Cha mẹ giúp con 'né' bạo lực học đường

15/10/2016 - 07:10
Trước khi quá muộn, ngay từ bây giờ sao cha mẹ không giúp con phòng tránh và tự vệ trước nạn bạo lực học đường?
 Cha mẹ hãy dành thời gian nghe con kể chuyện ở trường mỗi ngày. Qua đó, cha mẹ sẽ biết con đang gặp khúc mắc gì với bạn để cùng con giải quyết ngay, không để mâu thuẫn bị dồn nén quá mức - Ảnh minh họa internet.

Bà mẹ thông thái

Những ngày gần đây, theo dõi thông tin về những vụ nữ sinh đánh bạn dã man, bác Minh Hồng, cán bộ phụ nữ phường Thanh Xuân Nam (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi xót xa, thấy mình như trở về mấy chục năm trước khi con gái đầu của bác là học sinh THCS.

“Con bé nhỏ thó, nhút nhát nên bị một bạn nổi tiếng là “đầu gấu” trong lớp thường xuyên chặn đường, trấn lột đồ dùng học tập, giật tóc, véo tai. Biết chuyện, tôi rất tức giận, định bụng sẽ chặn đường “thằng đầu gấu” để “cho nó một trận”. Nhưng tôi nghĩ, càng đánh, thằng bé càng hận con mình hơn”.

Cuối cùng, bác Hồng tìm ra “diệu kế” là chủ động mời “đầu gấu” đi uống nước. Trong câu chuyện, bác tâm sự rất lo cho con gái yếu đuối và có lời nhờ “đầu gấu” hãy bảo vệ bạn. Cậu bé thoáng chút ngạc nhiên, nhưng sau đã vui vẻ nhận lời. Từ đó, nhờ được mẹ bạn tin tưởng mà cậu thay đổi hẳn, trở thành anh hùng trượng nghĩa, hào hiệp luôn sẵn sàng che chở, giúp đỡ bạn gái yếu ớt. 

Bây giờ, con gái bác Hồng cũng đã làm mẹ. Cậu bạn đầu gấu cũng đã có gia đình riêng. Thi thoảng nhắc lại chuyện này, “đầu gấu” vẫn cười: “Bác ấy thật biết lấy độc trị độc!”. Con gái bác Hồng lại dùng chính chiêu của mẹ để áp dụng cho con nhằm phòng tránh bạo lực học đường.

Cha mẹ hãy là “vệ sĩ” của con

Thạc sỹ tâm lý Vũ Kim Thanh, từng là cố vấn của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 cho biết, qua trực tiếp tham vấn tâm lý và tìm hiểu về nhiều sự việc bạo lực học đường trên báo chí, bà thấy có tình trạng là nhiều bậc cha mẹ ngày nay không thường xuyên theo sát con. Vì thế, con bị bạn hành hạ trong một thời gian dài, hoặc chỉ khi sự việc bị ai đó ghi hình lại rồi đưa lên mạng internet thì cha mẹ mới biết. “Muốn phòng tránh bạo lực học đường, cha mẹ hãy dành thời gian nghe con kể chuyện ở trường mỗi ngày. Qua đó, cha mẹ sẽ biết con đang gặp khúc mắc gì với bạn để cùng con giải quyết ngay, không để mâu thuẫn bị dồn nén quá mức”.

Chị Trần Thanh Thảo, có con đang học lớp 9 ở TPHCM kể: “Mấy năm trước, ở lớp con tôi có hai bạn đánh nhau, chỉ vì nói xấu nhau. Sau khi nghe con kể, tôi đã hỏi nếu rơi vào hoàn cảnh đó, con sẽ làm gì? Con trai tôi trả lời: Con sẽ không bao giờ dùng bạo lực với người khác vì như vậy là vi phạm pháp luật. Nếu việc nhỏ, con sẽ bỏ qua. Còn nếu con bị vu khống nặng nề, con sẽ nhờ cô giáo can thiệp”.

Kể lại chuyện này, chị Thảo nhấn mạnh: “Từ việc lắng nghe con hàng ngày, cha mẹ có thể biết trong lớp của con đang xảy ra chuyện gì, nhưng quan trọng hơn là biết thái độ của con trước sự việc đó ra sao. Khi con nói không đánh bạn, tôi rất mừng vì con đã nhận thức đúng đắn về tác hại của bạo lực học đường. Con còn biết tìm kiếm sự giúp đỡ của người lớn thay vì âm thầm chịu đựng khúc mắc”.

Theo bà Thanh, cũng từ việc sát sao con mà cha mẹ sẽ có nhiều cách để giúp đỡ trong cả hai trường hợp trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường và hoặc tệ hơn là khi con gây bạo lực cho bạn học. Nếu con bị bạo hành, cha mẹ không được khuyên con nên đánh lại bạn vì lấy bạo lực dập bạo lực chỉ khiến mọi việc thêm tồi tệ. Cha mẹ cũng không dạy con nín nhịn, bỏ qua vì càng khiến người gây bạo lực lộng hành và ra sức bắt nạt con trở lại. Tốt nhất là tìm cách sắp xếp cho hai phía đối thoại với nhau để cùng giải quyết mâu thuẫn từ gốc rễ.

“Tôi biết, có nhiều cha mẹ sốt ruột, thường trực tiếp ra mặt giúp con. Cha mẹ thông minh hãy để trẻ con tự giải quyết việc của chúng còn mình chỉ đứng sau hướng dẫn, giúp đỡ con tháo gỡ ngòi nổ mâu thuẫn mà thôi. Nếu chưa cần thiết, không cần phải làm ầm ĩ và biến việc trẻ con thành xung đột của người lớn”, bà Thanh nói.

Tuy nhiên, nếu con là người gây bạo lực, cha mẹ phải chủ động thay mặt con xin lỗi gia đình nạn nhân, liên hệ với cô giáo để bàn bạc cách khắc phục, dạy dỗ con về sau. Tuyệt đối không được bỏ qua sự việc, rũ bỏ hết trách nhiệm chịu tội cho con.

Mỗi đứa trẻ gây ra bạo lực cần có cách dạy dỗ riêng. Chẳng hạn, nếu đó là đứa bé ương bướng nhưng đề cao lòng tự trọng, hãy giải thích để con hiểu, đánh bạn là xấu, nhất lại là đánh bạn yếu thế hơn mình thì chẳng anh hùng gì.

* Cha mẹ cần nhận diện khả năng bạo lực học đường sắp xảy ra để ngăn chặn kịp thời:

- Có tổn thương trên cơ thể như các vết bầm tím, chảy máu, trầy xước; con bỗng dưng kêu đau… Tuy nhiên, con lại không giải thích được rõ ràng và thuyết phục tại sao xuất hiện những sự bất thường đó…

- Tâm lý con thay đổi như hay giật mình, hay mơ thấy ác mộng, ngủ không ngon giấc, hay sợ hãi, tỏ vẻ muốn ở gần bố mẹ, anh chị một cách bất thường…

- Bỗng dưng sợ đi học, học tập chểnh mảng, thành tích học giảm sút, hay nghĩ vẩn vơ, ăn uống thất thường.

- Ngại giao tiếp, thường chỉ muốn trốn trong nhà. 

* Cha mẹ hãy dạy con giá trị bản thân. Khi biết yêu và quý trọng bản thân mình, con cũng sẽ hiểu được giá trị của người khác. Từ đó, con sẽ không cam chịu bị bạo hành cũng như không nghĩ đến việc bạo hành, xúc phạm bạn bè. Thêm vào đó, hành vi của con trẻ chính là bản sao những lời nói, hành vi của người lớn. Vì thế, cha mẹ đừng chỉ trách mắng mà hãy làm gương cho con và hãy kích thích lòng thiện trong con. Khi người lớn tức giận mà cũng sử dụng bạo lực thì con sẽ nghĩ rằng, đó là cách giải quyết mâu thuẫn tốt nhất. 

TS. Trần Thu Hương, Khoa tâm lý, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm