pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cây húng chanh và mùi mật ong làm lộ bí mật của chồng
Nhắc đến chuyện tình yêu của bố mẹ tôi thì có lẽ phải đủ tư liệu để viết thành một cuốn tiểu thuyết chương hồi dài ngoằng và lãng mạn chẳng kém cạnh gì.
Bố hơn mẹ 17 tuổi. Đây quả thật là một khoảng cách đáng gờm. Hãy thử tưởng tượng, năm bố vào đại học thì mẹ tôi mới sinh ra đời. Khi bố trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định thì mẹ tôi với lẫm chẫm vào học mẫu giáo. Thế đó!
Bố mẹ tôi quen biết cũng vô cùng lạ lùng. Cụ ngoại của tôi, tức ông ngoại của mẹ là giáo viên dạy cùng trường với bà nội của tôi, tức mẹ của bố. Như vậy là đã đủ để hiểu khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ tôi đến đâu rồi đúng không.
Năm mẹ học cấp 3, mẹ nằm trong đội tuyển học sinh giỏi văn, bà nội tôi là giáo viên chủ nhiệm của mẹ, cũng nhận trách nhiệm hướng dẫn và ôn luyện cho mẹ. Mẹ thường xuyên sang nhà bà nội tôi để học và cũng lần đầu tiên gặp bố tôi ở đó.
Lần đầu gặp gỡ mẹ đã chào bố là “chú”.
Cái xưng hô “chú - cháu” này mãi đến vài chục năm sau cũng chỉ có thể thay đổi thành “chú - em”. Thậm chí, giờ bố mẹ tôi đã có với nhau 4 mặt con thì họ vẫn cứ ngọt nhạt chú chú em em như vậy suốt thôi.
Sau khi mẹ tốt nghiệp Đại học, chú cũng đã thuộc vào đội ngũ những người đàn ông “ế vợ” thì duyên phận run rủi thế nào họ lại phải lòng nhau. Thời gian tìm hiểu cũng nhanh chóng lắm vì nhà bà nội tôi giục quá nên chẳng mấy chốc mà hai người đã dọn về ở cùng một nhà.
Bà ngoại tôi kể lại rằng, lúc đó vừa mừng vừa lo. Mừng vì bên thông gia nói gì đi chăng nữa cũng là người thân người quen đã lâu, gả con gái mình sang đó chẳng phải lo người ta khác máu tanh lòng. Lo vì khoảng cách tuổi tác giữa hai người quá lớn, bà cũng nghe thiên hạ người ta đồn ra đồn vào tính cách của bố tôi có phần hơi lập dị.
Cái lập dị mà người ta đồn thổi với nhau đó có lẽ vì bố rất ít nói. Bố tôi quả thật rất ít nói, cũng không mấy khi giao tiếp với ai. Bố chỉ chăm chỉ sáng đi làm, chiều về nhà phụ giúp bà nội dạy học cho đám nhỏ trong làng mà thôi.
Bố tôi có vóc dáng cao lớn và khuôn mặt hơi lầm lì, mỗi lần bố cau mày theo thói quen thì ai cũng nghĩ bố sắp sửa nổi nóng đến nơi. Bọn trẻ con trong xóm mà lười ăn thì kiểu gì cũng bị doạ là “không ăn là bác Trung nhà bà Ngát sang bón cho ăn bây giờ”. Chỉ cần câu thành chú “bác Trung nhà bà Ngát” được hô lên thì trẻ con đầu làng cuối đứa nào cũng há mồm ăn ngoan như cún.
Ngay cả trong đám cưới to nhất làng của họ, bố tôi cũng gần như không nói lời nào. Ai mời rượu cũng chỉ gật đầu lịch sự, lễ phép rồi uống đến say mèm.
Ngược lại hoàn toàn với bố, mẹ tôi là một nhà báo rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm phóng sự điều tra rầm rộ một thời. Mẹ tôi rất khéo léo, đã vậy lại xinh đẹp nổi tiếng nên được lòng người vô cùng.
Cũng phải nói rằng gia đình bố tôi không mấy khá giả vì ông nội tôi mất từ khi bố còn rất nhỏ. Bởi vậy mà mọi việc trong nhà đều do 1 tay bà nội quán xuyến, dù bà có giỏi giang đến đâu thì cũng khó mà được bằng người ta.
Thế nhưng nhà ngoại tôi lại giàu có nhất nhì thành phố thời bấy giờ. Tuy rằng cụ và ông bà ngoại tôi rất tôn trọng thông gia nhưng thuở đó người ta nói ra nói vào ghê lắm. Người ta bảo bố tôi có tuổi rồi mà còn “trâu già thích gặm cỏ non”, thậm chí không ít người bĩu môi chê rằng “đũa mốc đòi chòi mâm son”.
Cuối cùng thì họ vẫn nên vợ thành chồng. Cưới thì cũng đã cưới rồi, thiên hạ chịu thì chịu mà không chịu thì cũng phải chịu mà thôi.
Ngược lại hoàn toàn với những lời dèm pha, bố mẹ tôi sống hạnh phúc vô cùng. Minh chứng là 4 chị em chúng tôi. Ấy vậy mà giờ thì miệng lưỡi vẫn cứ ở cái tầm cao mới hơn nữa khi nói rằng bố tôi gia trưởng, không yêu thương gì vợ con.
Khổ lắm! Bố tôi hay làm tăng ca đến muộn mới về. Tuy rằng nhà cách xa cơ quan nhưng bố tôi vẫn cố gắng vì quan trong là ở đây thì gần cơ quan của mẹ và trường học của chị em chúng tôi. Bố bảo bố đi xa xôi tí không sao nhưng phải để mấy mẹ con ngủ thêm được tí nào hay tí ấy.
Vậy là người ta chỉ thấy bố tôi đi từ sáng sớm tinh mơ nhưng nào có biết lúc nào bố về nhà. Càng không thấy hình ảnh mẹ lo cho chúng tôi rồi lại ngồi gà gật đợi cơm vì sợ bố về cơm nước nguội lạnh.
Dần dà chúng tôi cũng chẳng bận tâm người ta nói gì về nhà mình, miễn sao bố mẹ luôn hạnh phúc là được rồi.
Trong phòng của bố mẹ có một cây húng chanh đặt ở ban công. Có bận bố đi công tác mấy ngày, mẹ bận bịu nên không chăm sóc được cho nó, đến khi bố về thì nó đã chết còng queo mất tiêu rồi. Thế là bố lại hì hục phóng xe lên chợ Bưởi mua cây mới. Thậm chí còn cẩn thận mua cây to gấp đôi cây cũ.
Tôi nhìn cái cây với những búp lá mập mạp mọng nước, muốn ngắt 1 lá vò vò ngửi thử mà bố không cho. Bố giữ mấy cây húng chanh ấy lắm!
Miền Bắc trở lạnh thì thời tiết khắc nghiệt vô cùng. Có khi chỉ vài ngày thôi nhiệt độ đã thay đổi đến mức người ta không kịp trở tay. Mỗi bận như vậy là mẹ tôi lại ho đến mức cả nhà phải xót ruột. Cổ họng và đường hô hấp của mẹ không tốt từ khi còn nhỏ. Chỉ uống nhiều nước lạnh một chút thôi mẹ tôi cũng có thể bị ho đến vài tuần không khỏi.
Thi thoảng vào những đêm mùa động lạnh cắt da cắt thịt, tôi thấy đèn dưới bếp bật sáng lên và có tiếng lạch cạch nho nhỏ phát ra. Liền sau đó, mùi mật ong thơm lừng len lỏi vào phòng của mấy đứa chúng tôi. Mùi mật ong lẫn với mùi của lá húng chanh, vừa ngọt ngào vừa ấm áp lắm!
Có lần, tôi rủ nhóc em rình mò xem ai làm gì trong bếp nửa đêm như vậy thì mới phát hiện ra bố hấp lá húng chanh và mật ong để cho mẹ uống. Bố cẩn thận lắm không bao giờ hấp sẵn đâu, mẹ cứ hơi húng hắng ho thì bố mới bắt đầu ngắt lá rồi mang đi rửa sạch rồi hấp cho mẹ uống nóng hôi hổi.
Được cái 4 đứa chúng tôi đứa nào đứa nấy khoẻ như củ khoai củ sắn, chẳng mấy khi ốm đau bệnh tật gì. Nhiều khi bà nội còn đùa mẹ ốm hết phần của chúng mày rồi. Mỗi lần như vậy bố đều không vui.
Cũng có lần tôi chủ động muốn phụ bố hấp húng chanh mật ong cho mẹ nhưng bố không khiến đâu!
Kể từ đó, mỗi lần nửa đêm mùi thơm húng chanh mật ong bay vào phòng ngủ, chúng tôi lại lóc cóc bò ra giả vờ ho để trêu bố. Tất nhiên, bố còn lâu mới mắc bẫy:
- Toàn mấy đứa da dày thịt béo, tự đi hấp mà uống đi!