Cha mẹ cần làm gì khi con bị giáo viên hành hung?

27/10/2016 - 07:30
Nhiều vụ giáo viên đánh học trò dã man thời gian gần đây khiến không ít phụ huynh bàng hoàng lo sợ. Cha mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng gì để tránh xung đột không đáng có ở lớp?

Theo chuyên gia tâm lý độc lập Vũ Thu Hà, trẻ bị giáo viên bạo hành thường dẫn đến những hậu quả khôn lường. “Thường có hai dạng biểu hiện tâm lý khi một đứa trẻ bị chính giáo viên của mình đánh, bạo hành hay gây ức chế tâm lý. Một là trẻ sợ hãi, cảm thấy chán nản, không muốn đến trường. Hai là trẻ đến trường nhưng không còn hứng thú trong học tập, ghét bỏ thầy cô” - bà Vũ Thu Hà phân tích.

Tất cả trạng thái tâm lý này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sự hứng thú, say mê học tập của trẻ. Lâu dài, trẻ dễ dàng chán học, ghét thầy cô, sợ trường lớp, nhìn chung là gây nhiễu loạn đến hoạt động của một đứa trẻ. Bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh rằng, chính sự tổn thương sâu sắc này sẽ tác động tiêu cực đến kỹ năng giao tiếp và hành vi của học sinh trong cuộc sống sau này.

bh10.jpg
Học sinh bị bạo hành dễ thương tổn tâm lý sâu sắc, ảnh hưởng đến việc học tập. Ảnh minh họa internet.

Trước tình trạng giáo viên bạo hành học sinh xuất hiện nhiều hơn, chuyên gia Vũ Thu Hà lưu ý, sự quan tâm ứng xử của cha mẹ khi sự việc đáng tiếc đã xảy ra là điều vô cùng quan trọng. Đặc biệt, với một đứa trẻ không sống trong môi trường giáo dục “roi vọt”, thì hành vi bạo hành sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý trẻ.

“Bất cứ bậc phụ huynh nào cũng cần phải hiểu rằng mọi hành vi bạo lực đều gây tổn thương tinh thần, khiến con cảm thấy mình không được tôn trọng, thiếu tự tin. Bố mẹ vì thế phải chia sẻ với con, ở bên con sau khi sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Tránh trừng phạt thêm hoặc đổ lỗi cho con!”.

Cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho con các kỹ năng về học tập (hoàn thành bài tập đầy đủ), kỹ năng về nguyên tắc kỷ luật của lớp,  phải nói cho con biết trong trường hợp có ai đánh mắng con thì phải nói, trao đổi chia sẻ với bố mẹ để bố mẹ tìm cách giải quyết, hỗ trợ con.

“Kể cả với một đứa trẻ hư cũng không nhất thiết phải dùng bạo lực. Bạo lực chỉ cho chúng ta kết quả ngắn hạn chứ không giải quyết vấn đề gốc rễ. Trẻ hư cần thêm các chuyên gia hỗ trợ như nhà xã hội học, tâm lý học…  Vấn đề cốt lõi của người làm giáo dục là tìm hiểu nguyên nhân để xử lý vấn đề tận gốc, chứ không phải dùng đến bạo lực để can thiệp làm cho mọi chuyện phức tạp hơn” - chuyên gia Vũ Thu Hà nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm