Cha mẹ gửi tủ lạnh, đệm vào khu cách ly: Yêu thương con đúng cách thì bản năng thôi chưa đủ!

Bảo Anh
25/03/2020 - 19:00
Cha mẹ gửi tủ lạnh, đệm vào khu cách ly: Yêu thương con đúng cách thì bản năng thôi chưa đủ!
Thay vì động viên con bình tĩnh, dặn con hãy làm theo quy định của khu cách ly để đảm bảo sức khoẻ của bản thân và cả cộng đồng thì họ gửi đệm vì sợ con ngủ chiếu sẽ đau lưng, họ gửi đồ ăn vặt vì sợ con thiếu chất...

Vào đúng thời điểm "nước sôi lửa bỏng" cả nước chung tay chống dịch COVID-19, giữa lúc Chính phủ đang kêu gọi người dân tránh tụ tập đông người, hàng loạt hình ảnh người người tấp nập gửi đồ tiếp tế cho con em của mình trong khu cách ly làm nổ ra tranh cãi. Nhiều ý kiến bức xúc đã được đông đảo người dân để lại trên mạng xã hội. Tôi đã xem những đoạn clip người trong khu cách ly chê trách phòng không tiện nghi, chê bữa cơm chẳng thể nuốt nổi, khi mà lực lượng bộ đội sẵn sàng lập lán trại ở để nhường phòng cho người cách ly, người đẫm mồ hôi bê những thùng hàng bên ngoài gửi vào tiếp tế. 

Trong những thùng hàng các anh bộ đội đang vã mồ hôi bê là bimbim, đồ ăn vặt, rượu bia, thậm chí có cả tủ lạnh. Thay vì động viên con bình tĩnh, dặn con hãy làm theo quy định của khu cách ly để đảm bảo sức khoẻ của bản thân và cả cộng đồng thì họ gửi đệm vì sợ con ngủ chiếu sẽ đau lưng, họ gửi đồ ăn vặt vì sợ con thiếu chất. Họ gửi cả tủ lạnh vì lo con trong đó nóng nực. Ngay cả khi sở Y tế thông báo ngưng nhận đồ tiếp tế để tránh tụ tập đông người, họ vẫn cố tìm mọi cách lách để đưa đồ tận tay cho con em, bất chấp mọi khuyến cáo. 

Mang thai con 9 tháng 10 ngày, dứt ruột đẻ con ra có ai là không yêu, không xót. Nuôi con đã khó, dạy dỗ để con nên người càng khó hơn. Làm cha mẹ, để yêu thương con đúng cách thì bản năng thôi là chưa đủ. 

Cha mẹ gửi tủ lạnh, đệm vào khu cách ly: Yêu thương con đúng cách thì bản năng thôi chưa đủ! - Ảnh 1.

Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác ganh tỵ với cô bạn thân thủa nhỏ khi luôn được bố mẹ cưng chiều như nàng công chúa. Nhà chỉ có duy nhất một cô con gái, bạn tôi được bố mẹ đưa rước tới lớn, chẳng bao giờ phải động tay vào bất cứ việc nhà nào. Có lần sang nhà tôi chơi, bạn thấy đĩa dưa hấu còn quay sang ngạc nhiên hỏi: "Cậu không bỏ hạt ra à?". Hoá ra từ nhỏ, miếng dưa hấu bạn ăn cũng được mẹ cẩn thận bỏ từng cái hạt, múi bưởi luôn xuất hiện sẵn trên đĩa đã được bóc vỏ bỏ hạt. 

Mẹ tôi thì không như vậy. Ngay từ những ngày còn nhỏ, hai anh em tôi đã phải thu dọn đồ chơi sau mỗi lần chơi xong. Lên cấp 1, anh em tôi đã biết tự tắm, vệ sinh cá nhân và góc học tập của mình. Lên cấp 2 làm việc nhà trở nên quá quen thuộc với hai đứa. 

Trong những cuộc trò chuyện trên trời dưới biển của 2 anh em, không ít lần chúng tôi than thở về việc mẹ quá nghiêm khắc. Trong suy nghĩ của tôi và người anh trai chỉ hơn tôi 2 tuổi ngày ấy, việc mẹ bắt chúng tôi phải tự lập khi còn nhỏ như vậy thật chẳng thích thú chút nào. Thậm chí, đã có lần tôi khóc lóc chốt cửa phòng quyết không ăn cơm vì cho rằng mẹ không hề yêu thương tôi, luôn nghiêm khắc với tôi. Tất nhiên, người mẹ mạnh mẽ của tôi sẽ chẳng bao giờ xuống nước nỉ non hay mang thức ăn lên tận phòng kẻo tôi đói. Tối hôm đó, bố là người đã lén mang đồ "tiếp tế" cho tôi. Trong khay đồ ăn hôm đó, bố gửi kèm một lá thư.  

"Con yêu! Bố biết hôm nay con rất buồn và bố tin rằng mẹ con cũng vậy. Bố mẹ luôn yêu thương hai anh em con bằng cả trái tim và lý trí của mình. Con có thể thấy mẹ nghiêm khắc song tất cả những gì mẹ đã và đang làm cho con đều là vì mẹ muốn tốt cho các con. 

Thế giới ngoài kia rộng lớn và phức tạp lắm. Không người cha mẹ nào có thể giữ con cái cả đời trong bàn tay của mình. Điều mẹ muốn chính là giúp các con có thể tự bơi, để con có thể tự lập và kiên cường, không chới với khi sau này rời xa vòng tay bố mẹ". 

Tôi đã mở chiếc hộp luôn cất trong tủ và xem lại bức thư ngày đó. Cũng buổi chiều hôm nay, tôi đã thấy một người mẹ như thế trong bức ảnh cùng chuyến hàng tiếp tế đặc biệt. Có con trai từ nước ngoài về và hiện ở trong khu cách ly, điều khiến người mẹ này không khỏi suy nghĩ chính là lo cho sức khoẻ của những người chiến sĩ, tình nguyện viên đang căng mình phục vụ. Chuyến hàng tiếp tế của bà không phải chiếc đệm để con ngủ khỏi đau lưng hay đồ ăn vặt để con có chất, đó là những hộp bánh, chai nước, thùng mì để tiếp sức thêm cho lực lượng bộ đội. 

Hình ảnh xúc động ấy khiến tâm trạng của tôi trở nên tốt hơn rất nhiều. 14 ngày ấy cũng chính là cơ hội để con học cách thích nghi với cuộc sống. "Hãy học cách chấp nhận và vượt qua khó khăn" là câu nói trong một chia sẻ của cậu du học sinh từ khu cách ly. 

Cha mẹ gửi tủ lạnh, đệm vào khu cách ly: Yêu thương con đúng cách thì bản năng thôi chưa đủ! - Ảnh 2.

Người mẹ đặc biệt không tiếp tế đồ cho con mà gửi đồ cho các chú bộ đội, nhân viên ở khu cách ly nhận được hàng ngàn "Tim" yêu thích từ cộng đồng mạng.

Phòng ốc không được sạch sẽ như ở nhà? Điều này dễ hiểu thôi bởi hơn 1 tháng sinh viên về nhà ăn Tết, bụi bặm ẩm thấp là điều khó tránh. Tuy nhiên, thay vì việc ngồi đó chê trách và đòi hỏi sự phục vụ, hãy biết tự phục vụ bản thân mình, bắt đầu từ việc cầm cây chổi lên và dọn dẹp chỗ ở của mình.

Bữa cơm không vừa miệng, chẳng được như mẹ nấu? Hãy biết ơn những người lính dọn dẹp đồ đạc khu cách ly cho các bạn đến tận khuya rồi 3 rưỡi sáng đã bắt đầu nổi lửa để chuẩn bị những bữa cơm đến tận tay các bạn. Bữa cơm trong gia đình 4 người có khi còn chẳng vừa lòng hết mọi người. Thay vì nhăn nhó trước bữa cơm không được như ý, hãy nói lời cảm ơn tới những người đang không quản ngại ngày đêm để góp sức phòng dịch. 

Cho đến giờ, khi đã trở thành mẹ của hai đứa con, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn về những hành trang đã được bố mẹ trang bị. Tôi hiểu không ai có thể lập tức trở thành những ông bố, bà mẹ biết chăm sóc và giáo dục con cái. Nuôi dạy con chính là quá trình để bản thân cha mẹ không ngừng học hỏi, hoàn thiện mình. 

Yêu thương đúng cách sẽ là liều thuốc tốt nhất để nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách và tạo nên nhân cách sau này cho con. Con cái chính là sự phản chiếu hình ảnh của cha mẹ. Hãy giúp con tạo dựng nền tảng vững chắc bằng những bài học đầu đời về sự tự lập, biết quan tâm tới mọi người và biết ơn những điều tốt đẹp. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm