Cha không nhận con, đề nghị cơ quan nào giải quyết?

26/10/2019 - 20:59
Đến nay chị gái tôi đã sinh cháu nhưng người yêu của chị ấy không chịu cưới và từ chối trách nhiệm nuôi dưỡng con mình. Chúng tôi có thể yêu cầu cơ quan nào can thiệp hay không?

Chị gái tôi có quan hệ yêu đương với một người đàn ông làm công nhân ở gần nhà tôi. Tuy nhiên sau khi chị tôi có thai, người đàn ông kia trì hoãn không làm đám cưới. Đến nay chị đã sinh cháu nhưng anh ta cũng từ chối trách nhiệm nuôi dưỡng con mình. Chúng tôi có thể yêu cầu cơ quan nào can thiệp hay không?

Nguyễn Trung (Hà Nam)

 

Trả lời:

Điều 110, Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con như sau:

“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Để người đàn ông đó phải chu cấp tiền nuôi dưỡng cháu thì trước hết phải có văn bản của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận người đàn ông đó là cha đẻ của cháu.


Nếu người đàn ông đó tự nguyện nhận con thì thủ tục xác nhận cha cho con được quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật hộ tịch.

Trường hợp người đàn ông không muốn nhận con, còn chị gái của bạn lại muốn xác định người này là cha của con bạn thì ở đây đã có tranh chấp về việc xác định cha cho con.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này” và khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 “Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ” thì chị gái bạn có quyền làm đơn gửi đến Tòa án quận/huyện nơi cư trú của người đang ông đó, yêu cầu xác định anh ta là cha của con, đồng thời yêu cầu anh ta phải cấp dưỡng cho cháu.

Về mức cấp dưỡng nuôi con quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm