi trên phố có chút ánh sáng này thì quả là lý tưởng. Bởi vậy, chúng tôi gọi đây là hẻm Đèn hồng”.
 
Tắm mưa ký ức

Đường Nguyễn Trọng Tuyển hiện nay dài chừng 2km, bắt đầu từ đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) ra tới đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình). Đường có hình dáng uốn lượn khá lạ. Đường phố không lớn, xe chạy được 2 chiều, mà sao cứ cảm giác xa vắng. Bởi vậy, những gia đình có tiền thường chọn mảnh đất nơi đây để xây villa.
Con đường trong lành hơn sau cơn mưa
Trước kia, khi Nghĩa còn nhỏ, những ngày mưa là đường biến thành sông. Nước ngập đến tận đầu gối, tràn vào cả trong nhà. Người ta phải đối phó bằng cách lấy tất cả thau, mủng có được để tát nước. Cơn mưa đầu mùa gột rửa sạch các bụi bẩn bám trên nóc nhà cũng là thời điểm mà đám trẻ thường chạy ra hứng nước tắm mưa. Trẻ nít mà, đâu biết sợ dơ!

Ngồi kể chuyện trong quán cà phê gần nhà cũ, Nghĩa khoát tay chỉ ra con hẻm nơi anh vừa đậu xe, nói rằng, bên kia có "hẻm Đèn hồng" thì bên này được gọi là "hẻm Huyện". "Hẻm Huyện" chỉ cách 5 căn nhà của Nghĩa, cùng chiều. Lũ trẻ ới nhau “dzô Huyện chơi nha”, nghĩa là vô hẻm này đây. Chủ yếu các trò chơi được diễn ra là tạt lon và đá banh. Mỗi khi không “vô Huyện”, thì cả con phố người lớn, trẻ nhỏ đều có thú giải trí riêng của mình, mà là kiểu “đồng phục”. Nghĩa là chơi theo phong trào. Bắt đầu là phong trào bắn bi, rồi sang phong trào chơi banh đũa, hết đó lại chuyển qua phong trào chơi lắc vòng.

Chiều chiều cả phố cứ đứng lắc vòng như vậy, nhớ lại không nín được cười. Quan trọng nhất, chẳng ai nghĩ đó là việc tập thể dục thể thao, mà chỉ đơn giản, là đứng trên phố, cùng thoả mãn một thú chơi. Vậy thôi.

Đường Nguyễn Trọng Tuyển giờ đã ken đặc nhà cửa. Ruộng rau muống phía sau nhà Nghĩa không còn, các trò chơi con trẻ ngày xưa tất nhiên cũng đã biến mất. Nghĩa đứng dựa vào cánh cổng ngôi nhà cũ của anh. Người bạn thuê nhà đi vắng đã đóng kín cửa. Tôi cảm giác trong mắt người diễn viên đa tài này, một đám mây xám vừa kéo ngang qua. Chúng tôi hối hả chụp hình, giữa những cơn mưa lúc thưa, lúc nhặt cuối mùa mưa Sài Gòn.
 
Tình nghĩa phố xá

Trên đường Nguyễn Trọng Tuyển không tập trung buôn bán một mặt hàng chủ yếu nào, mà mạnh ai biết món gì bán món đó. Đủ các loại cửa hàng: mắt kính, tiệm thuốc Tây, quán bún bò giò heo, quán hủ tiếu, quán cơm tấm. Chạy miên man trên con đường này, khi trời vừa hửng lên chút nắng, thấy không khí dễ thở hơn những con đường khói bụi và nêm chật người ở phía Q.Tân Bình.

Hết chạy xe gắn máy, chúng tôi lại lang thang đi bộ. Nghĩa gặp lại chị hàng xóm chủ quán bún riêu. Nghe tiếng cười rốn rảng, hỏi thăm người này, người khác, với chất giọng rặt Nam kỳ, mà thấy quá chừng xao xuyến. Người ta chỉ cần nhớ đến Đại Nghĩa hàng xóm, mà không quá câu nệ Đại Nghĩa diễn viên. Ở con phố này, với Nghĩa, anh được hoàn toàn thoải mái, chẳng cần khách sáo. Không còn khoảng cách nào giữa nghệ sĩ và người hâm mộ.

Lúc còn bé xíu, Nghĩa luôn thích nhìn ngôi nhà 3 tầng lầu duy nhất trên con phố này, vì ít nhìn thấy nhà cao tầng, nên với anh, đó là ngôi nhà hoành tráng nhất. Sau này lớn lên, ở tuổi thiếu niên và thanh niên, sự thay da đổi thịt của con đường được Nghĩa chứng kiến và cảm nhận sâu sát. Phố nghèo đã hết nghèo khi từng khu villa mọc lên. Căn nhà lộng lẫy của thời ấu thơ nay vẫn còn nguyên, nhưng đã cũ kỹ. “Niềm tự hào của xóm tôi ngày xưa nay đã trở thành sự bình thường của phố rồi”, Nghĩa chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm