Cha mẹ đừng xem thường khi con sợ cả tiếng mèo kêu

30/11/2017 - 19:50
Cha mẹ đừng biểu lộ thái độ xem thường, cười cợt, mỉa mai khi trẻ có những nỗi lo sợ hết sức “trẻ con” như sợ tiếng mèo kêu, sợ tiếng sấm, sợ đi khám bác sĩ…
lo-lang1.jpg
Giúp trẻ hiểu và chế ngự nỗi bất an càng sớm càng tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ

Nếu không được kiểm soát kịp thời, việc lo sợ một cách thái quá sẽ để lại những tổn thương trong não bộ của trẻ, khi trưởng thành rất có thể trẻ sẽ trở thành người có kiểu thần kinh yếu- tác động xấu đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ sau này.

Những lý do khiến trẻ bất an, lo lắng

-  Do trí tưởng tượng của trẻ rất phong phú. Trẻ có rất nhiều nỗi bất an vô cớ, mơ hồ. Trẻ rất dễ lo sợ về những điều không có thật, những nhân vật chủ yếu do trẻ tưởng tượng ra. Trẻ lo lắng cho sức khỏe của mình và của cha mẹ, trẻ sợ đau, sợ chết, sợ con quái vật, sợ bóng tối, sợ phù thủy... Do vậy, người lớn không được mang những nhân vật không có thật như ma quỷ, ngáo ộp để dọa trẻ.

- Trẻ là con của những ông bố, bà mẹ hay lo lắng. Nếu trẻ sống với cha mẹ luôn có biểu hiện bất an trước mọi tình huống thì tính cách ấy cũng “lây nhiễm” sang bé là điều không tránh khỏi. Do đó, để giúp con kiểm soát được nỗi lo sợ, bất an trong lòng cha mẹ hãy cố gắng vượt qua những nỗi sợ của chính mình hoặc cố gắng kiềm chế đừng thể hiện nỗi sợ ấy ra trước mặt trẻ.

- Khả năng diễn đạt của trẻ chưa tốt. Những người có vấn đề về diễn đạt thường hay lo sợ khi giao tiếp. Trẻ con cũng thế. Các nhà tâm lý cho rằng, kỹ năng diễn đạt vấn đề có liên quan mật thiết đến sự bất an, thiếu tự tin của con người. Do đó, cha mẹ cần chú ý trang bị cho con kỹ năng giao tiếp qua việc dành thời gian trò chuyện cởi mở cùng con. Được nói chuyện với cha mẹ nhiều, vốn ngôn ngữ của trẻ sẽ phát triển nhanh chóng. Trẻ tự tin hơn thì trẻ sẽ chế ngự dần cảm xúc lo sợ, bất an trong lòng.

- Trẻ bị stress. Chúng ta thường nghĩ trẻ con ngây thơ, vô tư và cuộc sống của chúng vì thế chắc hẳn chỉ toàn tiếng cười đùa, những trò nghịch dại… Thật ra, trẻ cũng có những mối lo lắng và thậm chí bị căng thẳng, rối loạn lo âu. Có thể trẻ bất an vì đang tự mình đối mặt với việc bị bạn bè trêu chọc, chế giễu, ức hiếp… Để nhận biết dấu hiệu của một đứa trẻ bị stress, cha mẹ cần gần gũi và chú ý đến những biểu hiện hằng ngày ở trẻ.

lo-lang.jpg
Cha mẹ không nên cười chê, giễu cợt nỗi sợ mà trẻ đang trải qua

Cùng con chế ngự nỗi bất an

- Chuẩn bị tâm lý cho con. Trẻ hay lo lắng thường là trẻ nhút nhát, mềm yếu, khó hòa nhập vào môi trường mới. Vì thế, để con vơi đi nỗi bất an, cha mẹ hãy chuẩn bị tâm lý kỹ càng, chu đáo trước khi con gia nhập một mối quan hệ mới.

Chẳng hạn, khi đưa con đến một điểm du lịch mới, hay khi con bắt đầu đi học, hãy cho trẻ biết ở đó trẻ sẽ được gặp ai, được chơi với ai, được sống trong không gian thế nào, những người ở đó hầu hết sẽ rất quý mến con.

Cha mẹ hãy lường trước những trạng thái cảm xúc mà con trải qua và chuẩn bị cho con thật kỹ, như thế trẻ sẽ đỡ hồi hộp, lo lắng. Cho con nhiều cơ hội tiếp xúc với đám đông: Chơi ở công viên, chơi ở nhà bạn, chơi ở sân trường… để trẻ tự do vui chơi và giao tiếp, trẻ sẽ tích lũy những kỹ năng cần thiết để chế ngự nỗi lo sợ của bản thân.

- Trở thành bạn thân của con. Để giúp con trấn an được bản thân trước những nỗi lo lắng, sợ hãi vô cớ, cha mẹ hãy trở thành “bạn thân” của trẻ. Cha mẹ luôn tỏ ra thông cảm với những nỗi lo sợ của con, đừng cười chê hay giễu cợt nỗi bất an mà trẻ đang trải qua.

Hãy tranh thủ mọi thời gian chia sẻ cùng trẻ, bày tỏ sự  đồng cảm và nói rõ cho con hiểu bạn biết con đang lo sợ điều gì, trước đây bạn từng trải qua trạng thái tâm lý như thế, nhưng cha mẹ không để nó kéo dài quá lâu.

Trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm của cha mẹ và sẽ thổ lộ cùng cha mẹ về những lo lắng, bất an trong lòng, mong muốn được sẻ chia về cách giải tỏa tâm lý tiêu cực này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm